KẾT QUẢ CUỘC THI “EM YÊU LỊCH SỬ VIỆT NAM”

Lượt xem:


         Thực hiện công văn số 979/SGDĐT-GDTrH, ngày 12/8/2014 của Sở GDĐT Quảng Nam về việc tổ chức cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”  và nhằm mục đích giáo dục thêm cho học sinh về truyền thống dân tộc, về tình yêu với môn Lịch sử, Phòng GDĐT Đại Lộc đã triển khai cuộc thi này đến tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện và đông đảo học sinh đã tích cực tham gia .Qua chấm sơ khảo, mỗi trường đã chọn 05 bài làm tốt nhất của đơn vị mình để tham gia thi cấp Huyện. Tổng số bài thi Ban Tổ chức cấp Huyện nhận được là 88 bài, trong đó có nhiều bài đã thể hiện sự đầu tư cao về kiến thức cũng như hình thức trình bày, các em đã nói lên quan điểm của mình về các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, về các nhân vật lịch sử mà mình yêu thích, về tình yêu với các di sản văn hóa ở địa phương…Từ đó, Ban Tổ chức cấp huyện đã chọn 05 bài xuất sắc nhất gởi tham gia cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” cấp tỉnh. Đó là bài làm của các em : Đặng Minh Thư – học sinh lớp 7/2, trường THCS Lý Tự Trọng; Phan Minh Huy – học sinh lớp 7/6, trường THCS Nguyễn Trãi; Huỳnh Thị Ý Thương – học sinh lớp 8/3, trường THCS Trần Phú; Huỳnh Nguyễn Bảo Vinh – học sinh lớp 7/3, trường THCS Võ Thị Sáu và Võ Thị Kim Cúc – học sinh lớp 9/3, trường THCS Lê Lợi.

 

Sau đây là nội dung một số bài làm của các em :

Bài làm của em Đặng Minh Thư – học sinh trường THCS Lý Tự Trọng:

 

Câu 1 :Vào ngày 6 – 12 – 2012, di sản văn hóa thứ bảy của Việt Nam đó là “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ ”, đã chính thức được UNESCO công nhận  là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

 

Những điều em tâm đắc nhất về thời đại này là:

 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện một sự tôn kính, biết ơn của nhân dân ta đối với những người đã có công dựng nước, theo đạo lí  “Uống nước nhớ nguồn”. Để từ đó, chúng ta càng có ý thức cùng nhau gìn giữ và bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của toàn dân tộc, không để ai có thể xâm phạm.

 

Thời kì Hùng Vương là thời kì sơ khai dân tộc. Trải qua lịch sử hơn 4000 nghìn năm dựng nước và giữ nước gian khổ nhưng oai hùng  để hôm nay, chúng em được sống trong hòa bình. Chính vì vậy, lòng em càng thêm tự hào, đồng thời làm cho em càng thêm yêu mến và quyết tâm học tập để góp phần bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay.

 

Tín ngưỡng Hùng Vương là nét độc đáo trong văn hóa tinh thần của người Việt, là niềm tự hào về cội nguồn. Tín ngưỡng này đều hướng về một điều đó là dân tộc Việt Nam  đều có chung nòi giống “con Rồng cháu Tiên”. Vì vậy, nên những người con đất Việt dù có đi đâu về đâu, cũng luôn nhớ về ngày trọng đại dân tộc: Giỗ tổ Hùng Vương.

 

              Dù ai đi ngược về xuôi

 

Nhớ ngày Giổ Tổ mồng mười, tháng ba”.

 

 

 

 

 

 

              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu 2: Cảm nhận của em về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc là:

 

Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

 

“Chín năm làm một Điện Biên,

 

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!”

 

Cách đây khoảng 60 năm, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Việt Nam, tạo nên một chiến thắng đạt tới mốc son chói lọi, góp phần kết thúc thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 

    

 

 

Sau thất bại nặng nề ở đây, ngày 21/07/1954, thực dân Pháp buộc phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.Trước chiến dịch, không thể không kể đến những cuộc vận chuyển thần kì do sự góp sức của  gần ba vạn người vận chuyển lương thực, thuốc men, quần áo, …lên Điện Biên Phủ. Tất cả tiền tuyến lẫn hậu phương đều chuẩn bị với tinh thần cao nhất.

 

 

 

 

 

 

Để làm nên chiến thắng vẻ vang chấn động địa cầu ấy, có không biết bao người đã ngã xuống, không biết bao anh hùng hi sinh anh dũng, tiêu  biểu như: anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân chằn pháo hay Phan Đình Giót lấy thân lấp lỗ châu mai…tất cả đều vì nền độc lập của dân tộc. Bằng sức người, quân ta đã làm sập một tập đoàn cứ điểm mạnh mà tướng Na- va thường nói “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm”. Vì thế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã minh chứng cho sức mạnh của một dân tộc vượt lên trên cả một đế quốc hùng mạnh như thực dân Pháp.

