Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải: Tạo sự chủ động tuyệt

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Bộ GD&ĐT đã chính thức có công văn và gửi kèm tài liệu “hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học” các môn học. Việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải chính thức được thực hiện. Ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục & Thời đại tại TP.HCM cho thấy công tác triển khai được đánh giá là thuận lợi.

Các trường tích cực triển khai

Mục đích chính của việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải là để dạy học phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục. Trong đó, nguyên tắc chính của việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm các nội dung nhằm giúp giáo viên (GV), học sinh có nhiều thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho GV thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình.

Hiện nay, việc thực hiện giảm tải nội dung dạy học phổ thông đang được các trường tại TP.HCM tích cực triển khai. Các tổ nhóm bộ môn đã được hiệu trưởng chỉ đạo, nhóm họp, thảo luận để đưa ra hướng thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Ông Hồ Đắc Anh, hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông báo và văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT về việc thực hiện giảm tải, tôi đã chỉ đạo các tổ trưởng tổ bộ môn thực hiện họp bàn và thảo luận để linh hoạt thực hiện hướng dẫn giảm tải của Bộ”.

Trong hướng dẫn việc thực hiện giảm tải nội dung các cấp học, theo đánh giá của nhiều GV và cán bộ quản lý, bậc TH có lẽ là cấp học tương đối thuận lợi và không có nhiều thay đổi bởi thực chất việc giảm tải này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Theo văn bản 896 của Bộ GD-ĐT ra ngày 13-02-2006, GV có quyền chủ động trong việc lên lớp. Vì vậy, với hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn cấp tiểu học của Bộ GD-ĐT hướng dẫn các trường mới đây không gây khó khăn cho GV. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong hướng dẫn: Thời gian dư do giảm bớt bài, hoặc giảm bớt nội dung trong từng bài, GV không đưa thêm nội dung khác vào dạy mà dùng để củng cố kiến thức và rèn kĩ năng đã học (trong bài đó hoặc bài trước) cho học sinh hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp.

Cô Trịnh Thúy Thanh, GV Trường TH Lương Định Của, TP.HCM nhận định: Hướng giảm tải mới này của Bộ là hết sức phù hợp. Vì với khoảng thời gian dôi dư, GV sẽ được chủ động để hướng học sinh đến việc rèn luyện các kỹ năng sống, tạo sự thoải mái cho các em đồng thời giúp cô và trò cùng có một không gian học tập thoải mái hơn. Nội dung giảng dạy theo hướng giảm tải tuy bắt buộc GV phải nắm rõ năng lực học tập của từng học sinh, chăm chút trong việc soạn giáo án. Nhưng chúng tôi thấy không quá áp lực. Về việc giảm tải này, đánh giá của cô Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cũng khá tương đồng với ý kiến của GV Thanh khi cho rằng: “Việc giảm tải rất có lợi cho học sinh trung bình và yếu. Tuy nhiên, một số ít GV tiểu học ở Q.5 cũng băn khoăn với việc giảm tải này. Họ băn khoăn bởi với nội dung giảm tải như hiện nay, liệu khi lên các cấp học cao hơn học sinh có đáp ứng được việc tổng hợp kiến thức. Tuy nhiên, sau khi các tổ nhóm xây dựng được khung chương trình nội dung giảng dạy trên “sườn” chính hướng dẫn của Bộ sự băn khoăn trên đã không còn”.

 

Giảm tải ở bậc tiểu học tại TP.HCM diễn ra thuận lợi

Sự chủ động là yếu tố quan trọng nhất

Hiện nay, việc triển khai giảm tải nội dung tại các quận huyện và các trường triển khai một cách khá chủ động. Hầu hết các hiệu trưởng khi được hỏi đến công tác triển khai đều nhận định việc triển khai sẽ không gặp khó khăn khi GV tự ý thức và hiểu được tầm quan trọng của mình. Vướng mắc lớn nhất hiện nay có lẽ chỉ là việc giảm tải (ở bậc THPT) chưa thật sự giảm đi nhiều và các môn học, tiết học được cắt giảm chưa mang tính tích hợp cao. Ông Hồ Đắc Anh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực triển khai theo hướng tương tác hai chiều thầy giáo- học sinh để có sự hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn trực diện vào yêu cầu của việc giảm tải, tôi thấy điều quan trọng nhất là tính tích hợp ở các môn học khi thực hiện giảm tải chưa cao”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD Gò Vấp cho rằng: Việc giảm tải hiệu quả hay không, GV có vất vả hơn khi thực hiện hay không chủ yếu là do chính người GV. Bởi việc thực hiện triển khai giảm tải đối tượng chính là học sinh chứ không phải người quản lý nên GV cần phải xây dựng giáo án một cách chủ động, phù hợp với từng đối tượng học sinh, chứ không thể làm một cách đối phó. Theo ông Tuấn, việc thực hiện giảm tải là việc bắt buộc phải làm, nếu muốn có một môi trường giáo dục toàn diện. Cần phải tạo sự chủ động cho GV, giúp GV ý thức và hiểu hơn tầm quan trọng của công tác giảm tải, từ đó hiệu quả của việc giảm tải mới mong mang lại hiệu quả. Hiện nay, khi thực hiện giảm tải không thể tránh khỏi nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Nhưng phần lớn hầu hết GV đều ủng hộ. Quan điểm chỉ đạo của phòng giáo dục là thực hiện một cách chủ động, không cứng nhắc trong việc thực hiện dưới sự hướng dẫn của Bộ. Ông Tuấn nói: “Chúng tôi giao toàn quyền cho hiệu trưởng, GV xây dựng nội dung, bỏ hay không bỏ dạy vấn đề gì nhằm kiện toàn kiến thức một cách có hệ thống, tiếp nối sau mỗi bậc học cho học sinh”.

Hiệu trưởng Trường TH Võ Văn Tần, Q.12, bà Nguyễn Thị Minh, cũng đồng quan điểm khi trao đổi rằng: GV đóng vai trò rất quan trọng trong giảm tải. Họ phải biết được học sinh của mình làm được bài nào, không làm được bài nào để dạy. GV không được “cào bằng” tất cả học sinh mà phải biết phân loại học sinh giỏi để khuyến khích các em học nâng cao, học sinh yếu kém để kèm cặp sao cho đạt kiến thức chung. Khi triển khai việc dạy giảm tải, tôi dặn GV không được nói cho học sinh biết là bỏ bài này, học bài kia để tránh sự ỷ lại nơi học sinh. Với những bài, phần đã được bỏ, trong buổi học thứ 2 và về nhà, GV sẽ khuyến khích học sinh làm. Sau khi các em làm xong, GV xem lại nhưng không chấm điểm, nhằm giúp cho các em có được một sự tổng hợp kiến thức một cách toàn diện nhất.

Anh Tú