Đề án về dạy và học ngoại ngữ: Luồng gió mới trong đời sống học đường

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Đất nước đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên hội nhập. Trên hành trình ra “biển lớn” đầy thách thức, gian lao, ngoài việc trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững chắc, mỗi chúng ta cần phải hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói. Ngoại ngữ không chỉ là phương tiện đơn thuần mà còn là vũ khí sắc bén thời hội nhập.

Chi tiết bản đề án

Một lớp ngoại ngữ (ảnh: Internet)

Hiểu rõ vai trò của ngoại ngữ trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ mới, Bộ GD-ĐT đã có những chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong các hệ thống nhà trường.

Cách đây 2 năm (2008), Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ mới, theo đó, bắt đầu từ tháng 8/2009, những thí sinh đăng ký thi cao học phải có trình độ ngoại ngữ TOEFL ITP 450, TOEFL IBT 45 hoặc IELTS 4,5 trở lên hoặc trình độ tương đương. Chưa hết, vào tháng 9/2008, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là Đề án) đã được Chính phủ phê duyệt và bắt đầu được thực hiện. Đề án nêu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về dạy và học ngoại ngữ, thời gian, thời lượng, phương pháp dạy và học ngoại ngữ cũng như công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, mục tiêu và giải pháp trong việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ…

Chủ trương, chính sách đã có, tuy nhiên, để chúng đi vào cuộc sống và phát huy sức mạnh thì nhất thiết phải có thời gian, phải có sự chung tay của toàn xã hội. Trong bối cảnh mấy chục năm trời tiếng Nga giữ vai trò thống soái, lại cả một thời gian dài bị cấm vận, việc đưa tiếng Anh trở thành ngoại ngữ thông dụng ở Việt Nam là không thể một sớm, một chiều. Đã thế, bao năm trời chúng ta dạy và học ngoại ngữ theo kiểu học vẹt, học đối phó với các kỳ thi chứ không phải học để sử dụng, để làm việc. Cái tư duy dạy và học ngoại ngữ cũ kỹ ấy không dễ ngay lập tức mất đi mà thậm chí vẫn còn ngự trị ở đâu đó trong xã hội ta, trong mỗi chúng ta. Người phương Đông là vậy, khó có thể thay đổi “ý thức hệ” một cách chóng vánh…

Vậy mà gần đây, một số bài báo đề cập đến trình độ ngoại ngữ yếu kém của học sinh, sinh viên Việt Nam, vì chưa tìm hiểu và nắm được thông tin, đã khẳng định như đinh đóng cột rằng cho đến lúc này Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương kiên quyết bắt buộc về sử dụng thông thạo ngoại ngữ và tin học đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Có thể nói, ai chẳng muốn tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều thông thạo ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được. Chúng ta mới có trên 20 năm mở cửa và số năm thực sự hội nhập với thế giới chỉ tính được trên đầu ngón tay. Vậy thì làm sao trình độ ngoại ngữ của ta có thể so sánh được với trình độ của các nước châu Âu, thậm chí trình độ của các nước trong khu vực!?

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” chắc chắn sẽ thổi một luồng gió mới vào đời sống học đường. Với mục tiêu thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên, đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, nhóm giải pháp bao gồm đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học ngoại ngữ, không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên và tất nhiên là tăng cường trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ. Chưa hết, phải tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ cho việc sử dụng ngoại ngữ, bởi nếu không có môi trường sử dụng tốt thì khó có thể nâng cao được trình độ ngoại ngữ.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ đòi hỏi phải có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, các tầng lớp xã hội và đặc biệt là những nỗ lực của từng cá nhân. Nếu không sở hữu ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, chúng ta sẽ bị gạt ra vệ đường hội nhập.   

Anh Phương