Có nên tiếp tục chấm chéo và thi theo cụm?
Lượt xem:
Tiếp tục duy trì riêng hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT còn chủ trương vẫn áp dụng hình thi theo cụm và chấm chéo đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Chung quanh chủ trương này, PV Thanh Niên đã ghi nhận được ý kiến nhiều chiều từ các nhà chuyên môn, nhà giáo.
Giáo sư (GS) Văn Như Cương cho rằng: “Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua rất nặng nề, căng thẳng, phiền phức và tốn kém. Nguyên nhân vì sao? Đó là vì Bộ GD-ĐT muốn có một kỳ thi tốt hơn hẳn để làm tiền đề cho việc nhập hai kỳ thi làm một vào năm 2001. Những quy định mới như thi theo cụm, chấm chéo, phần thi riêng bắt buộc theo chương trình chuẩn hoặc nâng cao… đều chứng tỏ Bộ hết sức quan liêu, xa rời thực tế.
Lấy ví dụ việc thi theo cụm, mục đích của nó là để cho trong mỗi phòng thi phải có học sinh của ba trường, chứ không phải chỉ có học sinh của một trường. Thực tế, không ít cụm thi có những phòng thi chỉ gồm học sinh của một trường ngồi thi với nhau do trường đó có cả ban KHTN, ban KHXH&NV còn hai trường kia chỉ có ban Cơ bản (số liệu thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng cho thấy phần lớn thí sinh đăng ký dự thi theo ban Cơ bản). Điều này dẫn tới thực tế là: mặc dù thi theo cụm nhưng lại không đáp ứng được mục đích học sinh của nhiều trường khác nhau ngồi trong một phòng thi. Vậy thì nếu còn tiếp tục tổ chức thi theo cụm, nếu tái diễn cảnh thí sinh phải đi xa hàng trăm km để đến trường thi rút cuộc chỉ gây thêm vất vả, tốn kém cho người dân mà thôi.
Không thể khẳng định hiệu quả của việc thi theo cụm bằng cách thống kê số thí sinh dự thi tăng, số tai nạn giao thông giảm, số vi phạm quy chế thi cũng giảm”. * Vậy còn hình thức chấm chéo, sau khi kết quả của kỳ thi này được công bố giáo sư có nghĩ rằng việc tổ chức chấm chéo bài thi tự luận có phải là một cách làm hay? – Tôi cũng chờ đợi hiệu quả từ “sáng kiến” này của Bộ GD-ĐT nhưng tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại xem hiệu quả của cách làm này đến đâu. Không thể khẳng định việc chấm chéo khách quan hơn khi có tới trên 50 tỉnh có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao hơn, nhiều tỉnh tỷ lệ cao hoặc thấp đột biến, dẫn tới sự khiếu nại của 4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như dư luận đã biết. Kết luận thanh tra của Bộ cũng đã cho thấy có biểu hiện của việc chấm “chặt”, chấm “lỏng”. Vậy thì sao có thể nói chấm thi khách quan được. Quan điểm của tôi là khi Bộ GD-ĐT đã khẳng định chắc chắn rằng đáp án của mỗi môn thi đều rất rõ ràng, chính xác; ba-rem điểm chi tiết đến 0,25 điểm và quy định về chấm thi rất chặt chẽ… thì người chấm có muốn cũng không thể làm sai lệch kết quả bởi người chấm phải ký nhận vào kết quả mà mình đã chấm. Nếu họ cố tình làm sai thì họ phải chịu kỷ luật về hành vi của mình, dù là chấm bài cho học sinh nào. * Bộ GD-ĐT quyết định chưa tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vào năm tới như đã dự định. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này?
– Tôi nghĩ không nên chỉ là “chưa” mà là không bao giờ nên gộp 2 kỳ thi này vào làm một vì tính chất của chúng khác hẳn nhau. Có thể ví von thế này: thi tốt nghiệp THPT là cuộc thi để lấy bằng lái xe; còn thi tuyển sinh ĐH-CĐ là cuộc đua xe, ai về trước người ấy sẽ thắng. Vậy thì tại sao lại có thể lấy kết quả của cuộc thi lấy bằng lái xe để chọn ra người đua xe giỏi được! Điều đó là hết sức phi lý. * Vậy theo giáo sư, nếu tiếp tục hai kỳ thi thì nên làm thế nào để vừa giảm bớt áp lực mà vẫn đảm bảo các yêu cầu xã hội đặt ra? – Tôi đề nghị thi tốt nghiệp THPT nên làm nhẹ nhàng, đơn giản hơn so với hiện nay. Thực ra nếu làm tốt được cả quá trình dạy và học thì chỉ nên xét tốt nghiệp là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chưa làm được điều này thì nên tổ chức thi tốt nghiệp nhẹ nhàng ở cấp tỉnh, thành phố. Sở GD-ĐT là người đứng ra tổ chức thi và ra đề, Bộ GD-ĐT không nên “ôm” việc này. Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội có thể phải khó hơn đề thi tốt nghiệp ở Lai Châu hay Lạng Sơn vì chất lượng đầu vào, điều kiện học tập ở những vùng miền này hoàn toàn chênh lệch nhau. Sau 12 năm học, cần phải cấp cho học sinh một chứng chỉ để vào đời. Điều cần làm không phải là giám sát, gây căng thẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là phải dạy thật, học thật trong cả 12 năm học phổ thông.
Theo Thanh niên /Tuệ Nguyễn |