 

 

 

Dĩ nhiên máu của nhân dân ta đã đổ xuống Điện Biên Phủ không ít, nhưng màu máu đó là màu của sự chiến thắng, của sự vẻ vang. Điều đó làm cho em rất khâm phục, trân trọng, đồng thời tri ân về sự hy sinh của các bậc cha anh, …. Và em càng căm thù sự xâm phạm của bất kì nước nào đối với Việt Nam. Thời gian qua, em rất căm phẫn khi Trung Quốc  đã có những hành động trái phép đối với 2 quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa của chúng ta. Khi đến tuổi thanh niên, em nguyện đem sức mình để bảo vệ đất nước, để xứng đáng là con cháu của các bậc anh hùng đã hi sinh ở Điện Biên Phủ.

 

Có vài lần em đã được xem những đoạn video, phóng sự về cuộc chiến này, em thật sự xúc động, những chiến sĩ của ta đã không tiếc máu xương, hy sinh anh dũng cho Tổ quốc, để đem lại thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

 

 

 

 

 

Tuy đã chấm dứt cuộc kháng chiến trường kì chống quân xâm lược nhưng mỗi lần xem lại những đoạn tư  liệu ấy, em lại thích nhất là cảnh quân ta  đưa khẩu pháo lên núi. Điều này đã thể hiện sự sáng tạo trong quân sự của ta, nó cũng có sức ảnh hưởng đến các bạn bè trên thế giới như ở Châu Phi, thúc đẩy họ nổi dậy chống Pháp . Tóm lại, em rất tự hào về dân tộc Việt Nam và chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ.

 

 

Câu 3: Người mà em yêu thích nhất trong lịch sử Việt Nam đó là Bác Hồ. Vì Bác là một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc nhưng lại rất gần gũi và yêu thương thiếu niên nhi đồng.

 

          Tuy em biết bây giờ Bác không còn nữa, nhưng hình ảnh về Bác, những tấm gương đạo đức của Bác vẫn còn sống mãi trong lòng chúng em. Sinh thời, Bác có nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ phần lớn công học tập của các cháu ”. Chính điều này đã giúp em có nhiều niềm tin và mơ ước cho tương lai.  Câu nói của Bác chính là động lực thúc đẩy em học tập thật tốt, xứng đáng với danh hiệu mà em đã đạt được đó là “Cháu ngoan Bác Hồ ”. Kính yêu Bác Hồ, em càng thấm thía  lời dạy của Bác đã cho chúng em bao điều hay, ý đẹp:

 

                                              Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.

 

                                               Học tập tốt, lao động tốt.

 

                                               Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt.

 

                                               Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

 

                                                           Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

 

Em rất quý mến Bác như quý mến người ông của mình vậy. Và tất cả thiếu nhi đều yêu quý Bác, nên mới có câu hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.Em đã đọc nhiều câu chuyện kể về Bác, thấy được qua những việc đơn giản mà Bác đã làm, em trở nên yêu lao động hơn dù đó là công việc bình thường. Bác là bậc đại nhân – đại trí – đại dũng, là tấm gương cho con cháu ngàn đời  noi theo.     

 

Những điều hiểu biết của em về Bác Hồ là:

 

Bác Hồ tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Bác sinh ngày 19/05/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân ở làng Hoàng Trù, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Thân phụ của  Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc và thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan.

 

Bác Hồ là một vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già dấu yêu của dân tộc ta, Bác rất thương yêu và chăm lo cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ người già và những thiếu nhi như chúng em.

 

         Vào ngày 05-06-1911 Bác ra đi tìm đường cứu nước với bí danh Văn Ba, Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ chỉ vì muốn tìm đường cứu dân. Ba mươi năm sau Bác đã trở về và trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

 

Ngày 03/02/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Ngày 02/09/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

 

Ngày 02/09/1969, Bác từ trần. Dù đã đi xa nhưng Bác vẫn luôn sống mãi trong lòng mọi người. Ngày nay tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Nói đến Bác Hồ trang sử ngàn đời không sao ghi hết.

 

Câu 4: Tại quê hương Quảng Nam có hai  điểm đến, được  UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là Khu Phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn.

 

        Phố cổ Hội An là một đô thị cổ  nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Nơi đây có nhiều chùa, miếu, đình, hội quán mang đậm phong cách kiến trúc phương Nam và Nhật Bản.

 

        Ngoài những giá trị văn hóa và kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa với các lễ hội đang được bảo tồn: lễ cầu ngư ở Phước Trạch vào ngày 16/02 âm lịch, lễ cầu bông ở Trà Quế vào ngày mồng 07 tháng giêng hàng năm…

 

        Bên cạnh đó có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khắc trên gỗ, tre rất điêu luyện, xắc xảo mang đậm phong cách và hồn phố cổ. Em đã từng được bố mẹ dẫn đi Hội An, đặc biệt em thấy rất nhiều du khách mua quà lưu niệm, vào quán thưởng thức những món ăn đặc sản, tuyệt vị như: cao lầu, chè bắp, hoành thánh …. Đêm Hội An rất yên tĩnh, với lễ hội hoa đăng đầy màu sắc rực rỡ và những chiếc đèn lồng treo dọc con phố.

