Giáo dục – đào tạo nên dân trí – con đường cơ bản để có sức mạnh nội sinh.
Sau ngày giải phóng, Đại Lộc – mảnh đất nằm ở phía bắc Quảng Nam, giàu truyền thống văn hoá, hiếu học và lắm nhân tài… phải mang trên mình những vết thương nặng nề sau các trận chiến, dù những nỗi ám ảnh lịch sử vẫn còn hằn lên đôi mắt các mẹ, các anh, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, Đại Lộc đã nhanh chóng khắc phục những tổn thất, khôi phục sản xuất và đặt biệt là đầu tư cho giáo dục, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.
Lê Quí Đôn cũng đã dạy: “Phi trí bất hưng”, Thân Nhân Trung (Đông các đại học sĩ thời vua Lê Thánh Tông) cũng đã từng khuyên rằng “ Hiền tài quốc gia chi nguyên khí”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời có nói : “Cán bộ có đức, không có tài chỉ như ông Bụt ngồi trong chùa tháp không giúp ích được gì cho ai”. Vì vậy con đường căn bản để có sức mạnh nội sinh là giáo dục – đào tạo nên dân trí, nhân tài. Giáo dục Đại Lộc đã bắt đầu tạo nên sức mạnh nội sinh của mình với những việc làm có hiệu quả, các cơ sở Đảng được củng cố, công tác bồi dưỡng cán bộ giáo dục được chú trọng, những ngôi trường dù là tạm bợ được dựng nên, các lớp xoá mù chữ được mở ra thu hút con em trong huyện đi học. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, đối mặt với những bữa cơm còn độn thêm bobo, sắn lát, những đồng lương ít ỏi được trả bằng lúa, khoai… “Cơm áo không đùa với khách thơ”, một số thầy cô đã rời bục giảng để mưu sinh, những thầy cô yêu nghề ở lại thì vẫn lao động dạy học hăng say bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần trách nhiệm…
Đất nước đổi mới, một mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi, mạng lưới trường lớp được mở rộng, đầu tư xây dưng ngày một khang trang, đời sống giáo viên được cải thiện và dần dần ổn định, tạo điều kiện cho việc tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 1989, huyện uỷ Đại Lộc khoá XIV đã có nghị quyết 06 đặt vấn đề dành quỹ đất công ích cho giáo dục. Đại hội giữa nhiệm kỳ Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ XV (1994) đã đề ra chương trình “6 hoá”, trong đó có yêu cầu “tầng hoá” các trường học. Năm 1997, chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính, đồng nghĩa với việc giáo dục Đại Lộc phải cơ cấu lại tổ chức với những chuyển biến rõ rệt .
Năm học 1975 – 1976, toàn huyện chỉ có 1 trường cấp 2 – 3, 1 trường bổ túc văn hóa cán bộ, 3 trường cấp 2, 16 trường cấp 1, và rải rác một số lớp mẫu giáo. Đến nay toàn huyện có 65 trường, gồm 4 trường THPT, 17 trường THCS, 25 trường tiểu học, 19 trường mầm non, mẫu giáo, hàng năm thu hút hơn 40 ngàn học sinh các cấp học và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp-dạy nghề.
Phòng Giáo dục – đào tạo Đại Lộc đã tích cực trong công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, chống mù chữ, và phổ cập THCS được các cấp, các ngành quan tâm sâu sát.
Đáp lại những cố gắng không mệt mỏi của toàn ngành, huyện Đại Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2003. Tuy gặp nhiều khó khăn trong kinh phí nhưng cuối năm học 2008 – 2009 phòng GD – ĐT Đại Lộc đã xây dựng thành công 2 trường THCS đạt chuẩn, 2 trường tiểu học đạt chuẩn mức 2 và 1 trường MN đạt chuẩn mức 1, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 41/61 trường (trong đó có 3 trường TH đạt chuẩn mức 2).
Hiện nay, huyện Đại Lộc đang tập trung hoàn thiện mô hình giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, lấy con người làm thước đo cho sự phát triển.
Chính vì vậy, vai trò Đảng bộ ngành giáo dục tiếp tục được nâng cao, đảm bảo khả năng lãnh đạo toàn diện các hoạt động của ngành. CSVC được cải thiện, các phòng học được xây dựng mới, đóng mới thêm nhiều bộ bàn ghế học sinh, trang thiết bị phòng thí nghiệm, phòng bộ môn được bổ sung và nâng cấp, thư viện đáp ứng đủ nhu cầu dạy học, nghiên cứu tham khảo của thầy và trò. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, tạo nên những chuyển biến tích cực, hàng năm huy động nguồn vốn hàng chục tỉ đồng để đầu tư xây dựng CSVC, cảnh quan sư phạm, hỗ trợ giáo viên. Ngành GD – ĐT Đại Lộc cũng đã thực hiện chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Trong bối cảnh của cuộc vận động “hai không”, việc tăng cường chỉ đạo chặt chẽ khâu kiểm tra và kiểm định chất lượng, các chỉ số về chất lượng giáo dục của đa số trường học không hề giảm mà còn được nâng lên. Môi trường giáo dục trong nhà trường ngày càng lành mạnh, số học sinh yếu kém giảm dần, không còn tình trạng học sinh không đủ chuẩn kiến thức lên lớp. Chất lượng học sinh giỏi các cấp học phổ thông được duy trì, tỉ lệ học sinh THCS được xét tốt nghiệp hàng năm đạt trên 98 %. Đội ngũ nhà giáo luôn được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, công tác quản lý giáo dục tiếp tục được cải tiến. Phong trào hoạt động đội được chú trọng, các cuộc thi “ Cán bộ chỉ huy giỏi” luôn được các liên đội hưởng ứng nhiệt tình. Công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh, y tế học đường được mở rộng và đi sâu vào từng cơ sở, tạo tâm lý an tâm cho học sinh và gia đình. Yếu tố an toàn, sức khoẻ, mạng sống của các em được xem như một vấn đề quan trọng hàng đầu.
