Chúng tôi luôn tự hào về đội ngũ nữ nhà giáo và cán bộ quản lý GD nước ta

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Là đại diện duy nhất của phái nữ trong bộ máy lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đồng thời là Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ nữ NG&CBQL. Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Thứ trưởng chia sẻ với Báo GD&TĐ về những thành tựu mà nữ nhà giáo đã đạt được, những định hướng nhằm phát triển đội ngũ nữ nhà giáo nước nhà.

PV: Trong thành tựu chung của cả nước và ngành GD có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của đội ngũ nữ nhà giáo.  Thứ trưởng có thể đánh giá về tầm quan trọng của đội ngũ nữ nhà giáo đối với ngành trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chiếm 73,6% số giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp (ở cấp học mầm non là 98% và gần 80% ở giáo dục tiểu học), trong đó có hàng trăm Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS), hàng ngàn tiến sỹ (TS), Thạc sỹ (ThS), đội ngũ nữ nhà giáo là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của ngành. Nhiều chị đang giữ các cương vị cán bộ quản lí chủ chốt cấp trường, cấp phòng, cấp sở, cấp Bộ. Hơn 1000 chị đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác. Với sự phát triển về số lượng, không ngừng nâng cao về phẩm chất, trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần lao động khoa học nghiêm túc, sáng tạo của nhà giáo và tấm lòng bao dung nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam, đội ngũ nữ nhà giáo đã đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nên diện mạo của giáo dục nước nhà, mỗi bước phát triển của Ngành đều có sự đóng góp to lớn của nữ nhà giáo chúng ta.

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Là thành viên của UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, xin Thứ trưởng  cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ- TTg ngày 24/12/2010. Đây là sự tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực Bình đẳng giới, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho sự phấn đấu, cống hiến của chị em phụ nữ, trong đó có nữ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng Kế hoạch hành động của Ngành Giáo dục thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó sẽ đề ra các nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới trong giáo dục góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị…

PV: Kế hoạch hành động VSTBPN ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2011-2015 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đạt chuẩn mực người phụ nữ ngành Giáo dục đó là: Yêu nước; Có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Vậy Bộ GD-ĐT có kế hoạch gì để nâng tỷ lệ nữ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là nữ nhà giáo đạt học hàm học vị (Tiến sĩ, PGS và GS), thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh là sứ mệnh hàng đầu của ngành giáo dục. Yếu tố quyết định thực hiện thành công sứ mệnh đó là xây dựng đội ngũ nhà giáo ở các cấp học và trình độ đào tạo vững mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, số nữ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nữ trong ngành.

Tỷ lệ giáo viên có trình độ ThS trong trường phổ thông, tỷ lệ nữ giảng viên, nữ cán bộ khoa học có trình độ GS, PGS và TS Trong các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu còn thấp. Đặc biệt, số chị em là GS, nhà khoa học đầu ngành có số lượng và chiếm tỷ lệ còn rất khiêm tốn. Hiện nay, trong các trường đại học, nữ GS chỉ chiếm tỷ lệ 7% số GS; nữ PGS chỉ chiếm 11,4% số PGS; nữ TS chỉ chiếm 21,6% số TS. Số nữ GS và PGS phân bố không đều giữa các khối trường, giữa các vùng, miền và thường chỉ tập trung vào những trường đại học lớn có bề dày truyền thống. Các trường đại học, cao đẳng, các học viện, các viện nghiên cứu chưa gắn kết nhiệm vụ giảng dạy với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, dẫn đến chưa đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của việc công nhận chức danh GS, PGS.