 

        Trong đêm rằm, lắng nghe những bài chòi, hò khoan… vẳng lên từ những chiếc thuyền dưới bến sông. Đặc biệt, có một số hoạt động văn hóa độc đáo khác ở Hội An như: Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tạo nên vẻ đẹp huyền ảo cho Hội An.

 

* Để bảo tồn các di sản văn hoá cần phải:

 

– Triển khai, tuyên truyền phổ biến Luật Di Sản Văn Hoá đến mọi người dân.

 

– Thường xuyên trùng tu, tôn tạo các di sản văn hoá. “Xã hội hoá” công tác bảo tồn.

 

– Có chính sách đãi ngộ đối với những người làm công tác bảo tồn các di sản văn hoá.

 

– Đào tạo người thuyết minh di sản bài bản, cuốn hút, có chiều sâu .

 

* Để phát huy giá trị các di sản văn hoá cần phải:

 

– Quảng bá rộng rãi các di sản văn hoá đặc trưng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

 

– Mở rộng dịch vụ bán hàng lưu niệm, món ăn đặc sản vùng miền… Phát hành các ấn phẩm sách báo về di sản văn hoá liên quan…

 

– Phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tổ chức các chuyến tham quan hấp dẫn du khách.

 

– Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thì có rất nhiều biện pháp. Riêng bản thân em luôn luôn chấp hành tốt các qui định của các cấp đề ra và là một tuyên truyền viên tích cực để quảng bá những giá trị văn hóa của dân tộc.

 

Câu 5           “Dân ta phải biết sử ta,

 

               Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

 

Hai câu thơ trên là của Bác Hồ.

 

Ý nghĩa: Bác Hồ nói: Con người Việt Nam phải biết sử Việt Nam, biết những chiến thắng vẻ vang của dân tộc và biết những vị anh hùng đã đánh Bắc, dẹp Nam, tất cả đều vì sự độc lập của dân tộc. Đặc biệt phải biết nguồn gốc hình thành phát triển đến nay của dân tộc hơn 4000 năm đã qua. Và từ đó chúng  ta cần phát huy những truyền thống đó. Mà lịch sử Việt Nam toàn là máu và lửa của nhân dân ta đổ ra trải qua nhiều năm bị nước ngoài xâm lược. Bởi lẽ, lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, còn bây giờ là hiện tại, nhưng chúng ta cần biết lịch sử để thấy sự vẻ vang của dân tộc ta, với ý chí vươn lên bảo vệ độc lập, mà từ đó chúng ta cần noi theo.

 

Em là người rất thích học môn lịch sử, và em có những phương pháp để học tốt môn lịch sử như sau: 

 

– Học lịch sử cần đọc bài trước ở nhà, tìm hiểu những thuật ngữ lịch sử không hiểu. Soạn bài ở nhà, em đọc sách rồi tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến và kết quả các sự kiện lịch sử.

 

– Lên lớp đến giờ học, người học biết kết hợp nhuần nhuyễn vừa viết bài, vừa đọc thầm sách giáo khoa, vừa nghe giảng và hăng say phát biểu xây dựng bài.

 

– Nếu có hình vẽ trong bài học đó, thì em có thể nhìn nhận bằng biện pháp mô tả nhanh trong đầu và rút ra nội dung của hình vẽ. Chú ý, đọc kĩ những đoạn chữ nhỏ trong sách giáo khoa. Vì đây là đoạn văn minh họa cho sự kiện lịch sử nêu trên. Đầu tư vào việc đọc tài liệu có liên quan đến lịch sử đó, phải biết sắp xếp sự kiện lịch sử nào trước, sự kiện nào sau.

 

 – Cần làm bài tập lịch sử vừa rèn luyện kĩ năng làm bài vừa khắc sâu kiến thức lịch sử.

 

– Người học phải xác định học lịch sử cho chúng ta, làm ta tăng thêm lòng tự hào về dân tộc.

 

   Cuối cùng, để làm được tất cả điều đó, bản thân chúng ta phải yêu thích môn lịch sử. Học theo câu nói của Bác Hồ:  Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân ”.

 

Bài làm của em Võ Thị Kim Cúc – trường THCS Lê Lợi:

 

Câu 1: Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc nhất về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó.

 

Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

 

Những điều tâm đắc về thời đại Hùng Vương:

 

Từ bao đời nay, người Việt Nam ta gọi nhau một cách thân mật: “đồng bào” bởi lẽ theo truyền thuyết thì người Việt cùng sinh ra trong một bào thai. Truyền thuyết kể rằng Âu Cơ và Lạc Long Quân lấy nhau thì Âu Cơ mang bầu rồi sinh ra bọc trăm trứng. Sau bảy ngày, trăm trứng nở thành trăm người con trai, lớn nhanh như thổi tất cả đều khỏe mạnh và thông minh tuyệt vời. Nhưng Lạc Long Quân là loài rồng, Âu Cơ là giống tiên, khó mà ăn ở với nhau lâu được nên không lâu sau đó Lạc Long Quân cùng năm mươi con xuống biển, năm mươi con còn lại theo mẹ lên non, tỏa đi khắp nơi. Người con trai trưởng ở lại Phong Châu được tôn làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Đó cũng là danh hiệu mà đời đời ngôi vua được gọi chung. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ nên người Việt Nam vẫn kể mình là “con Rồng cháu Tiên”. Đã hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã là một nét đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam và ăn sâu vào máu thịt của từng người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng:

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

 

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

 

Khắp miền truyền mãi câu ca

 

Nước non, vẫn nước non này ngàn năm!”

