Khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào của toàn dân

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Hôm nay ngày 28/9, Hội khuyến học Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ chào mừng Ngày Khuyến học Việt Nam và kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội (2/10/1996 – 2/10/2011).

Đến dự có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ, lãnh đạo một số  Bộ, Ngành, Hội, các cá nhân và tập thể quan tâm, ủng hộ phong trào khuyến học trên cả nước.

Tại buổi lễ, các cá nhân và tập thể có đóng góp tích cực cho phong trào trong 15 năm qua đã được vinh danh và tặng bằng khen.

Một tổ chức xã hội có quy mô hoạt động và phát triển sâu rộng

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh: trong 15 năm qua, khuyến học, khuyến tài đã trở thành một phong trào sâu rộng của toàn dân. Thành tựu khuyến học khuyến tài đang nở rộ, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học từ ngàn đời của dân tộc, nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển và bồi dưỡng nhân tài. Hội khuyến học Việt Nam đã trở thành một tổ chức xã hội đông đảo về lực lượng tham gia, phong phú về hình thức hoạt động, được các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo chỉ đạo và các tầng lớp nhân dân hoan nghênh ủng hộ.

Vinh danh và trao tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích trong phong trào khuyến học

Kể từ ngày thành lập đến nay, Hội khuyến học Việt Nam đã phát triển không ngừng, trở thành một tổ chức xã hội có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước. Sự phát triển và hoạt động trong 15 năm qua có thể chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất ( 10/1996 – 6/1999): Đây là giai đoạn thực hiện 3 mục tiêu cơ bản do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I đề ra: Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đơn vị công tác… có quyền lợi và bình đẳng và công bằng trong học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, học vấn, tay nghề; Hỗ trợ cho nhà giáo và các cơ sở đào tạo sư phạm những điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và đào đức nhà giáo; Tư vấn cho các cấp ủy Đảng và chính quyền cùng các cơ quan chức năng của nhà nước về việc phát triển giáo dục.

Giai đoạn thứ hai (7/1999 – 12/2005), Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Hội Khuyến học Việt Nam đã thông qua Nghị quyết trong đó có 3 vấn đề lớn mang tính chất chiến lược là Mở rộng hệ thống tổ chức của Hội trên các địa bàn trong cả nước, chú trọng phát triển các tổ chức Hội ở cơ sở; Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc thông qua phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng và quỹ khuyến học ở các cấp hội; Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia phát triển giáo dục, bước đầu tham gia xây dựng xã hội học tập ở cơ sở.

Giai đoạn thứ ba (1/2006 – 9/2010)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội khuyến học Việt Nam đã đề ra sáu nhiệm vụ lớn: Mở rộng mặt trận khuyến học trên cơ sở phát triển sâu rộng các tổ chức Hội và các phong trào khuyến học đến tận cơ sở; Phát triển chiều sâu các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; Tăng cường chức năng tham mưu, tư vấn, phản biện, giám sát của các cấp Hội đối với các chủ trương, chính sách, đề án phat triển giáo dục; Phát triển các hình thức quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ cho việc mở rộng phong trào khuyến học; Xây dựng mạng lưới thông tin, tuyên truyền rộng khắp theo hướng hiện đại hóa và đại chúng hóa; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp để nâng cao trình độ nhận thức và năng lực hoạt động khuyến học, khuyến tài, đáp ứng yêu cầu thực hiện vai trò nòng cốt của Hội trong cuộc vận động xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Giai đoạn thứ tư: (9/2010 đến nay)

Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội đã tập trung vào 10 nhiệm vụ cơ bản nhằm hướng trọng tâm công tác khuyến học, khuyến tài vào việc Xây dựng xã hội học tập; tích cực hoạt động hỗ trợ trường học trong hệ thống giáo dục chính quy, đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; Mở rộng các quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của Trung ương Hội và các tỉnh thành hội; Chú trọng mở rộng và phát hiện và tôn vinh nhân tài ở mọi lưa tuổi; Mở rộng các quỹ khuyến học, tại các địa phương và Trung ương Hội; Tiếp tục triển khai thực hiện đề án Đổi mới phương thức hoạt động và tổ chức Hôi, trọng tâm là xây dựng Hội các cấp trở thành một lực lượng đông đảo, hoạt động có hiệu quả và chất lượng cao để thực sự là lực lượng nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị.

Các đại biểu tham dự

Phát huy truyền thống dân tộc

Đề cao đạo lý khuyến học, khuyến tài phát huy truyền thống dân tộc là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về việc đổi mới sự nghiệp giáo dục, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập. Chủ trương đó phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, thông qua cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia phát triển giáo dục để thực hiện quan điểm xã hội hóa giáo dục là một phương pháp tập hợp toàn dân thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cho ai cũng được học hành, làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, để Việt Nam định được chỗ đứng xứng đáng trong một thế giới hiện đại, bình đẳng, bình quyền với các quốc gia, có đủ năng lực để hội nhập quốc tế trước xu thế toàn cầu hóa.

Mười lăm năm là một thời gian ngắn trong sự phát triển của một tổ chức xã hội. Tuy nhiên, mới ở độ tuổi còn trẻ, Hội đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp, xây dựng được nền móng ban đầu cho xã hội học tập ở cấp xã, phường, thị trấn. Khuyến học khuyến tài đã trở thành một mặt trận quan trọng, một phong trào nhân dân rộng khắp trong toàn quốc, lôi cuốn các ngành, các giới, các lực lượng xã hội vào các hoạt động.

Hội Khuyến học Việt Nam tự hào là người kế tục và phát triển của phong trào Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa trước đây, Hội đã cố gắng không ngừng trong cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia xây dựng và phát triển giáo dục, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của dân tộc. Những đóng góp tích cực của hội trong 15 năm qua là một trong những căn cứ để Đảng và Nhà nước lấy ngày 2/10 làm ngày Khuyến học Việt Nam. Hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ do BCH Trung ương Đảng giao cho: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.

Minh Châu