Đổi mới phương pháp dạy học – Một chặng đường cộng hưởng

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Đổi mới phương pháp dạy học (ĐMPPDH) song hành cùng đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) đã được tiến hành hơn chục năm qua  một cách kiên trì, bền bỉ và rộng khắp. Tuy chưa thật sự đạt được mức độ tương xứng với yên cầu đổi mới GD phổ thông, nhưng việc đổi mới CT-SGK đi kèm với ĐMPPDH của giáo viên (GV) đã làm cho việc học của học sinh trở nên tích cực hơn, chủ động hơn, làm tiền đề cho các em phát triển bản thân tốt hơn cả trong hiện tại và tương lai. Điều này đặc biệt được thể hiện  từ khi nhiệm vụ ĐMPPDH có sự cộng hưởng của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT,HSTC)”  và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Hiệu ứng từ đổi mới phương pháp dạy học

Những đòi hỏi cả về đội ngũ GV và cơ sở vật chất để ĐMPPDH đã mang lại những đổi thay ở mọi nhà trường trong quá trình thực hiện CT-SGK mới. Trước đây, nếu như bảng đen, phấn trắng, bàn ghế thông thường  và cuốn giáo án viết tay là những công cụ phổ biến để dạy và học; thì nay, không gian lớp học – nơi diễn ra quá trình dạy và học, đã thay đổi hẳn. Không chỉ là những dãy bàn ghế kê thẳng hàng tăm tắp mà là sự linh hoạt tùy theo hình thức tổ chức dạy học mà GV tiến hành, cốt làm sao để việc dạy và học đều trở nên tích cực. Không chỉ là phấn trắng bảng đen mà còn có sự phối hợp với máy tính xách tay, bảng tương tác, máy chiếu…Hoạt động trong lớp học không còn là sự độc diễn của GV với những thuyết trình dài dằng dặc triền miên mà còn là sự tương tác tích cực của HS, để quá trình tiếp thu kiến thức không còn thụ động nữa. Nhà trường không chỉ khang trang về khuôn viên xây dựng, cảnh quan mà còn có thêm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy-học theo hướng đổi mới. Hệ thống thư viện được chú trọng cả về lượng và chất thông tin, lại có những sáng tạo mới để tạo ra các thư viện lưu động, thư viện xanh phục vụ mọi nhu cầu và đối tượng tiếp nhận thông tin. Hệ thống mạng internet được kết nối là một công cụ hữu hiệu để GV và HS có một kho tư liệu tham khảo cần thiết. HS được định hướng tự học dựa trên kiến thức và kỹ năng chuẩn do GV cung cấp trên lớp.

Đội ngũ GV cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu dạy và học mới. Họ được bồi dưỡng tập huấn để thực hiện các kỹ thuật dạy học mới theo phương pháp và quy trình mới, được tạo các điều kiện cần thiết để tiến hành những đổi mới về phương pháp đáp ứng đổi mới của CT-SGK. Việc ĐMPPDH không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi GV, để họ có thể khẳng định vị thế của mình với học trò, đồng nghiệp và phụ huynh.

Nói như thế không có nghĩa là việc ĐMPPDH đã thật là hoàn hảo, có hình hài rõ nét với mọi GV, mọi nhà trường. Cần có sự nhận thức sâu sắc hơn nữa về nội dung, phương pháp thực hiện việc đổi mới này. Việc bồi dưỡng, tập huấn về ĐMPPDH đôi khi còn dàn trải, thiếu hiệu quả, nặng về hình thức. Điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ĐMPPDH cũng chưa được đảm bảo. Lao động của GV vẫn còn nhiều áp lực mà việc ĐMPPDH cũng là một trong những áp lực đó, làm cho chính việc ĐMPPDH có khi chưa thật sự có động lực tự thân của mỗi GV.    

