Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm phát huy tối đa khả năng của trẻ
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Hôm nay 6/12, Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) tổ chức hội thảo góp ý Bộ công cụ theo dõi đánh giá sự phát triển trẻ 5 tuổi tại Quảng Ninh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, lãnh đạo Vụ GDMN, lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ninh cùng GVMN cốt cán đại diện Phòng GD, Sở GD-ĐT của 10 địa phương (Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Quảng Bình) tham dự hội thảo.
Sau 5 năm xây dựng và chỉnh sửa, ngày 22/7/2010, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư Quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Bộ chuẩn gồm 4 lĩnh vực (phát triển thể chất, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp,nhận thức ) gồm 28 chuẩn với 120 chỉ số.
Theo Phó vụ trưởng Vụ GDMN – TS Phan Thị Lan Anh, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và làm được, qua đó hướng trẻ tới kiến thức, kỹ năng nên biết và có thể làm được thông qua giáo dục.
Cũng theo TS Phan Thị Lan Anh, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là cơ sở để hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, GD, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Nói cách khác, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chăm sóc, GD, lựa chọn và điều chỉnh hoạt động chăm sóc, GD phù hợp với trẻ MG 5 tuổi. Đây cũng là cơ sở để xây dựng bộ công cụ theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi.
Ngoài ra, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi còn là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, GD trẻ 5 tuổi nhằm nâng cao nhận thức về phát triển của trẻ em. Trên cơ sở đó tạo sự thống nhất trong chăm sóc, GD trẻ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Các đại biểu dự Hội thảo
Tính đến thời điểm này, GVMN cốt cán cũng như cán bộ Phòng, Sở GD-ĐT của 39 tỉnh, thành đã được tập huấn và được thực hiện tại 15 địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi trong các trường MN nhằm đánh giá để theo dõi sự phát triển của trẻ, giúp GV, cha mẹ hiểu được khả năng của trẻ. Biết trẻ làm được và không làm được những gì để không yêu cầu những việc quá sức với trẻ. Dựa trên những đánh giá về khả năng của trẻ, GV sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp và cách tiếp cận phù hợp với từng trẻ, tạo điều kiện để trẻ phát huy tối đa khả năng của mình nhằm đáp ứng việc GDMN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, theo kế hoạch, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi sẽ được triển khai đại trà từ năm học tới, do vậy, các địa phương phải cụ thể hóa từng chỉ số để phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.
L.Giang
|