Vấn đề con người với việc giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống của học sinh được quan tâm nhiều hơn, đi đôi cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thiết nghĩ đây là một trong những hoạt động cần được phát huy bởi nó đã được chứng minh qua các triều đại lịch sử từ văn minh Cổ đại rồi đến thời Phục hưng (TK XIV – XVI) con người được đặt lên thượng đỉnh của toàn bộ sự phát triển tiến hoá, thế giới tinh thần của con người được coi như là tinh hoa của lịch sử văn minh và thần tượng của khoa học xã hội và không phải ngẫu nhiên mà thế kỷ Ánh sáng là thế kỷ của giáo dục.
|
Xã hội ngày càng phát triển, tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, ít nhiều ảnh hưởng đến lối sống của các em, vì vậy việc giáo dục rèn luyện đạo đức học sinh, tạo sức đề kháng tốt cho các em trước môi trường là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Các hành vi ứng xử, tác phong đạo đức chuẩn mực và thân thiện sẽ làm cho người với người gần nhau hơn, nhân văn hơn.
Góc nhìn Công nghệ thông tin:
Chúng ta đi vào công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước với nhiều đặc điểm của cả ba nền văn minh của loài người: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh thông tin điện tử (tin học). CNTT giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành, mọi người dễ dàng tiếp cận với thông tin và tri thức, giảm chi phí đi lại và nâng cao hiệu quả hoạt động.Tiếp thu, học tập, ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Đại Lộc nói riêng đã bước đầu đem lại những bước chuyển đáng kể. Đến nay, toàn huyện có: 61/61 trường đều kết nối Internet (ADSL), trên 50% các trường THCS, TH đã nối mạng đến các máy tính dành cho học sinh học tin học. Gần 100% CB-GV-CNV có đăng ký hộp thư điện tử (email), phần lớn học sinh THCS có đăng ký hộp thư điện tử. Hầu hết GV tham gia xây dựng ngân hàng đề kiểm tra học kỳ dùng chung cho toàn huyện. Phong trào giải toán qua mạng cũng lôi cuốn nhiều học sinh tham gia.
Các phần mềm ứng dụng được sử dụng trong công tác lưu trữ, xử lý thông tin, giảng dạy, các phần mềm Kidsmart, Happykid luôn nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các bé ở các trường mầm non. Máy chiếu Projector đều được các trường trang bị phục vụ cho nhu cầu giảng dạy bằng giáo án điện tử.
|
Áp dụng sáng tạo lý thuyết vào thực hành, các hội thi thiết kế và hội giảng bằng giáo án điện tử đã thôi thúc niềm đam mê tìm tòi sáng tạo tin học của đội ngũ giáo viên trẻ và cả những thầy cô sắp rời bục giảng. Website phòng GD – ĐT Đại Lộc ra đời thực sự là kênh thông tin hữu ích của ngành, hỗ trợ cho CB, GV trong việc thực hiện ứng dụng CNTT trong nhà trường, thổi một luồng gió mới vào không khí dạy và học ở các trường một cách chính xác và kịp thời hơn. Một số trang web của các trường học đã ra đời, từng bước hình thành các thư viện học liệu số. Những tín hiệu đáng mừng, điều đó đồng nghĩa việc phát triển ứng dụng CNTT của ngành GD – ĐT Đại Lộc sẽ đứng trước những vận hội mới, thách thức mới, và chắc chắn tiềm năng con người là nhân tố quyết định. Có địa chỉ thông tin, từ đó sẽ có sự kết nối chặt chẽ, hữu cơ giữa lãnh đạo ngành và nhà trường, giữa nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh học sinh… tất cả đều có sự tương tác lẫn nhau, tạo nên một mối quan hệ mang tính khoa học, công khai và logic hơn. Có địa chỉ thông tin, mọi người sẽ có tiếng nói của mình, có mái nhà để trở về, có cho mình niềm hăng say lao động và phát huy khả năng tự học, tự tìm kiếm thông tin.
“Nguồn lực lớn nhất, quý báu nhất của chúng ta là tiềm lực con người Việt Nam, trong đó có tiềm lực trí tuệ” (Cương lĩnh của Đảng). Hơn 30 năm phấn đấu và phát triển, trải qua bao thăng trầm, ngành GD – ĐT Đại Lộc đã có những bước đột phá với các con số đáng kể. Hy vọng rằng giáo dục Đại Lộc sẽ bước tiếp chặng đường của mình khắc phục khó khăn để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho hôm nay và mai sau…
BẢO NGỌC
|