Dạy con lòng nhân ái

Lượt xem:


(GD-TĐ) – Trong cuộc sống hiện đại, khi mà guồng quay vội vã của xã hội dễ khiến cho người ta hờ hững và thờ ơ với nhau hơn, thì chuyện nhắc đến lòng nhân ái, sự vị tha nhất là giáo dục cho trẻ, những mầm non ban đầu có được đức tính này cần xem là sự đầu tư cần thiết. Lòng nhân ái chính là nền tảng của tất cả những gì tốt đẹp. Không có lòng nhân, không có tấm lòng biết nghĩ đến người khác như nghĩ cho mình sẽ không làm được chuyện lớn. Nó càng không thể nảy sinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Xây dựng lòng nhân ái cho bé giúp bé tránh được nhiều cạm bẫy sau này, biết thông cảm và thấu hiểu người khác, rất thuận lợi cho quan hệ giao tiếp cá nhân của trẻ.

Hiểu con qua chuyện đời thường: Hôm nay là chủ nhật, nhưng bé Su nhà chị Hoa dậy sớm hơn thường lệ. Gương mặt của bé ra chiều hớn hở lắm. Chị Hoa quan sát thấy con cố gắng làm việc thật nhẹ nhàng, tránh tiếng động có thể gây sự chú ý của mọi người. Hóa ra, bé đang thu gom những quyển truyện cũ, chất thành từng chồng một cách ngay ngắn. Đó là số truyện bé Su vẫn thích và luôn cất giữ cẩn thận.

Tuy nhìn thấy nhưng chị Hoa vẫn tỏ vẻ thản nhiên như không biết gì, chỉ lo chuẩn bị bữa điểm tâm cho cả nhà. Ăn sáng xong, bé Su thủ thỉ với chị: “Lớp con có thùng quyên góp ủng hộ cho các bạn học sinh nghèo. Mẹ cho con bán những quyển truyện này để lấy tiền ủng hộ nghe mẹ?”. Chị nhìn con ngạc nhiên, hóa ra con bé cũng có những suy nghĩ giống như chị trước đó. Chị dự định soạn ra một số vật dụng, quần áo cũ để quyên góp đây mà. Công bằng mà nói, đây không phải là lần đầu tiên bé Su có ý thức giúp đỡ người khác. Chị Hoa nhớ lúc trước miền Trung bị lũ lụt, cứ đến giờ phát thời sự, bé Su lại xin mẹ ngưng học bài, đòi chị phải mở TV cho xem tin về bão lụt. Nhìn những cảnh đau lòng, bé thường mủi lòng và khóc thút thít thấy thương lắm. Ngay hôm sau khi chị Hoa đi làm, bé liền gom ít giấy vụn, tập cũ mà chị soạn sẵn định đem bán ve chai và dành dụm tiền ăn quà hằng ngày được mẹ cho để góp vào thùng từ thiện do phường mang đến tận nhà. Tình cờ, nghe mấy bác hàng xóm nói lại, chị Hoa mới hay chuyện.

 