Tiếp nhận sự cộng hưởng từ nhiều phía, công cuộc ĐMPPDH đã có những “cú hích” để phát triển lên một tầm mới

Cú hích tích cực từ sự cộng hưởng

Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học là yếu tố gần như bắt buộc và có thể coi là xương sống của đổi mới giáo dục phổ thông, như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có lần khẳng định. Xác định tầm quan trọng của phương pháp dạy học đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, rất nhiều dự án giáo dục đã coi việc đầu tư cho bồi dưỡng tập huấn ĐMPPDH, đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại là một thành phần hoạt động ưu tiên. Tập trung nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây. Các dự án như Phát triển GD trung học, Phát triển giáo viên THPT và TCCN, Việt-Bỉ, Phát triển GDTHCS2, Oxfam…đều có những hoạt động phục vụ cho ĐMPPDH của GV. Nhiều hội thảo, đợt bồi dưỡng, tập huấn đã được tổ chức, rút ra nhiều kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn cho vấn đề này. Đặc biệt, dự án Việt-Bỉ có phạm vi hoạt động là 15 tỉnh miền núi phía Bắc nhưng sản phẩm về ĐMPPDH do dự án xây dựng đã được phổ biến toàn quốc trước khi Dự án kết thúc vào năm 2010; Dự án phát triển GV THPT và TCCN tổ chức một hội thảo lớn về Bồi dưỡng Giáo viên ĐMPPDH năm 2008, có sự tham gia phối hợp của nhiều dự án khác và các cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục, gây được ấn tượng tốt cho các đại biểu tham dự. Ngoài ra là các hội thảo về ĐMPPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá cũng đã được Bộ GD-ĐT tổ chức, tạo nên một nội hàm mới cho công tác ĐMPPDH, đó là đổi mới kiểm tra đánh giá để tác động trở lại đối với ĐMPPDH. Mới đây, Dự án phát triển GD THCS 2 còn được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ xây dựng mô hình trường THCS tổ chức hoạt động ĐMPPDH. Đây là một việc làm có ý nghĩa lớn để tổng kết mô hình, triển khai Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Chỉ đạo quản lý hoạt động ĐMPPDH ở các trường phổ thông tổ chức đầu năm 2009. Lần đầu tiên, ĐMPPDH đã được đưa lên tầm chỉ đạo, quản lý, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng, cho thấy tầm quan trọng, cấp bách của việc ĐMPPDH. Việc ĐMPPDH không chỉ còn là việc của riêng giáo viên, mà phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương.

ĐMPPDH còn nhận được sự cộng hưởng tích cực từ cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được phát động vào năm học 2007-2008. Cũng trong năm học này, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có một nội dung rất quan trọng là Dạy và học hiệu quả thông qua ĐMPPDH của GV và phương pháp học tập của HS, khái quát là Dạy và học tích cực. Sự thân thiện và tích cực là hai phạm trù không thể tách rời, bổ sung và tác động lẫn nhau khi thực hiện các nội dung của phong trào thi đua. Việc ĐMPPDH chỉ hiệu quả khi đề cao được trách nhiệm của đội ngũ GV trong môi trường sư phạm thân thiện và phát huy được vai trò tích cực học tập của HS. Việc áp dụng phương pháp dạy và học tích cực là giải pháp có tầm quan trọng quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Việc Dự án phát triển GD THCS 2 được giao nhiệm vụ hỗ trợ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đồng thời được Bộ GD-ĐT tiếp tục giao thực hiện xây dựng mô hình trường THCS tổ chức hoạt động ĐMPPDH chính là sự khẳng định ĐMPPDH là một phần quan trọng, không thể thiếu của 5 nội dung thi đua xây dựng THTT, HSTC, không chỉ đối với cấp THCS.

Cho đến thời điểm này, khi tiếp nhận sự cộng hưởng từ nhiều phía, công cuộc ĐMPPDH đã có những “cú hích” để phát triển lên một tầm mới, có được “hình hài” rõ nét cả về nội dung tiêu chí và phương pháp đánh giá, cả về kỹ thuật thực hiện cụ thể và công tác chỉ đạo, quản lý, để GD Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng mà còn hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Khi đã có một quy trình, phương pháp và kỹ thuật ĐMPPDH, cũng như có được những yếu tố nền tảng để dạy học có chất lượng (đạo đức, kiến thức kỹ năng, sáng kiến thích ứng, giao tiếp hợp tác) thì dù tiếp cận với bất cứ sự đổi thay nào về mặt nội dung chương trình, người GV và cán bộ quản lý giáo dục đều có thể có những sự thích ứng linh hoạt, hiệu quả.  

                                                                   Nguyễn Hoàng