 

Cứ đến hẹn lại lên, vào ngày mùng mười tháng ba hằng năm, hàng triệu người dân Việt Nam lại hướng lòng mình về vùng đất Phú Thọ, tưởng nhớ về các vua Hùng đã có công dựng nước, các thế hệ cha ông đã đi trước. Như một thói quen, tục thờ cúng tổ tiên đã là một sự kiện trọng đại, không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Việt, cho ta thấy rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như con người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là “sợi chỉ đỏ tâm linh” gắn kết toàn dân tộc thành cây một cội, thành con một nhà, làm nên sức mạnh truyền thống trong lịch sử dựng nước và giữ nước của biết bao thế hệ hậu duệ con cháu vua Hùng hôm nay và cả mai sau.

 

Câu 2: Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

 

Cảm nhận về trận Bạch Đằng năm 1288

 

Con sông Bạch Đằng- một nhân chứng lịch sử hùng hồn của bao thời đại, là nơi các vị anh hùng đã làm nên những chiến công oanh liệt góp phần mạ vàng cho trang lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Năm 938, trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, đưa đất nước ta thoát khỏi ách đô hộ hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Năm thiên phúc thứ 2 (981), Lê Đại Hành đã đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng để chặn đánh quân Tống, bắt được Hầu Nhân Bảo. Cũng tại địa điểm này chiến công vĩ đại của quân và dân nhà Trần(Năm 1288) được xem là vang dội nhất, được nhiều sử gia ghi nhận là đã tạo bước ngoặc quan trọng đối với cục diện thế giới bấy giờ.

 

Sau hai lần đưa quân xâm chiếm Đại Việt và thảm bại, quân Mông- Nguyên vẫn không từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta.Trận Bạch Đằng năm 1288 với nhiệm vụ tiêu diệt đạo quân rút lui bằng đường thủy do Ô Mã Nhi và Phàm Thiếp chỉ huy là trận chiến lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba. Trong cuộc kháng chiến này, Trần Quốc Tuấn và triều đình rất chú trọng đến chiến trường ven biển Đông Bắc, là đường tiến của thủy quân và thuyền lương của giặc. Phó tướng Trần Khánh Dư được giao nhiệm vụ tiêu diệt thuyền lương, làm thất bại kế hoạch hậu cần của giặc. Chính vì thế, khi nghe tin đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tiêu diệt thì quân giặc rất hoang mang, rơi vào khó khăn và buộc phải rút lui. Vì lực lượng của giặc còn đông, rút theo đường thủy và đường bộ nên Trần Hưng Đạo và các tướng sĩ nhà Trần có chủ trương trước hết tiêu diệt cánh quân rút lui đường thủy rồi sau đó thừa thắng tiêu diệt cánh quân đường bộ. Đó là sự lựa chọn và quyết tâm với chiến lược sáng suốt, chính xác của một nhà quân sự thiên tài. Cánh quân thủy sau khi bị tiêu diệt gọn thì cánh quân bộ sẽ rút lui trong hoảng loạn và sẽ là đối tượng bị truy kích dễ dàng.

 

Dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và danh tướng Phạm Ngũ Lão, sáng ngày 9/4/1288, quân ta đã hoàn tất sứ mệnh phá hủy đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Cánh quân bộ của Thoát Hoan cũng trở nên rối loạn, bị quân ta chặn đánh liên tục trên đường rút chạy. Quân ta đại thắng, đất nước ca khúc khải hoàn.

 

Trận Bạch Đằng thời Trần đã thừa kế và phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông ta thời Ngô Quyền, Lê Hoàn trong việc lợi dụng yếu tố địa hình, phối hợp hiệu quả giữa kị binh và thủy binh, giữa quân chủ lực và dân binh, cả về thời gian và không gian. Đặc biệt, là tài chỉ huy quân sự và sự đoàn kết của dân tộc ta đã tạo nên một chiến công lẫy lừng trong những trận quyết chiến trong lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng nhất vào việc đè bẹp tham vọng xâm lược nước ta của quân Nguyên.

 

“Đến nay nước sông vẫn chảy hoài

 

Mà nhục quân thù không rửa hết”.

 

Câu 3: Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, anh(chị) thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.

