Đẩy mạnh và cải tiến công tác thanh tra để nâng cao hiệu quả các hoạt động
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Sáng ngày 26 tháng 6, tại thành phố Vinh, Vùng thi đua 06 tỉnh Bắc Trung Bộ đã khai mạc hội nghị giao ban tổng kết năm học 2011-2012. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã tham dự và chủ trì giao ban. Tham dự giao ban còn có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ và đại diện của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Trưởng vùng thi đua đã báo cáo kết quả năm học 2011-2012 của 06 tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo đó, trong năm học 2011-2012, 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Về giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi của các tỉnh đã đạt 99,8%. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non tiến bộ vượt bậc: tỉnh Hà Tĩnh huy động được 116,9 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và dành 186,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đầu tư mua sắm thiết bị và xây mới phòng học; tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cấp được 74 phòng học, 42 công trình nước, trang bị thêm 131 máy vi tính với tổng kinh phí 159,4 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hoá đầu tư xây mới được 179 phòng học và 254 công trình vệ sinh; …
Đối với giáo dục phổ thông, các tỉnh đã duy trì, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng và phát triển nhanh hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Thanh Hóa có 809 trường; Nghệ An có 781 trường (50,4%); Hà Tỉnh có 295 trường (97%); Quảng Bình có 141 trường (68,1%); Thừa Thiên Huế có 177 trường (30.0%) đạt chuẩn quốc gia. Các tỉnh cũng đã tổ chức và tham gia có hiệu quả các hoạt động: giao lưu học sinh giỏi các cấp; liên hoan đàn piano kĩ thuật số; giao lưu an toàn giao thông; Olympic Toán tuổi thơ; Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh và khu vực;… Đặc biệt, các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học; dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục kỹ năng sống; giáo dục an toàn giao thông; giáo dục phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội; xây dựng trường học không khói thuốc lá; dạy học tích hợp giáo dục môi trường, tiết kiệm năng lượng; giáo dục an ninh quốc phòng;… được chú ý đúng mức và đạt hiệu quả cao hơn. Nhìn chung, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững (Thanh Hoá có 01 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olimpic Vật lý Châu Á-Thái Bình Dương). Điều đáng chú ý là chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc được nâng lên thông qua các hoạt động chuyên môn như: “Tập nói tiếng Việt cho học sinh dân tộc”; “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc”;…. Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số; Nghệ An tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về dạy tiếng Thái, tiếng H’Mông cho 210 cán bộ, giáo viên;…
Để có được các kết qủa nêu trên, một giải pháp quan trọng mà 06 tỉnh Bắc Trung Bộ đã thực hiện là đẩy mạnh và cải tiến công tác thanh tra. Ngay từ đầu năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình công tác thanh tra sát đúng với nhiệm vụ trọng tâm năm học và tình hình thực tế của từng địa phương; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: thanh tra toàn diện; thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên; thanh tra chuyên đề về các khoản thu trong nhà trường; thanh tra thực hiện chế độ chính sách đối với người dạy, người học; thanh tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học;…. Trong năm học 2011-2012, Nghệ An đã thanh tra hoạt động sư phạm của 13,8% số giáo viên; Thanh Hoá thanh tra toàn diện 36,6% số trường THPT; Thừa Thiên Huế thanh tra về các khoản thu trong nhà trường của 15/63 đơn vị;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ nhiều mặt hạn chế của giáo dục và đào tạo 06 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh yếu, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao. Công tác sử dụng, bảo quản thiết bị chưa tốt nên ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và gây nhiều lãng phí. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn còn chung chung, thiên về lý thuyết, chưa có phương pháp thích hợp, chưa thật sự chú trọng đến đặc điểm lứa tuổi, giới tính… Đời sống của nhân dân ở nhiều vùng đang khó khăn, nhất là các xã vùng sâu nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Công tác quy hoạch, điều chỉnh, sắp xếp mạng lưới trường lớp vẫn còn chưa thật tốt, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh. Mặc dù cơ sở vật chất đã được tăng cường nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều bất cập. Việc xử lý dôi dư giáo viên ở một số huyện vẫn còn lúng túng, chậm trễ. Quản lý nhà nước về liên kết đào tạo, quản lý giáo dục ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Các trung tâm học tập công đồng hoạt động chưa có nề nếp và chưa có chất lượng.
Để hạn chế tối đa các tồn tại, bài học được rút ra là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phải năng động, nhạy bén trong tham mưu; kiên quyết, tập trung trong chỉ đạo điều hành; phải phát huy tối đa tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên; phải đổi mới tư duy và phương pháp giáo dục; phải mở rộng dân chủ trong nhà trường đi đôi với việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, nhất trí.
Tại giao ban, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo Vùng thi đua Bắc Trung Bộ đã có sáu kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là: Thứ nhất, Bộ cần sắp xếp hợp lý để các cuộc tập huấn do Bộ tổ chức không quá dày, không chồng chéo. Thứ hai, việc ban hành văn bản của Bộ cần kịp thời, chuẩn xác (vừa rồi, thông tư quy định chế độ cho thi cử quá chậm hay sau thông tư về xét tặng danh hiệu vinh dự nhà giáo lại có văn bản hướng dẫn trái nội dung mà thông tư đã quy định) để cơ sở không bị động. Thứ ba, hiện nay, việc điều động giáo viên có năng lực giỏi về Sở, về Phòng là rất khó khăn, nhất là thủ tục; Bộ cần phối hợp với các Bộ có liên quan thống nhất theo hướng đơn gián hóa các thủ tục hiện hành. Thứ tư, việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ sư phạm được thực hiện quá rộng rãi, nếu không nói là đang bị thả nổi; Bộ nên nghiên cứu siết chặt lại để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thứ năm, việc đào tạo chuyên nghiệp cần phải có kế hoạch, phải đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo có địa chỉ. Hiện tại, các trường đào tạo không làm như vậy mà chỉ chạy theo số lượng, vì thế, rất nhiều học sinh, sinh viên ra trường không thể tìm được chỗ làm việc, gây lãng phí rất lớn. Bộ cần nghiên cứu để hạn chế tối đa tình hình này. Thứ sáu, vấn đề sinh đẻ có kế hoạch chưa được quan tâm chỉ đạo thống nhất trong ngành; Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần có sự chỉ đạo thống nhất, tránh trình trạng mỗi địa phương làm một cách.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia giao ban, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kết luận: Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và biểu dương những cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học của các Sở Giáo dục và Đào tạo Vùng thi đua Bắc Trung Bộ. Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập; giữ vững và nâng dần chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng mũi nhọn; quan tâm thực hiện các đề án, các chủ trương mới được ban hành. Thứ trưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo vùng Bắc Trung Bộ tập trung thực hiện bốn nội dung: Một là quan tâm nhiều hơn tới việc điều chỉnh mạng lưới trường lớp để thu hẹp tình trạng trường lớp nhỏ lẻ hiện đang tồn tại quá lớn. Hai là kiện toàn Phòng Giáo dục chuyên nghiệp của các Sở để Phòng này đủ sức quản lý các nhà trường theo quy định phân cấp của Trung ương. Ba là tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, trong đó chú ý tới việc thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với họ. Bốn là tạo điều kiện để Công đoàn Giáo dục các tỉnh chỉ đạo tốt việc tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Minh Đức |