E-mail và lãnh đạo
Lượt xem:
Tình trạng cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu sử dụng thư điện tử (e-mail) trong công tác quản lý, điều hành – Thanh Niên đề cập trên số báo ngày 15.7 – là vấn đề đáng lo ngại và đáng buồn.
Khi mô tả mặt bằng trình độ tin học của cán bộ công chức hiện nay, nhiều người nói ví von rằng, đó là cái “thắt nút cổ chai”; bởi lẽ mặt bằng khả năng tin học của cán bộ công chức nói chung tuy còn thấp, song nhiều nơi cũng đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng càng lên cấp cao hơn thì trình độ càng… thắt lại, vì thế vận hành giao dịch và xử lý công việc qua mạng bị tắc ở chỗ các đồng chí lãnh đạo. Tại một hội nghị ban chỉ đạo công nghệ thông tin các cơ quan cấp tỉnh ở một tỉnh nọ, vị Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Rất lạ, vì đến giờ vẫn còn nhiều cán bộ lãnh đạo không dám… rờ vào vi tính nối mạng! Vị này yêu cầu nghiên cứu mở lớp riêng cho cán bộ lãnh đạo đi học truy cập mạng, sử dụng e-mail để không bị… mắc cỡ; và đích thân Bí thư Tỉnh ủy sẽ tham gia giám sát lớp học này. Song, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh này lại cho hay: “Đã mở nhiều lớp cho lãnh đạo học rồi, nhưng lãnh đạo không đi, cứ cử anh em cấp dưới đi. Anh em chuyên viên rành quá rồi mà cứ bắt đi học thay lãnh đạo mãi. Khổ quá…”.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc sử dụng e-mail trong các cơ quan nhà nước, nhiều UBND tỉnh cũng ra chỉ thị về việc này ở tỉnh mình, song triển khai đến các sở, ban, ngành, thì lại… tắc ở chỗ các đồng chí lãnh đạo. Là một nghịch lý, khi tuyển cán bộ, cơ quan nào cũng đòi hỏi trình độ tin học, và trên thực tế, cán bộ cấp dưới càng trẻ càng rành về ứng dụng công nghệ thông tin; còn cấp trên thì lại không (hoặc ít). Là một nghịch lý, khi mà các doanh nghiệp rất nhanh trong mở website, ngoài xã hội rất nhiều người sử dụng e-mail, đến cả học sinh phổ thông cũng có e-mail cá nhân của mình; còn lãnh đạo trong các công sở nhà nước lại không rành giao dịch và xử lý công việc qua mạng. Nghịch lý trên vẽ nên một câu hỏi lớn về cải cách hành chính, bởi không thể cải cách hành chính hiệu quả, mà không ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Nguyên nhân tình trạng trên, thuộc sự hạn chế năng lực của cán bộ lãnh đạo chắc chắn không lớn, mà cái chính là do không nhạy bén tiếp thu cái mới, không mạnh dạn từ bỏ cách làm cũ, trong đó đáng trách nhất là thói quen sai phái cán bộ cấp dưới làm thay những công việc của mình. Chính vì thế, nên chăng, cần đưa việc học tập và ứng dụng tin học đáp ứng yêu cầu công việc thành một tiêu chí để đánh giá cán bộ, đồng thời lưu ý tiêu chí này khi xem xét bổ nhiệm cán bộ. Có như vậy, may ra mới xóa mù internet và e-mail cho các cán bộ lãnh đạo ở các địa phương, tạo cơ sở để hóa kiếp “con rùa” hành chính điện tử đang chậm chạp hiện nay. Theo Huỳnh Hiếu/Thanh niên |