 

Nguyễn Trãi- Tư tưởng của thời đại

 

“Trải qua một cuộc bể dâu

 

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình

 

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

 

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…”

 

                                                                                    Bài ca mùa xuân 1961 – Tố Hữu

 

Tôi mạn phép mượn thơ Tố Hữu để lội ngược dòng thời gian, trông lại nghìn xưa để trở về với những tiền nhân với một lòng tưởng nhớ sâu sắc. Những câu từ để lại trong lòng tôi nhiều khắc khoải. Tôi xin gửi chút lòng hồi tưởng lại cuộc đời của Người- một nhân vật toàn tài của lịch sử Việt Nam, một đại quốc công thần của nước nhà- Nguyễn Trãi.

 

Tìm lại những trang sử vàng chói lọi của dân tộc với biết bao nhiêu nhân vật kiệt xuất, biết bao nhiêu tướng lĩnh kì tài, tôi bắt gặp được hình ảnh của vị anh hùng Nguyễn Trãi- bậc đại công thần của nước nhà, một nhà quân sư tài ba, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà thơ kiệt xuất, một danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh. Quê gốc ông ở thôn Chi Ngại, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú, trong đó có Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập,… Càng đi sâu vào cuộc đời của Nguyễn Trãi, tôi mới thấu được cái lòng của một bậc tiền nhân, của người luôn hết lòng vì nước vì dân, luôn “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Nguyễn Trãi là hiện thân của  một tầm vóc con người vĩ đại, một tấm lòng son sắc:

 

“Bui có một lòng trung lẫn hiếu

 

Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen”

 

                                                                                                          Nguyễn Trãi

 

Con đường và sự nghiệp của ông gắn liền với thi văn và tư tưởng nhân nghĩa. Khi giặc Minh sang cướp nước, ông bị truy đuổi, bị bắt giam nhưng rồi trốn thoát, trải qua bao gian truân, lắm bể dâu náu mình trong dân. Ông đã tìm đến và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vai trò rất lớn bên cạnh Bình Định Vương Lê Lợi và dâng Bình Ngô sách, sát cánh cùng nghĩa quân đánh đuổi quân xâm lược.

 

Và sau khi nước nhà độc lập, ông vẫn hăng hái tham gia xây dựng nước nhà, chỉnh đốn triều đình. Ông có con mắt nhìn thấu triệt con người, từng dâng sớ xin chém đầu bảy tên hoạn quan lạm quyền, nịnh hót nhưng nhà vua không nghe. Tâm can ông đem hết mình giúp cho nước nhà, cho triều đình, nhưng khi biết rằng bản thân không còn được trọng dụng, ông đã xin cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn năm 1439. Tuy vậy, dù cho ông “tham nhàn, lánh đến giang san” nhưng tấm lòng ưu dân ái quốc nào đâu dễ phai, càng ngày càng sáng ngời rực rỡ. Luôn sống liêm, cần, trung, hiếu, trong sạch như nước, vẫn giữ một “tấm lòng son” với đạo quân thần chính là lẽ sống của ông. Do vậy, sau khi được vua Lê Thái Tông mời ra giúp lại việc cho triều chính, Ông tiếp tục hăng hái tạo lập nước nhà để báo ân quân, đền nợ nước. Qua đó mới thấy được ông còn vướng “bụi trần”. Hỏi “bụi trần” là gì? Không phải những thứ thế tục tầm thường như thế mà là “tấm lòng còn nghĩ đến dân, lo đến nước” cao thượng của Ông.

 

Dừng lại để có cái nhìn xuyên suốt cuộc đời Ông, để cảm nhận và hiểu rõ hơn con người Nguyễn Trãi, tôi càng biết được thêm thật giả trắng đen, càng ghét cay ghét đắng những mưu toan lợi lộc nhẫn tâm hàm oan công thần. Có lẽ “thế thái nhân tình” mà các bậc tiền nhân ngày trước nhắc đến là đây! Năm 1442, Nguyễn Trãi bị hãm hại mà hàm oan, bị khép tội “giết vua” và “tru di tam tộc”. Có lẽ “tạo hóa trêu người”, “trời ganh hiền tài” mới để bọn gian thần hại dân hại nước lộng quyền, đã đem một bậc đại quốc công thần, một bậc nhân nghĩa khép đại tội như vậy. Hỏi trên đời còn gì oan ức hơn thế? Cái chết của Nguyễn Trãi để lại nỗi thương tiếc ngàn đời cho hậu thế, Người đã đi vào cõi vĩnh hằng như bao bậc đại nhân, đại chí ngày xưa.

 

Nhưng thời cuộc xoay vòng, dù sự đời thay đổi cũng đều quy về hai chữ “công bằng”. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi. Lịch sử lại ngời sáng tên Người.Đến khi thoát khỏi trần tục, Người vẫn đem lại niềm tự hào cho nước nhà Việt Nam khi trở thành Danh nhân văn hóa thế giới do tổ chức UNESCO công nhận vào năm 1980. Nguyễn Trãi mất nhưng Người vẫn sống mãi trong tim của bao người con Việt Nam.

