Đổi mới tư duy và cơ chế quản lý là khâu đột phá
Lượt xem:
(GD&TĐ) – “Những nhóm giải pháp cơ bản, khâu đột phá chiến lược để đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam”, đó là chủ đề của Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng ngày 24/7, tại Hà Nội. Đại diện cho Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đến dự.
Mục tiêu là GD-ĐT Việt Nam được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, XHH, dân chủ hóa và hội hội nhập quốc tế, tạo ra nguồn nhân lực thực sự trở thành khâu đột phá quan trọng trong việc đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề vững chắc để phát triển đất nước trong giai đoạn sau.
Mở đầu Hội thảo, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TW đã trình bày báo cáo đề dẫn. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới tập trung vào các nội dung trọng điểm như: Tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm phát triển GD đã được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng; Chuyển từ một nền GD chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học; Đổi mới theo hướng xây dựng một nền GD mở, học tập suốt đời, phát triển GD điện tử, gắn với xây dựng XHHT, chuyển từ GD “đóng khung”, “khép kín” sang nền GD mở về nghề nghiệp, chương trình, nội dung, thời gian học, chọn thầy, chọn sách, loại hình đào tạo…
Ngoài ra, phát triển dịch vụ công trên lĩnh vực GD chủ yếu là GD nghề nghiệp và ĐH, bảo đảm định hướng KHCN, chủ động sử dụng những mặt tích cực của cơ chế thị trường để đáp ứng nhu cầu xã hội cạnh trang nâng cao chất lượng. Đồng thời, phát triển hài hòa, bình đẳng và hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 khu vực GD công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền, hỗ trợ những nơi khó khăn, các em HS nghèo, con thương binh và gia đình chính sách.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra của đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam sau năm 2015, đã xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đề ra bao gồm: Đổi mới tư duy và cơ chế quản lý GD là khâu đột phá; Hệ thống GD quốc dân; Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhà giáo và CBQL. Đặc biệt, đổi mới chương trình theo hướng chuyển từ cách tiếp cận nội dụng sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực. Ngoài ra cần đổi mới thi, kiểm tram kiểm định, đánh giá chất lượng GD. Đồng thời đổi mới cơ chế tài chính, huy động các nguồn lực cho phát triển GD; Tăng cường hội nhập quốc tế, liên kết đào tạo nước ngoài…vv.
PGS. TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng thì cho rằng: Để đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực một cách hợp lý, điểu mà bao nhiêu năm qua GD nước ta vẫn ở trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, do đó, GD đại học chỉ nên đào tạo 3 trình độ: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Trình độ cao đẳng nên chuyển hẳn sang GD nghề nghiệp để chuyển hẳn sang mục tiêu đào tạo nghề. Hiện nay, mục tiêu của cao đẳng không rõ ràng, vừa không tinh thông về mặt kiến thức mà cũng không thành thạo tay nghề. GD trung học chuyên nghiệp nên chuyển hẳn thành trung học nghề.
Còn GS. Phan Huy Lê đề cao cả hai nhóm đột phá đó là tư duy và cơ chế quản lý. Giáo sư nhấn mạnh mục tiêu năng lực của con người, nhất là trong GD phổ thông, coi trọng tư duy độc lập, sáng tạo của HS. Ông rất tâm đắc khi báo cáo đề dẫn chỉ ra: Trong chương trình phổ thông, xác định ba môn học cơ bản là Tiếng Việt, Toán và Lịch sử, đồng thời phổ cập 2 môn công cụ hết sức quan trọng đó là tiếng Anh và CNTT, có một phần chương trình cho đặc điểm địa phương. Cũng theo GS. Lê, hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu phải gắn chặt với nhau…
Việt Hoa |