Hãy biết đứng dậy từ cú vấp ngã đầu đời!
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Kỳ thi ĐH, CĐ 2010 đang ở giai đoạn hoàn tất những công việc cuối cùng. Giờ là lúc các trường bắt đầu công bố điểm thi, điểm trúng tuyển. Cũng như mọi năm, mặc cho đề thi dễ hay khó cũng chỉ khoảng 1/3 số thí sinh dự thi có diễm phúc được ngồi trên ghế giảng đường ĐH, CĐ. 2/3 số thí sinh còn lại đành phải ngắm nhìn cổng trường ĐH với cảm giác ngậm ngùi.
(ảnh minh họa: Internet)
Vẫn biết, trong cuộc đời đi học của mỗi người, bị loại khỏi kỳ thi vào ĐH, CĐ là một cú sốc tâm lý nặng nề. Nhất là trong một xã hội chuộng bằng cấp như ở nước ta, vấp ngã này thực sự là một thử thách lớn đối với mỗi thí sinh. Một số em vốn yếu đuối, thiếu kỹ năng sống, không chịu nổi áp lực từ phía xã hội và kỳ vọng của gia đình mà có những hành động nông nổi…
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc thì thất bại trong kỳ thi vào ĐH, CĐ cũng chỉ là cú vấp ngã đầu đời, không thể gọi là dấu chấm hết trên con đường đến với thành công. Thất bại trong kỳ thi vào ĐH, CĐ năm nay, thí sinh vẫn có thể thi tiếp vào năm sau, hoặc có nhiều lựa chọn khác. Các em có thể vào học hệ trung cấp hay ở một trường dạy nghề nào đó và cơ hội vào ĐH vẫn đang ở phía trước. Tuy nhiên, điều cần phải khẳng định ở đây rằng ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời. Trên thế giới và ngay ở Việt Nam, không thiếu những người thành công trên con đường lập nghiệp mà không cần đến tấm bằng ĐH. Xét cho cùng, chương trình đào tạo ở ĐH cũng chỉ đủ trang bị cho người học một phương pháp nghiên cứu, phương pháp làm việc, giúp họ có khả năng tiếp thu kiến thức một cách bài bản, hiệu quả. Còn lại, để thành công trong sự nghiệp, người ta phải tự học từ thực tế cuộc sống là chủ yếu.
Chương trình có cái tên giản dị “Dành cho 2/3 sĩ tử thi đại học” phát sóng chiều chủ nhật (25/7) của Đài THVN như muốn gửi đến những thí sinh trót lỡ hẹn với cổng trường ĐH năm nay một thông điệp: trượt ĐH không có nghĩa bạn là người thất bại, hãy hướng về phía trước, bởi khi một cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra! Đặc biệt, chương trình đã giới thiệu với khán giả một nhân vật hết sức thú vị- anh Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Linh LIOA. Sinh ra trong một gia đình trí thức (bố là Tổng biên tập NXB Giáo dục, mẹ là giảng viên ĐH Y Hà Nội, bác là học giả lừng danh Nguyễn Khắc Viện), việc thi trượt ĐH đã khiến Linh rất buồn. Tuy nhiên, cổng trường ĐH không phải là cái đích duy nhất của anh. Nguyễn Chí Linh xin vào làm công nhân trong nhà máy cơ khí Ngô Gia Tự. Suốt 9 năm làm công nhân, Linh đã học hỏi được nhiều điều để bây giờ, khi đã là Tổng Giám đốc của một công ty lớn, những kiến thức học được ngày ấy vẫn hết sức bổ ích đối với anh. Ngoài Chí Linh, chương trình “Dành cho 2/3 sĩ tử thi đại học” còn thu hút sự tham gia của những người rất thành công trong sự nghiệp nhưng đã từng nếm trải cú vấp ngã trong kỳ thi ĐH đầu đời. Tất cả họ đều có cùng một quan điểm là nhìn thẳng vào sự thật, đừng quá tự dằn vặt mình, sau đó rút ra bài học kinh nghiệm và tự tin đứng dậy. Người nổi tiếng Henry Ford từng nói: “Thất bại chính là cơ hội để ta bắt đầu làm lại một việc gì đó một cách khôn ngoan hơn”.
Vâng, vấp ngã trong kỳ thi vào ĐH như một phép thử đối với mỗi thí sinh, giúp các em xác định chính xác hơn khả năng của mình và vốn kiến thức mà mình học được sau 12 năm đèn sách. Nếu không vào được ĐH, đi làm thợ có sao đâu. Đất nước đang hội nhập sâu rộng, cần lắm nguồn nhân lực chất lượng cao mà đội ngũ kỹ sư, cử nhân, bác sĩ chỉ là một phần trong đó. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài bị chi phối bởi tư duy trọng bằng cấp, chúng ta phải gánh hậu quả “thừa thầy, thiếu thợ”. Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc xã hội cần đội ngũ công nhân có tay nghề cao hơn là những kỹ sư, cử nhân yếu kém. Đại học không phải là con đường vào đời duy nhất!
Anh Phương |