 

“Nhìn lại quá khứ hào hùng để sống hết mình vời hiện tại và luôn vững bước đến tương lai”, tôi luôn khắc sâu suy nghĩ này để có thể mạnh mẽ, ngẩng cao đầu tiếp nối bước chân Người đi trước, để có thể gánh vác phần nào việc mà Người vẫn chưa trọn thực hiện.

 

Câu 4: Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất. Theo anh (chị) cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó.

 

Mỹ Sơn- Thánh địa anh hùng

 

Được sinh ra là một người con của đất Quảng- miền đất “chưa mưa đã thấm”, nổi tiếng với “rượu hồng đào chưa nhấm đã say”, tôi cảm thấy thêm yêu mảnh đất với bao thăng trầm lịch sử. Quê hương yêu dấu của tôi với một Hội An cổ kính, với đặc sản cao lầu, mì quảng mang đậm hương vị quê hương. Và với cả Mỹ Sơn- một bằng chứng lịch sử hùng hồn.

 

Tọa lạc tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn vẫn đứng đó qua bao năm tháng, qua bao lớp người đã ngã xuống, chứng kiến bao biến cố lịch sử. Cách thành phố Đà Nẵng 69 km và thành cổ Trà Kiệu 20 km, khu thánh địa là một tổ hợp gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

 

Theo tài liệu thì Mỹ Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ IV. Trong nhiều thế kỉ, thánh địa này được bổ sung thêm nhiều ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ về quá khứ và về cả văn hóa- thể hiện ở các dòng bia ghi bằng chữ Phạn. Những ngọn tháp và lăng mộ ở đây chủ yếu có từ thế kỉ VII đến thế kỉ XIV, nhưng qua các cuộc khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỉ IV. Tổng số công trình kiến trúc có đến trên 70 chiếc. Rõ ràng thánh địa Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm Pa trong khi thủ đô của nước này là Trà Kiệu.

 

Và cho tới năm 1470, khi vương quốc Chăm Pa chấm dứt, thánh địa Mỹ Sơn không còn được người Chăm thờ phụng, bỏ hoang phế, lãng quên qua nhiều thế kỉ trong rừng rậm. Đến năm 1885, thánh địa Mỹ Sơn mới được nhà thám hiểm người Pháp là ông Paris phát hiện ra. Mười năm sau, các nhà khoa học mới bắt đầu thực hiện cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này. Suốt 40 năm đầu thế kỉ XX, Mỹ Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học Pháp. 

 

Trong lịch sử, Mỹ Sơn nhiều lần bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh. Hiện nay, Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 ngôi tháp gạch nhưng phần lớn bị đổ nát. Dù số lượng tháp còn lại không nhiều và bị hư hỏng nặng và dù không đồ sộ như một số công trình khác nhưng nó vẫn là khu đền tháp quan trọng nhất của người Chăm và có vị trí quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á. Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới.

 

Hằng năm, Mỹ Sơn thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, mang lại một khoản lợi nhuận lớn cho địa phương. Thánh địa Mỹ Sơn mãi là Di sản Văn hóa của dân tộc, là niềm hãnh diện của đất Quảng, của Việt Nam.

 

* Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, cần:

 

– Tổ chức quảng bá di sản trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

 

– Nâng cao ý thức của người dân địa phương về việc bảo vệ, không xâm hại, phá hủy di sản, giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực di sản.

 

– Tổ chức tìm hiểu về di sản cho rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân.

 

– Tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có tay nghề cao, có thái độ tận tình hướng dẫn du khách.

 

– Tuyên truyền với du khách về quy định của khu di sản, ý thức giữ gìn vệ sinh trong lúc tham quan.

 

– Thành lập các tổ chức quản lí vệ sinh, đội cứu hộ, nhắc nhở các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục.

 

– Phối hợp với địa phương có kế hoạch nhanh chóng và cụ thể về việc bảo vệ, trùng tu khi di sản xuống cấp. Trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên tính chất “cổ” của di sản.

 

Câu 5:                         “Dân ta phải biết sử ta

 

                     Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

 

Anh (chị) hãy cho biết hai câu thơ trên là của ai. Nêu ý nghĩa của hai câu thơ ấy. Theo anh (chị), cần phải làm gì để người học yêu thích môn Lịch Sử.

 

Dân tộc Việt Nam có một nền lịch sử lâu đời với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng rất đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay là những trang sử vàng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trong thời chiến cũng như thời bình. Nội dung lịch sử dân tộc ta vô cùng rộng lớn, phong phú bao gồm các mặt hoạt động khác nhau của xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

 

“Dân ta phải biết sử ta

 

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

 

Hồ Chủ tịch kính yêu muốn gửi gắm điều gì qua hai câu thơ trên? Phải chăng Bác muốn rằng tất cả con người Việt Nam phải biết được nền lịch sử vàng son nhuộm đầy máu và nước mắt của cha ông ta. Để những trang lịch sử ấy không bị bụi thời gian vùi lấp. “Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những vẻ đẹp của đạo đức, của đạo lí làm người. Vì đó chính là cái gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.

