Đổi mới phương pháp giảng dạy: Không nên đổ lỗi cho cơ chế

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Cụm từ “ đổi mới phương pháp dạy học” không phải là mới lạ, mà đã rất quen thuộc với nghề dạy học. Nhưng vì sao gần đây, dư luận lại đặc biệt quan tâm đến cụm từ này?

Phải chăng, đó là hệ quả của cuộc vận động “Hai không”, khi vấn đề đổi mới phương pháp dạy học không còn là lý thuyết sách vở mà buộc phải được soi sáng bằng thực tiễn. Và dưới ánh sáng của thực tiễn thì trắng đen không thể lẫn lộn, tất cả đòi hỏi một sự đánh giá nghiêm túc. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng, có người vin vào những quy tắc dạy học, chương trình, sách giáo khoa hiện nay để bảo rằng, khó có thể đổi mới phương pháp. 

 

doi moi.jpg
Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học

Dạy học không thể không có quy tắc  

Trước tiên, xin được lật ngược trở lại vấn đề: nếu tất cả mọi GV đều giảng dạy một cách tự do không theo một quy tắc nào? Trong quãng đời học sinh của mình, bản thân tôi từng bắt gặp không ít giáo viên giảng dạy theo kiểu “trên trời, dưới đất”: Một thầy giáo dạy Sử vào lớp học có mang theo GSK, bản đồ hẳn hoi, nhưng khi giảng bài lại cứ thao thao bất tuyệt những chuyện đâu đâu, chẳng bao giờ thấy chỉ lên bản đồ khi thuật diễn biến của một cuộc khởi nghĩa nào đó, kết quả, cả lớp không một HS nào, kể cả HS giỏi cũng không hiểu bài. Hầu hết HS trong lớp khi học bài cũ để cho thầy kiểm tra trên lớp không biết phải học ở đâu, vì chính thầy cũng không bao giờ … thuộc bài. Lại có một cô giáo dạy môn Văn. Cô cứ đọc một đoạn ở tài liệu giảng dạy của giáo viên rồi lại kể đủ thứ chuyện ngoài đời giống như trò… cù nhột cho người ta cười. Khi nào thấy HS cười thật là cô cao hứng “bỏ quên” luôn cả SGK, SGV để mà kể chuyện. Và cô cho rằng, như thế là đổi mới, là không vi phạm lối dạy theo kiểu thầy đọc, trò chép.

Đặt giả thiết, nếu mọi GV đều không theo một nguyên lý dạy học nào, mạnh ai nấy dạy như trên thì kết quả học tập của HS sẽ ra sao? Không nên nhẫm lẫn giữa khái niệm “dạy có quy tắc” với “dạy gò bó theo quy tắc”. Việc đặt ra quy tắc trong dạy học như là sự định chuẩn tối thiểu mà người thầy cần phải có, chứ không liên quan gì đến việc người thầy có thể chọn cho mình con đường tốt nhất để đạt chuẩn. Còn những ai chỉ khư khư bám vào một lối dạy vì sợ lệch chuẩn thì khó có thể sáng tạo được.

Chẳng hạn,  trong phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, có bài quy định dạy một tiết nhưng lại có bài quy định dạy đến 2, hoặc 3 tiết. Sự quy định này không hề đánh mất đi sự sáng tạo của người thầy khi lên lớp, mà nhằm định hướng cho người thầy trong việc chọn lựa dung lượng kiến thức của bài 1 tiết, khác với 2, 3 tiết. Tại sao cùng một quy định như vậy, có GV dạy rất thành công, có GV lại thất bại. Sự thành công hay thất bại ở đây tuỳ thuộc vào vai trò của chủ thể (người thầy) chứ không phải ở phân phối thời lượng. Vậy mà gần đây, một số GV đã vội vin vào cái cớ, họ bị lệ thuộc vào những quy tắc khô cứng, vào việc thi cử nên thủ tiêu sự sáng tạo, khó vận dụng việc đổi mới  phương pháp giảng dạy trên lớp.

Thậm chí, mới đây, có một ý kiến đăng ở diễn đàn đổi mới PP giảng dạy trên báo Tuổi trẻ cho rằng: “Nếu thiếu sự thông thoáng do cơ chế ở trên ban ra, nếu còn bị trói buộc và không đồng thuận từ mọi phía, thì ngọn lửa đổi mới từ dưới nhen lên chắc chắn sẽ bị dập tắt”. Ý kiến này hơi quá đáng và thiếu thực tế ở chỗ, không có một cơ chế nào từ trên ban xuống buộc người thầy phải dạy theo PP này hay PP khác. Không phải bây giờ mà từ trước đến nay, ngành GD&ĐT luôn khuyến khích vai trò chủ đạo của người thầy và tính tích cực, chủ động trong học tập của HS.

