Tinh thần hiếu học qua cách sử dụng đồ dùng học tập
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, giáo dục là phương thức để phát triển đất nước và ở thời nào thì người dân Việt Nam cũng đều trọng sự học.
Sự hiếu học của người dân không chỉ thể hiện qua những kỳ thi nô nức sĩ tử tham gia, không chỉ ở cách các gia đình dốc toàn tâm toàn lực cho việc học, mà còn ở ngay trong cách học trò sử dụng đồ dùng học tập của mình.
Các hiện vật đồ dùng học tập thời “Bình dân học vụ”.
Những cây bút, lọ mực, trang giấy… không chỉ mang tính sư phạm, mà còn chứa đựng trong đó tính thẩm mỹ, kinh tế, kỹ thuật và tính sáng tạo. Đấy cũng là mục đích của triển lãm “Một số đồ dùng giảng dạy, học tập từ xưa đến nay” sẽ bắt đầu mở cửa từ 8/9 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội.
Thái Học đường nghiên – một trong 4 chiếc nghiên còn lại của trường Đại học Quốc Tử Giám. Cùng với mực, bút lông, giấy dó, các vật làm nên văn phòng tứ bảo mà bất kỳ học trò nào cũng phải có.
Bút lông, nghiên mực, giấy điều.
Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết: “Phải bảo quản giấy dó cẩn thận, mài mực nhuyễn, giữ bút lông sạch… tất cả đòi hỏi học trò phải kiên nhẫn”.
Ngoài bộ văn phòng tứ bảo, người xưa đi học còn có ống quyển, hòm sách, gánh sách. Cồng kềnh, vất vả, tốn kém, nhưng nhà nào cũng cố cho con mình học dăm ba chữ thánh hiền, trò nào cũng gắng tìm đến thầy giỏi để học. Hơn 900 năm Nho học tồn tại ở Việt Nam, chỉ với giấy, mực, bút, nghiên, đã đào tạo ra biết bao hiền tài cho đất nước.
Nhưng cũng chỉ 20 năm sau khi nền Nho học kết thúc, đồ dùng học tập của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Tại góc trưng bày đồ dùng học tập giai đoạn những năm 50-70 thế kỷ trước, lúc này, việc du nhập các nền giáo dục khác cũng khiến cho đồ dùng học tập trở nên phong phú hơn. Đã có mô hình để dạy Toán, dạy Vật lý. Tuy nhiên, đó là những năm chiến tranh, mọi thứ cho việc học đều thiếu thốn. Nhưng với tinh thần hiếu học, không chỉ thầy mà trò đã cùng tạo ra các đồ dùng học tập.
Bà Đỗ Thị Tám, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho rằng: “Bây giờ đồ dùng học tập đặc biệt phong phú, phục vụ cho mọi nhu cầu học tập, giảng dạy. Nhiều người cho rằng, sự thuận lợi ấy khiến học sinh không còn biết trân trọng những thứ phục vụ cho việc học của mình, trẻ cũng mất đi sự sáng tạo khi không thể làm những đồ dùng học tập đơn giản”.
Song vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Biểu tượng Khuê Văn Các do chính các em học sinh làm nên trong một bài học về tình yêu Hà Nội. Với keo dính, mảnh nhựa và hoa giấy, các em đã làm nên mô hình. Như vậy, dù có hiện đại, tiện nghi đến đâu, đồ dùng học tập vẫn giúp khơi gợi tinh thần hiếu học của các em khi được hướng dẫn và khích lệ.
Giang Đông/VTV
|