 

Hơn thế nữa, đất nước đang bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một sự hiểu biết về toàn bộ lịch sử dân tộc theo tinh thần “lấy xưa phục nay”. Trên cơ sở đó xây dựng một đất nước giàu mạnh, một xã hội dân chủ, văn minh.

 

Nắm vững lịch sử dân tộc sẽ hun đúc tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc, biết được quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy máu và nước mắt của cha ông ta, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, hiểu được giá trị của cuộc sống và mới có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống hiện tại, đặt nền tảng cho sự phát triển tương lai.

 

* Để người học yêu thích môn Lịch Sử, cần:

 

– Giáo dục tốt động cơ học tập của học sinh, tránh học thực dụng, cần thay đổi về nhận thức đối với môn Sử, không phải là môn học thuộc lòng.

 

– Giáo viên phải là người yêu thích môn Sử, truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng hiểu biết của mình, không phải từ giáo án.

 

– Cho học sinh tham quan các bảo tàng lịch sử, quan sát trực tiếp các hiện vật lịch sử.

 

– Tổ chức các tiết học ngoại khóa, học lịch sử địa phương, cho học sinh đi thực tế ở các khu di tích lịch sử địa phương sẽ làm các em say mê và yêu thích môn Sử.

 

– Sử dụng công nghệ thông tin, những hình ảnh, thước phim được trình chiếu trong giờ Sử để học sinh nhớ lâu hơn những nhân vật,  sự kiện lịch sử.

 

Hiện nay việc dạy và học môn Lịch Sử ở trường phổ thông nói chung còn nhiều thiếu sót về nhận thức bộ môn, về nội dung, phương pháp dạy học, về những phương tiện cần thiết cho việc giáo dục. Do đó, chất lượng dạy học và thi Đại học môn Lịch Sử giảm sút đến mức báo động, thể hiện ở điểm thi vào Đại học môn này, điểm cực thấp chiếm tỉ lệ cao.

 

Trên đây là những biện pháp theo quan điểm của tôi để người học yêu thích môn Lịch Sử. Hi vọng rằng sẽ có một cuộc cải cách toàn diện ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy và học môn Lịch Sử.

 

Bài làm của em Phan Minh Huy – học sinh lớp 7/6, trường THCS Nguyễn Trãi:

 

Câu 1: :   Đúng 12 giờ 10 phút (giờ Paris – tức 18 giờ 10 phút giờ Việt Nam), ngày 6/12/2012, kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

* Những điều tâm đắc nhất về thời đại Hùng Vương:

 

     Trong tập “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:

 

“Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

 

                                                    Đất là nơi Chim về

 

                                                   Nước là nơi Rồng ở

 

                                                   Lạc Long Quân  và Âu Cơ

 

                                                  Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…”

 

  Điều đó, thuở còn thơ em được nghe mẹ kể về truyền thuyết “ Con Rồng cháu Tiên”,về  dòng giống Lạc Hồng bốn nghìn năm. Đó là thời đại Hùng Vương lịch sử oai hùng .

 

Truyền thuyết kể rằng:

 

        Lạc Long Quân là một vị thần thuộc nòi Rồng, con trai thần Long Nữ ở miền đất Lạc Việt ngày xưa .Tình cờ, Lạc long Quân gặp nàng Âu Cơ  thuộc dòng họ Thần Nông xinh đẹp tuyệt trần ở vùng núi cao phương Bắc. Âu Cơ và Lạc Long Quân  đem long yêu nhau, kêt duyên thành vợ chồng, sống ở cung điện Long Trang. Một thời gian sau thì Âu Cơ có mang sinh ra Bọc trăm trứng, trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường, không cần bú mớm mà lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần. Rồi họ chia con để cai quản các phương.Trước khi chia tay, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao,tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được . Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên miền núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người  miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn. ”. Hai người từ biệt nhau, trăm người con  tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương.Bởi vậy người Việt Nam luôn tự hào về dòng dõi của mình: CON RỒNG CHÁU TIÊN

 

Ngày nay, nhân dân Việt Nam thờ chung một vị Vua Tổ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” thuỷ chung son sắt là điều em tâm đắc nhất mà thế hệ tiền nhân đã gửi lại cho hậu thế hôm nay và cả mai sau:

 

                                                “Dù ai đi ngược về xuôi

 

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

 

 Câu 2:                        “ Chín năm làm một Điện Biên

 

                                Nên vành hoa đó nên thiên sử vàng”

 

           Sáu mươi năm đã trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ ( 07/5/1954- 07/5/2014)là một chiến dịch điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỉ XX mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

 

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kì mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sự kiện lịch sử trọng đại nhất của Việt Nam mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn kiêu hãnh và tự hào .

 

Câu 3:   Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, em yêu thích nhất là  Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi đó là một nhân vật lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XX.

 

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8 năm 1911  4 tháng 10 năm 2013), còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị gia Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là người chỉ huy đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lậpViệt Nam Dân chủ Cộng hòa, được chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh“,là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh bại Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979), chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.Xuất thân là một giáo viên dạy sử, ông trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng được đánh giá là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới. Ông được nhiều tờ báo ca ngợi là anh hùng của nhân dân Việt Nam.

