Theo ông Ngữ, quan điểm xây dựng mức học phí ở bậc mầm non và phổ thông phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Bậc học này nhà nước hỗ trợ là chính. Dự kiến, khả năng chi trả trong khoảng 4 – 8% thu nhập trung bình của người dân từng vùng miền.
Con em của những người dân có thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình này thì được miễn giảm học phí. Chế độ miễn giảm học phí hiện nay đã tính đến tất cả các đối tượng chính sách, vùng khó khăn… Những đối tượng này không chỉ được miễn giảm học phí mà còn được cấp học bổng.
Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến, sẽ có khoảng 20% người dân trong một địa phương có nhu cầu được miễn, giảm học phí. Với nhóm gia đình có thu nhập cao hơn mức bình quân của địa phương, mong muốn đóng góp mức học phí cao hơn để con em họ học ở những trường có chất lượng tốt hơn chuẩn tối thiểu thì nhà nước cho phép có trường chất lượng cao thu phí cao hơn.
Cấp học đào tạo từ dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH được xem xét chi phí đào tạo gắn liền với chất lượng, gắn liền với các điều kiện đảm bảo chất lượng khi ra trường. Do vậy, học phí bậc học này cũng được tính toán trên nguyên tắc từng bước cùng với đóng góp của nhà nước để đảm bảo chi phí đào tạo có chất lượng.
Ông Ngữ cho hay, việc chưa công bố học phí vì liên quan đến chế độ chính sách của người học, nhà trường. Bởi vậy, phải xem xét trên tổng các mối quan hệ với các chính sách như miễn phí, tiền lương, cơ chế tài chính cho giáo dục.
Dự kiến, trong tháng 10, đề án học phí sẽ lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, giới giáo chức…
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, định kỳ hàng tháng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ gặp gỡ báo chí để cung cấp những thông tin về chủ trương, chính sách… của ngành.
Mỗi buổi giao ban định kỳ, Bộ sẽ thông báo những việc đã làm và sẽ làm trong tháng tới; đồng thời trả lời những vấn đề xã hội quan tâm.
|