Những người thầy giáo được tặng danh hiệu giáo viên giỏi đều là những người có sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, không ai có thể buộc họ theo một lối mòn nào. Thầy giáo Hoàng Tuấn Anh ở Trường THCS Bạch Đằng TP Hồ Chí Minh thuyết phục các đồng nghiệp của mình từ chính hiệu quả của tiết học giáo dục công dân lớp 7 thuần tuý về thực hành đạo đức. Nhưng những giáo viên dạy GDCD ở các lớp 8, lớp 9 gặp những bài học chứa đựng những khái niệm trừu tượng hơn, mang màu sắc nghị luận chính trị xã hội nếu áp dụng lối dạy của Trần Tuấn Anh chắc chắn sẽ không thể thành công mà phải tìm một lối tiếp cận khác.

 doi moi 2.jpg

Lớp học đổi mới PP giảng dạy trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ

Những yếu tố quyết định việc đổi mới PP dạy học

Không ai có thể phủ nhận ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: với yêu cầu mới về GD&ĐT hiện nay, các thầy, cô giáo là động lực để đổi mới giáo dục. Trong phạm vi bài viết, xin nêu lên vài yếu tố quyết định việc đổi mới PP dạy học.

Trước hết, đó là vai trò của người được gọi là “nhạc trưởng” trong dàn hợp tấu. Nhạc trưởng ở đây không ai khác là hiệu trưởng, còn dàn hợp tấu chính là đội ngũ GV. Một thầy giáo kể: “Mình từng dạy ở 3 trường khác nhau. Trường A có tay Hiệu trưởng làm nhà thơ thì cả trường thi nhau làm thơ. Đến trường B, tay Hiệu trưởng rất thích chơi tem, thế là năm nào trường cũng có phong trào sưu tầm tem, đi đến đâu cũng thấy dán tem. Đến trường C, giáo viên lại khổ vì nỗi, cứ đến những ngày nghỉ lễ, ngày Nhà giáo Việt Nam, thay vì được sinh hoạt, vui chơi thì lại phải thao giảng, thực tập, nghe chuyên đề. Đó là do Hiệu trưởng trường này giáo điều, lúc nào ra vẻ như một triết gia…”.

Mẩu chuyện vui trên đây lại cho một ý nghĩa: Hiệu trưởng có tác động rất lớn đến chất lượng đội ngũ. Ngọn lửa say mê chuyên môn phải do chính người đứng đầu trường học khơi gợi lên. Không một GV nào dám đứng ngoài cuộc khi chính Hiệu trưởng của họ quan tâm thực sự đến việc đổi mới PP dạy học và là người am hiểu sâu về chuyên môn.

Tiếp đó, không ai khác, chính GV là nòng cốt trong đổi mới PP. Không phải hễ cứ hô hào đổi mới là có thể đổi mới và không phải bất cứ ai cũng có thể đổi mới được. Nội lực bên trong mỗi người thầy là rất cần thiết. Để một tiết học thành công, người thầy giáo phải hội đủ các yếu tố: nắm vững kiến thức, thâm nhập kỹ bài dạy, yêu thích bài giảng, hiểu tâm lý học sinh. Điều quan trọng nhất vẫn là sự say mê chuyên môn, say mê nghề nghiệp. “Không có niềm say mê, không có sáng kiến”, ai đó đã nói như vậy.

Cần tránh lầm lẫn cho rằng, tất cả những người có kiến thức đều say mê chuyên môn. Tuy nhiên, muốn đổi mới PP giảng dạy thì phải có cả niềm say mê chuyên môn lẫn giỏi kiến thức mới có thể thay đổi được tình huống. Những ai vin vào cớ vì phải dạy học sinh theo hướng đối phó với thi cử nên khó đổi mới thì chỉ là sự nguỵ biện. Đổi mới PP dạy học là sự hài hoà những sáng tạo của người thầy giáo, nhằm đem đến kiến thức, kỹ năng cho mỗi HS. Khi đã có kiến thức, kỹ năng thì thi cử kiểu gì cũng đạt.

Cũng cần lường trước những yếu tố khách quan tác động đến việc đổi mới PP dạy học. Một giáo viên có thể chuẩn bị chu đáo các thao tác lên lớp nhưng vẫn có thể không thực hiện được ý đồ đổi mới nếu đụng phải đồ dùng trực quan kém chất lượng mà GV đó không thể lường trước. Một tiết học diễn ra 45 phút, chỉ cần mất đi mươi, mười lăm phút cho cái sự lúng túng đó cũng khó có thể mang lại hiệu quả như ý muốn.

Hiện nay, không ít trường học có đội ngũ GV lâu năm, có kinh nghiệm nhưng lại thiếu tính sáng tạo do “cái khó bó cái khôn”: CSVC, trang thiết bị dạy học quá khó khăn, thiếu thốn, BGH an phận bằng lòng với thực tại nên cuối cùng, việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn chỉ nằm trong lý thuyết.

Xem ra, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học là đề tài tiếp tục về lâu về dài, nhưng điểm mấu chốt của nó thì cần có sự giải quyết một cách rốt ráo: việc chọn lựa và đào tạo người thầy có nội lực để quyết định sự đổi mới!                        

Nguyễn Thị Thuý Hồng