 

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những nhân vật trong lịch sử Việt Nam có sức ảnh hưởng cá nhân vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia.

 

       Tấm gương của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi ngời sáng trong trái tim của tất cả con người Việt Nam, cả thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.      

 

Câu 4: Ở tỉnh Quảng Nam, quê em có hai di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu .Đó là Đô thị cổ Hội An ( Thành phố Hội An) và khu di tích thánh địa Mỹ Sơn ở xã Duy Phú , huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đều được UNESCO công nhận vào năm 1999.

 

* Giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương :  Đô thị cổ Hội An

 

Đô thị cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ 60 km về phía Đông Bắc. 

 

Từ cuối thế kỷ 16, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông – Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan … thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá.

 

Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình  nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ … những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính  như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới.

 

 * Để bảo tồn các di sản văn hoá cần phải:  – Triển khai, tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hoá đến mọi người dân, đặc biệt là lớp trẻ, học sinh, sinh viên,…  để mọi người nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… của di sản văn hoá và không quên về cội nguồn dân tộc. . Chính quyền phải ban hành các quy chế, quy định về việc bảo tồn, bảo vệ các di sản văn hoá ở địa phương, nhanh chóng lập đề án công nhận các di sản văn hoá chưa được Nhà nước công nhận.

 

– Trùng tu, tôn tạo các di sản văn hoá xuống cấp phải đảm bảo nguyên trạng ban đầu không phá vỡ tính chất “cổ” của di sản. Có chính sách đãi ngộ hợp lí đối với những người làm công tác bảo tồn các di sản văn hoá.

 

– Tổ chức tham quan, học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu về các di sản văn hoá cho mọi tầng lớp nhân dân. Đào tạo người thuyết minh di sản bài bản, cuốn hút, có chiều sâu để lại ấn tượng tốt đẹp cho người nghe.

 

– Đào tạo tầng lớp kế thừa các di sản văn hoá phi vật thể, các nghệ nhân phải có truyền nhân thích hợp kế thừa mình phát triển di sản văn hoá đó.

 

– “Xã hội hoá” công tác bảo tồn các di sản văn hoá để có nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn di sản.

 

            * Để phát huy giá trị các di sản văn hoá cần phải:

 

– Hoàn hiện cơ sở hạ tầng, các công trình phụ, cảnh quan môi trường, các khu giải trí kèm theo các di sản văn hoá lớn.

 

– Quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, truyền hình, internet, mạng xã hội,… về các di sản văn hoá đặc trưng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

 

– Mở rộng dịch vụ bán hàng lưu niệm, đồ ăn nhanh, món ăn đặc sản vùng miền, … giá cả hợp lý. Phát hành các ấn phẩm sách báo về di sản văn hoá liên quan,…

 

– Phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tổ chức các chuyến tham quan trật tự, nề nếp, an toàn hấp dẫn du khách và bạn bè quốc tế.

 

– Đảm bảo công tác an ninh, vệ sinh, cứu hộ tại các di sản. Thường xuyên tổ chức góp ý, rút kinh nghiệm kịp thời các biểu hiện sai trái, tiêu cực, vi phạm thuần phong mỹ tục…

 

Câu 5:                      “Dân ta phải biết sử ta,

 

                       Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

 

Hai câu thơ trên là của Bác Hồ.

 

 * Ý nghĩa của hai câu thơ đó là:

 

Bác Hồ – Vị Cha già kính yêu của chúng ta  đã dạy : Tất cả người Việt Nam đều  phải học, phải hiểu, phải biết cho tường tận, cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là yêu cầu của Bác với toàn thể nhân dân Việt Nam mà cốt lõi là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quyết định rõ ràng làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam mà đặc biệt là thế hệ học sinh phải hiểu rõ được lịch sử Việt Nam, bởi lẽ lịch sử là những gì thuộc về quá khứ nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. “Biết” quá khứ để rút kinh nghiệm mà vận dụng cho hiện tại và tương lai.

 

 * Để người học yêu thích môn lịch sử thì trước hết: 

 

– Người dạy phải là người yêu thích lịch sử. 

 

– Dạy lịch sử cần phải liên hệ với thực tế những địa danh trong lịch sử đó bây giờ ở đâu? Tên gọi đã thay đổi như thế nào? Những vật dụng thời xa xưa thay đổi như thế nào qua thời gian? Nếu có hình ảnh minh hoạ trực quan thì càng tốt. 

 

– Người dạy phải hướng người học vào câu chuyện lịch sử, dẫn giải từng bước giống như một đoạn phim ngắn trong một tập phim dài, luôn làm cho người học háo hức chờ đợi đến hồi kế tiếp. 

 

 Có như vậy, người học lịch sử mới say mê và yêu thích và tự hào lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam :                                      “ Việt Nam! Ôi ! Tổ quốc giang sơn hùng vĩ.

 

                                                           Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi”.