Để xây dựng đội ngũ nữ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là nữ giảng viên, nữ cán bộ khoa học, trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 40/CT/TW của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tập trung xây dựng kế hoạch và có lộ trình hợp lý để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nữ nhà giáo trình độ cao trong các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Căn cứ vào chiến lược phát triển của Ngành, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị, cấp uỷ Đảng và Lãnh đạo các nhà trường cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của đơn vị mình, trong đó ưu tiên, động viên, tạo điều kiện cho chị em được học tập, nâng cao trình độ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nhiệm vụ giảng dạy với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, mạnh dạn giao cho chị em chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong đội ngũ nữ nhà giáo. Trọng tâm là chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tạo môi trường để chị em tiếp tục phấn đấu, cống hiến. Tuy nhiên, chị em cần tự thân vận động, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, chị em các thế hệ giúp đỡ nhau là yếu tố quyết định để nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ. 

PV: Thực tế cho thấy rất nhiều nữ nhà giáo, đặc biệt là GV ngoài biên chế gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do không được hưởng lương, phụ cấp như GV trong biên chế. Thứ trưởng có thể cho biết trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT có biện pháp gì để hạn chế sự chênh lệch về thu nhập của GV, giúp GV ổn định cuộc sống?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Về vấn đề này cần có một nghiên cứu trên phạm vi quốc gia về so sánh thu nhập giữa giáo viên trong biên chế hưởng lương từ Ngân sách theo bảng lương do Nhà nước quy định và giáo viên ngoài biên chế hưởng lương theo hợp đồng lao động ở các cấp học và trình độ đào tạo. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên mầm non ngoài biên chế đời sống còn rất khó khăn. Để từng bước giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó bao gồm chính sách cho giáo viên mầm non phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội, tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non, trong đó bao gồm chính sách cho giáo viên mầm non.

Triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010- 2015; Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định: “Nhà nước hỗ trợ ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập theo bảng lương và nâng lương theo định kỳ. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bảo đảm chế độ lương cho giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở mầm non dân lập, công lập và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định hiện hành; Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non dạy trẻ dưới năm tuổi”.

Cô giáo miền xuôi với các học viên người Mông vùng cao xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (ảnh: Báo Yên Bái)

PV: Bình  đẳng giới trong GD không chỉ là tăng khả năng tiếp cận mà còn là cung cấp hệ thống GD chất lượng cao. Xin Thứ trưởng cho biết Chiến lược của Bộ trong việc huy động trẻ em gái vùng khó, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đến lớp và làm thế nào để nâng cao chất lượng GD ở những vùng trên?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Việc phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn luôn là ưu tiên trong chỉ đạo của Bộ; Nhằm huy động trẻ em đến trường và vận động các em bỏ học trở lại trường, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung nhiều nguồn lực để xây nhà nội trú, bán trú, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí, tăng cường tiếng Việt,… cho trẻ em vùng miền núi, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lí để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, vùng khó khăn. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/NĐ-CP về Dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; Quyết định số 85/QĐ-TTg-CP về việc phê duyệt chính sách cho học sinh dân tộc bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

PV: Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Thứ trưởng có lời chúc hoặc nhắn gửi tới đội ngũ nữ nhà giáo cũng như các em HS?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chúng tôi rất tự hào về đội ngũ nữ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước, gánh nặng hai vai “việc nước, việc nhà” chị em đã nỗ lực cố gắng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp trồng người, đặc biệt là các nữ nhà giáo đã và đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đang chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn, thiếu thốn.

Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp to lớn của các chị cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Kính chúc các chị dồi dào sức khỏe, trẻ trung, hạnh phúc để hoàn thành xuất sắc việc nước, đảm đang việc nhà, giữ lửa cho từng mái ấm gia đình, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa sức lực trí tuệ và tâm huyết cho sự phát triển của Ngành, đưa Giáo dục Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của nhân loại. Mong các em nữ học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy ra sức phấn đấu học tập, rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp, hun đúc và tiếp nối truyền thống  đoàn kết, anh hùng, hiếu học, sáng tạo của dân tộc, truyền thống trung hậu đảm đang, năng động sáng tạo của phụ nữ Việt nam, xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta ngày càng giàu đẹp và văn minh.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!

PV