Động lực để đội ngũ nữ nhà giáo ngày càng vững mạnh
Lượt xem:
TS. Nguyễn Thị Nghĩa (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) (GD&TĐ) – Tại Hội nghị biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu 15 tỉnh miền núi phía Bắc vừa được tổ chức tại Thái Nguyên (05/10/2009), TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đã có bài phát biểu đầy tâm huyết với đội ngũ hơn 14 vạn nữ nhà giáo đang ngày đêm bám trường, bám lớp ở địa bàn rất khó khăn để đem ánh sáng văn hoá đến với bà con các dân tộc nơi đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của TS Nguyễn Thị Nghĩa. (Đầu đề do toà soạn đặt).
1. Truyền thống vẻ vang, hào hùng Sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp, đất nước nhiều lần bị kẻ thù xâm lược, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính của gia đình và xã hội. Chiếm một nửa dân số cả nước, phụ nữ Việt Nam là lực lượng to lớn, đóng góp quan trọng trong tiến trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, đấu tranh vì sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà có nguy nan, phụ nữ đều hăng hái đứng lên bảo vệ Tổ quốc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quá trình đó đã sản sinh ra nhiều phụ nữ kiệt xuất, ghi vào lịch sử như những huyền thoại. Trong sự nghiệp chấn hưng, xây dựng đất nước, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, phụ nữ cả nước đã đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác và tổ chức cuộc sống gia đình. Làm tròn thiên chức của người vợ hiền, người mẹ đảm, người con hiếu thảo trong gia đình, phụ nữ đã tích cực tham gia công tác xã hội, có mặt ở hầu hết các lĩnh vực và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt, trở thành những chính trị gia, các nhà khoa học nổi tiếng, những nhà quản lý năng động. Phụ nữ đã dũng cảm, bản lĩnh vượt qua nhiều khó khăn thử thách của cuộc sống, bằng tri thức, năng lực và trí tuệ góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù ở thời điểm nào, bất luận trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tỏa sáng với thiên chức của mình. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng hơn 4000 năm của dân tộc ta đã hun đúc, rèn luyện nên người phụ nữ Việt Nam với bản sắc và phong cách riêng. Đó là những chiến sĩ chống giặc ngoại xâm kiên cường, dũng cảm, những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; người nghệ sĩ, chiến sĩ bảo vệ giữ gìn văn hóa dân tộc; người chủ gia đình dịu hiền, đảm đang, trung hậu, sinh ra những thế hệ anh hùng. Đảng ta đã khẳng định: Nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì cách mạng mới chỉ là một nửa. Bác Hồ cũng đã từng nói “Non sông Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như gi ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Phụ nữ là một phần không thể thiếu, góp phần vào thành công của cách mạng Việt Nam, thúc đẩy xã hội phát triển. 2. Đội ngũ nữ nhà giáo hùng hậu và thành quả đáng tự hào Trong thành tựu chung của phụ nữ nước nhà có sự đóng góp tích cực và quan trọng của đội ngũ nữ nhà giáo, lao động, học sinh và sinh viên ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có gần 74% là nữ; nữ đảng viên chiếm 60% tổng số đảng viên toàn ngành, là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành giáo dục nước nhà. Đội ngũ nữ nhà giáo nước ta có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều nữ nhà giáo đã nỗ lực phấn đấu tốt, trở thành những giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học đầu ngành, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi tài năng, các giải thưởng lớn giành cho phụ nữ. Đặc biệt, chúng ta đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 1.011 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu“Nhà giáo ưu tú”. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa đầy hương sắc của đội ngũ nữ nhà giáo Việt Nam. Nữ cán bộ lãnh đạo quản lý ngành đã có 1 thứ trưởng, 2 vụ trưởng, nhiều phó vụ trưởng, giám đốc, phó giám đốc các Sở GD-ĐT. Khối phổ thông, nữ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng chiếm khoảng 45% số CBQL. Khối các trường ĐH, CĐ, TCCN nhiều chị đảm nhận chức phụ phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, trưởng phó phòng khoa ban, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn giáo dục các cấp. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng xã hội, nữ nhà giáo và lao động toàn ngành còn thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Hàng năm, đã có 87,6% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” các cấp và có 95,6% gia đình nữ giáo viên đạt danh hiệu gia đình nhà giáo văn hoá. Chị em trong ngành luôn vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc, quan tâm nuôi dạy các con chăm ngoan học giỏi. Nữ học sinh, sinh viên nước ta cũng thực sự bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình học tập và rèn luyện. Tỷ lệ nữ học sinh đến trường ngày càng cao, nhiều em học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi ở cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, nhiều em đã rèn luyện phấn đấu trở thành đảng viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thành tích chung của giáo dục và đào tạo nước nhà, luôn có sự đóng góp quan trọng của nữ nhà giáo, học sinh, sinh viên các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Với hơn 140.300 nữ giáo viên, chiếm gần 76,7% tổng số giáo viên của khu vực, chị em nữ nhà giáo các tỉnh miền núi phía Bắc, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó, tâm huyết với nghề, đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ về điều kiện địa lý, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, những trở ngại về phong tục, tập quán, ngôn ngữ… Các chị đã đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, thường xuyên bám trường, bám lớp, vận động từng học sinh đến