Bé Lu, con gái chị Chi lúc còn học mẫu giáo rất ngoan ngoãn và đáng yêu. Ở trường, bé luôn dành được nhiều tình cảm từ cô giáo và các bạn. Cô giáo bị ốm, bé cũng biết hỏi han hoặc thấy mẹ làm việc mệt bé biết quạt mát cho mẹ nữa. Chơi chung với bạn hàng xóm, bé cũng biết nhường nhịn, không tranh chấp với bạn. Khi nói về con gái yêu quí của mình, chị Chi thường không giấu nỗi tự hào mỗi khi có người tấm tắc khen: “Sao dạy con khéo vậy?”. Vậy mà lớn hơn chút nữa, bé Lu lại thay đổi tính nết. Đứa bạn hàng xóm không chịu chơi chung, nó mắng ngay bạn là đồ tồi, làm biếng, thậm chí còn dọa dẫm bạn. Bạn trong lớp chẳng may phải nằm viện, bé còn bĩu môi: “Tại không chịu đội mũ đi học, cho đáng đời!”. Con miu lỡ nằm ngủ trên dép liền bị bé tiện chân đá nó một cái rõ đau, làm con mèo tội nghiệp phải nằm bẹp trong xó nhà. Thấy con bỗng dưng đổi tính, chị Chi cảm thấy ái ngại, nhất là gần đây khi cô chủ nhiệm phàn nàn: “Dạo này cháu thường gây gổ với các bạn. Bạn mượn cây bút cũng không cho, dù mang đến mấy cây”. Dạy con cũng phải biết bắt đầu từ đâu, thế là chị Chị chọn cách giải thích vấn đề với con sau đó đưa ra thí dụ cụ thể. Khi bé Lu tình cờ nhìn thấy một người ăn xin ngủ ở vỉa hè, nó hỏi: “Mẹ ơi, mấy người đó nhìn dơ dáy quá. Tại sao họ không về nhà ngủ vậy mẹ?”. Ngoài việc giải thích với con về cách thể hiện sự đồng cảm, chị đồng thời tìm cách phân tích cho con hiểu rõ vấn đề, điều chỉnh cách suy nghĩ của con theo chiều hướng tích cực hơn. Nhẹ nhàng, chị liền nói với con: “Vì họ không có nhà cửa để ở nên phải như vậy đó con. Họ rất đáng thương”. Còn khi thấy con tỏ vẻ chê bai, ghê tởm những đứa trẻ cơ nhỡ hoặc người tàn tật, chị tránh không la rầy hoặc áp đặt với con điều gì, vì theo chị con gái chẳng có lỗi gì chỉ do nhận thức của nó chưa rõ ràng mà thôi. Dần dần, cách giáo dục của chị đã góp phần thay đổi sự suy nghĩ của bé Lu. Nó không còn mắng mỏ, phê phán hoặc gay gắt khi chơi với bạn. Xem TV, thấy những cảnh đời khốn khó, nó cũng tỏ vẻ động lòng trắc ẩn: “Mấy người đó tội nghiệp quá phải không mẹ. Giá như họ cũng được ăn cơm no như nhà mình”. Tranh thủ nhưng lần nhà trường phát động phong trào giúp đỡ vùng xa, chị khuyến khích con cùng tham gia. Qua những việc làm tuy nhỏ, như đóng góp mỗi bạn một cuốn tập trắng, mua bút ủng hộ người nghèo,… bé Lu có thể cảm nhận được những việc làm tuy đơn giản nhưng nếu biết góp gió thành bão, sẽ mang lại nhiều niềm vui và chia sẻ với những bạn học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhiều lần, thấy bà cụ bán vé số đầu ngõ nài nỉ, bé Lu thường giục mẹ mua ủng hộ bà cụ. Thấy cô bé xinh xắn, lại có lòng tốt, sau mỗi lần bán được tấm vé số bà cụ không quên nói cám ơn, khiến bé Lu càng sướng rơn.

Khi con yêu bày tỏ lòng nhân: Thật ra, nếu cha mẹ là người biết đồng cảm với những người kém may mắn hơn mình, tức là bạn đang làm gương cho con về cách sống tốt đẹp, biết nghĩ đến người khác để con cái của mình có thể noi gương theo. Cha mẹ cần biết khuyến khích trẻ làm theo mình, hãy cho bé chia sẻ một phần tiền dằn túi, heo đất cho công việc từ thiện. Gom góp sách vở, quần áo, đồ chơi… cho các tổ chức như mái ấm dành cho trẻ em cơ nhỡ. Cha mẹ hãy nói cho bé biết về những thân phận con người đau khổ khác, về những giấc ngủ nhọc nhằn trong đêm mưa lạnh không mái ấm gia đình của họ, về những vùng trên thế giới, nơi mà thực phẩm là điều quá ư xa xỉ để tạo cho bé thái độ biết quan tâm cũng như chia sẻ với những người có cảnh ngộ kém may mắn hơn mình.

 

Người xưa thường nói: “Dạy con từ thuở con thơ”. Cha mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ của bé bằng sự giáo dục và xây dựng nơi bé lòng nhân ái đối với mọi người. Để làm tốt điều này, đòi hỏi cả một quá trình lâu dài và sự quan tâm đúng mức của cha mẹ dành cho bé. Những năm tháng đầu đời của bé là khoảng thời gian tốt nhất để cha mẹ bắt đầu vun xới lòng trắc ẩn cho trẻ, bởi vì cha mẹ luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với bé trong giai đoạn này.

 

Lòng nhân ái được đơm hoa kết trái khi đứa trẻ biết trải lòng trước những người khốn khó. Tự thân nó nhận thức được mình cần làm gì để chia sẻ với nỗi đau của người khác. Và muốn được như vậy, vai trò người lớn trong việc hướng dẫn, chỉ bảo cho trẻ luôn cần thiết và quan trọng.

 

Hà Tiên

,