Cần nhận diện đúng vấn đề tham nhũng trong giáo dục

Lượt xem:


-Sau Đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về chủ đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục diễn ra tháng 5 vừa qua, vấn đề tham nhũng trong giáo dục một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam: con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình”. Hội thảo do tổ chức quốc tế Trung tâm tài nguyên phòng chống tham nhũng và UNICEF tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đại diện một số cục vụ liên quan của Bộ GD&ĐT đã tham dự.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: gdtd.vn

Tham nhũng trong giáo dục cần “nhận diện” cho đúng

Kết quả khảo sát của Công ty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ, tiến hành tháng 5/2010 tập trung vào việc khảo sát dạy thêm, thu phí ngoài quy định đã thu hút sự quan tâm và nhiều ý kiến tranh luận tại hội thảo.

Khảo sát này thực hiện trên gần 850 giáo viên và phụ huynh của 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, trong tuyển sinh đầu cấp, có 60% phụ huynh phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến và 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến. Khi vào trường, phụ huynh dù đúng hay trái tuyến, thường phải chi nhiều khoản khác nhau đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, bồi dưỡng thầy/cô lớp năng khiếu/ xin vào lớp chọn…

Việc tuyển sinh đầu cấp là gánh nặng tâm lý cho 42% phụ huynh và gánh nặng thời gian cho 26% số phụ huynh. 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường – và người quen của họ đều làm thế.

Về việc học thêm – dạy thêm, khảo sát này cho biết tần suất tham gia học thêm 44% là do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng: 49% và do cơ quan ngoài tổ chức là 36%. Có đến 82-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người quen đều cho con học thêm.

Dù nhận định các dạng tham nhũng được nghiên cứu ở đây, về cơ bản là tham nhũng “nhỏ”, nhưng nghiên cứu này cũng cho rằng, phạm vi của nó rộng lớn, gần như tới mọi gia đình và hậu quả xã hội là khá nặng nề.

Hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam: con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình” sẽ diễn ra trong 3 ngày. Trong ngày đầu tiên dự kiến kết quả đạt được sẽ là định hình những hình thức tham nhũng phổ biến trong giáo duc. Ngày thứ 2: khái quát các biện pháp và hoạt động thực tiễn đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ngày thứ 3: Định hướng khung đánh giá và giám sát cho việc đánh giá tiến độ chống tham nhũng trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, việc dạy thêm, thu phí tại các trường có phải lúc nào cũng là tham nhũng hay không là câu hỏi mà đại diện Bộ GD&ĐT đặt ra. Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, ngoài khoản thu nhà nước quy định, nếu nhà trường thu thêm để nhằm trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ việc học tập của học sinh tốt hơn chẳng lẽ cũng coi là tham nhũng? Vậy, các khoản thu ngoài là tham nhũng hay mục đích chi (khi chi không đúng quy định) mới là tham nhũng?

Với việc dạy thêm cũng vậy, việc dạy thêm đã được cấp phép không thể liệt kê vào biểu hiện của nguy cơ tham nhũng. Ngay cả việc giáo viên tự mở lớp học thêm mà học sinh tự nguyện đăng ký có phải là tham nhũng hay không? Bên cạnh đó, việc dạy thêm học thêm, thu phí ngoài quy định ở các trường là có, nhưng điều này chỉ xảy ra chủ yếu ở thành phố lớn. Ở một số nơi vùng sâu vùng xa của Việt Nam, cô giáo thậm chí phải đến tận nhà để vận động học sinh đi học, đến học chính khóa còn phải “dỗ” huống hồ học thêm.

Trước phản hồi này, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, vấn đề học thêm thu phí ngoài quy định thực ra chỉ là những hành vi có nguy cơ tham nhũng.

Đối phó với tham nhũng trong giáo dục thế nào?

Vì sao có tham nhũng trong giáo dục? T&C Consulting tìm câu trả lời từ góc độ phụ huynh là do phụ huynh còn quá nặng về các chỉ số bề nổi của học tập; niềm tin trường điểm, học thêm giúp trẻ phát triển tốt hơn; niềm tin về đào tạo chính thống bị lung lay ở một số khía cạnh và vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội… Từ góc độ giáo viên, hiện tượng này được cho là do sức ép về thu nhập; sự chấp nhận của xã hội đối với các hành vi “mờ”: dạy thêm, thu thêm các khoản phí, giúp đỡ người quen vào trường; sức ép của đồng nghiệp đối với các hành vi “mờ”. Từ độ nhà trường, nhà trường “hợp pháp hóa” các hoạt động ngoài quy định – khai thác yếu tố tâm lý của phụ huynh và học sinh; do sức ép xã hội và sức ép từ văn hóa của nhà trường.

Bộ GD&ĐT thì khái quát hiện tượng tham nhũng do 4 nguyên nhân chủ yếu, đó là: Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và đề ra các giải pháp về PCTN ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đầy đủ; đời sống của đa số giáo viên đang còn rất khó khăn; hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi đang đặt ra đối với giáo dục; công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhất là thanh tra để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng…

Ông Phạm Văn Tại – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã và đang thực hiện tích cực những biện pháp để phòng chống tham nhũng. Như việc quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, giáo viên học sinh trong toàn. Bộ cũng đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” và “Chương trình hành động đẩy mạnh công tác PCTN sau đối thoại sau với các nhà tài trợ quốc tế lần thứ 7” về chủ đề PCTN trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tuyển sinh, tuyển dụng nhà giáo, cán bộ quản lý, thành lập cơ sở giáo dục, cấp phép mở mã ngành đào tạo, phân bổ kinh phí, quản lý các nguồn thu, dạy thêm, học thêm… đã được chú trọng ban hành các văn bản quy định cụ thể. Hiện nay Bộ GD&ĐT đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng tăng khung hình phạt tiền để đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong giáo dục.

Triển khai các cuộc vận động lớn trong ngành là biện pháp Bộ GD&Đt thực hiện để nâng cao phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, giảng dạy và học tập của đội ngũ cán bộ viên chức, của học sinh toàn ngành chống các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục.

Mặt khác, để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trong toàn ngành, hàng năm, Thanh tra Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và lồng ghép một số nội dung khác. Ngoài việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Bộ còn triển khai kế hoạch thanh tra hành chính và thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị.

Ngoài một số giải pháp nêu trên, hiện nay Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Nghị định trình Chính phủ về thực hiện chế độ thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý. Đây là những quan tâm rất lớn của Nhà nước đối với quyền lợi và chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho nhà giáo.

Ngành giáo dục cũng đang triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà trường. Đây là những giải pháp hữu hiệu giúp cho các cơ sở giáo dục đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động quản lý, để phụ huynh, học sinh, xã hội biết và giám sát.

Ông Phạm Văn Tại nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn ngành và đã có những kết quả nhất định. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng đã được hạn chế và đang từng bước đẩy lùi nhất là trong thi cử, tuyển sinh, đào tạo, những vụ vi phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện đã bị xử lý.

Tuy nhiên trong giáo dục các nguy cơ cho tham nhũng vẫn đang tiềm ẩn, một số biểu hiện tham nhũng vẫn đang xẩy ra trong dạy thêm, học thêm; tuyển sinh đầu cấp, trái tuyến, tình trạng lạm thu trong nhà trường…Những tiêu cực, những biểu hiện tham nhũng trong ngành sẽ được Bộ GD&DT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tập trung khắc phục.
 

Hiếu Nguyễn