trường, chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục đào tạo hàng triệu học sinh mầm non, phổ thông và hàng chục ngàn học sinh, sinh viên con em các dân tộc, nhiều chị đã dành trọn tuổi thanh xuân vì sự nghiệp trồng người, tri thức khoa học đến cho các em học sinh và nhân dân các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bằng sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đội ngũ nữ giáo viên của 15 tỉnh miền núi phía Bắc tiến bộ nhanh về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: 94,2% giáo viên mầm non đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn là 16,4%. Các con số này ở tiểu học là 99,3% và 29,5%, ở trung học cơ sở là 95% và 15,2%; trung học phổ thông là 98%. Nữ học sinh, sinh viên dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc được Đảng, Nhà nước, các nhà trường quan tâm tạo mọi điều kiện để các em học tập, rèn luyện, bình đẳng thụ hưởng các thành quả giáo dục. Tỷ lệ học sinh nữ so với tổng số học sinh trong vùng ngày càng tăng, ở mầm non là 48,4%; 47,2 % ở tiểu học; 47,3% ở trung học cơ sở và 52,8% ở trung học phổ thông. Nhiều nữ học sinh học giỏi, chữ đẹp, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi ở cấp tỉnh và quốc gia. Không thể nói hết những gian khổ nhọc nhằn, sự nỗ lực cố gắng và những đóng góp to lớn của đội ngũ nữ nhà giáo của chúng ta, đặc biệt là nữ nhà giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn thế nữa, phải đặt trong hoàn cảnh chị em phụ nữ là những ngươờ phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của người vợ, người mẹ thì mới thấy hết ý nghĩa của sự phấn đấu nỗ lực hết mình của chị em. Chúng ta tự hào và biết ơn các nữ cán bộ, giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa, những người đã tận tuỵ hi sinh thầm lặng, vượt qua khó khăn, thử thách, một lòng một dạ vì sự nghiệp trồng người hết sức vẻ vang nhưng đầy gian khó mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Công đoàn GDVN, tôi xin ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của nữ nhà giáo và CBQL, nữ sinh viên tiêu biểu xuất sắc của các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được trong thời gian qua. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã luôn quan tâm đến sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, tạo cơ hội và môi trường cho chị em phụ nữ nói chung, ngành GD&ĐT nói riêng được học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành và mong muốn đội ngũ nữ nhà giáo, nữ học sinh, sinh viên tiếp tục nhận được sự quan taâ nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, của xã hội, tạo động lực cho chị em phấn đấu, cống hiến, tạo cơ hội bình đẳng cho chị em trong học tập, rèn luyện, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. 3. Tạo động lực để đội ngũ nữ nhà giáo ngày càng vững mạnh Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác cán bộ nữ của ngành vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Số nữ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều, nữ nhà giáo và cán bộ quản lý nhìn chung còn hạn chế về khả năng tin học và ngoại ngữ; nữ cán bộ chủ chốt ở các trường Đại học, Cao đẳng, các Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT chiếm tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nữ trong ngành. Đâu đó vẫn còn sự định kiến, đánh giá khắt khe đối với phụ nữ; vẫn còn sự mặc cảm, tự ty ở một số chị em. Đó chính là những thách thức, làm cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo động lực để xây dựng đội ngũ nữ nhà giáo vững mạnh trong thời kỳ hội nhập là nhiệm vụ cấp thiết của Ngành và của chính bản thân chị em chúng ta. Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 11- NQ /TW của Bộ chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, góp phần thực hiện mục tiêu chung “đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”. Ra sức phấn đấu đạt các chuẩn mực người phụ nữ của ngành giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập: “Yêu nước, có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có sức khỏe; có lối sống văn hóa và tấm lòng nhân hậu; quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”. Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đòi hỏi phải xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng cao, để đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất và năng lực chuyên môn cao, có trình độ ngoại ngữ, tin học, luật pháp quốc tế, kiến thức và kỹ năng quản trị, hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập. Mỗi tập thể nữ nhà giáo và bản thân mỗi nữ nhà giáo hãy là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, phát huy nội lực của chính mình để phấn đấu vươn lên. Khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên của miền núi (địa bàn rộng, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống trường, lớp có nhiều điểm lẻ ở các thôn bản), những thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, chị em cần chủ động sắp xếp công việc của tập thể và gia đình, động viên giúp đỡ nhau, nỗ lực học tập và công tác tốt, để mỗi chúng ta, ngoài vai trò là người mẹ hiền, vợ đảm sẽ là những nhà giáo, nhà quản lí giỏi, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh và giàu lòng yêu nghề, mến trẻ. Đó là yếu tố quyết định để đội ngũ nữ nhà giáo tự khẳng định mình. Lãnh đạo Bộ, Công đoàn ngành sẽ thường xuyên quan tâm chăm lo đến phong trào của lao động nữ và sự tiến bộ của phụ nữ toàn ngành; đặc biệt quan tâm, động viên giúp đỡ những chị em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chị em nữ có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống gia đình, hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ trẻ em nữ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong thụ hưởng các thành quả giáo dục. Chúng ta tin tưởng rằng, chị em sẽ tiếp tục vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người. N.T.N |