Giáo dục là tạo “cái chất” của con người

Lượt xem:


Trọng tâm của giáo dục là con người. Mục tiêu của giáo dục là để xây dựng một xã hội “đàng hoàng” và một đất nước “to, đẹp”. Đó là hai phần rõ nét nhất của mục tiêu giáo dục.

“Đàng hoàng” là điều kiện cần, gắn với xây dựng bản chất con người, liên quan đến “phần chất” của cái đầu, để con người biết thế nào là sống đúng và có trách nhiệm với nhau. “To, đẹp” là điều kiện đủ, liên quan đến phần đào tạo kỹ năng, tinh luyện cái tay, để mọi cá nhân trong xã hội có khả năng tạo được giá trị ngày càng lớn hơn cho người khác, từ đó khẳng định được giá trị và chỗ đứng của mình trong xã hội.

Như vậy có “đàng hoàng” mới có “to, đẹp”. Nói theo cách khác thì đàng hoàng là điều kiện của đất. Đất có tốt thì cây trái mới to, đẹp, ngon, bán được giá.

 

giaoduc.bmp

Ảnh: Minh Đức

 

Chúng ta thường đặt cái cày trước con trâu, quan tâm tới chuyện làm sao cho to, cho đẹp, mà quên đặt vấn đề là để được to được đẹp thì phải cần cái gì trước. Không những giáo dục, mà từ quy hoạch đô thị, vệ sinh thành phố, đến làm sao để nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế, từ chuyện to đến chuyện nhỏ, chúng ta chưa làm được chuyện gì hoàn chỉnh, chẳng qua là vì còn thiếu cái “cần” cơ bản: đó là điều kiện con người biết cùng sống, cùng làm, cùng chia sẻ trách nhiệm vì cái lợi chung, để từ đó có cái lợi riêng.

Chúng ta nâng trách nhiệm tập thể lên hàng đầu mà quên rằng, nếu cá nhân không có ý thức trách nhiệm thì trách nhiệm tập thể chỉ là cái ô dù để lấp liếm lỗ hổng của trách nhiệm cá nhân.

Đào tạo cái tay là chuyện dễ. Vì cái tay phục vụ tâm lý thực dụng của con người: muốn có khả năng làm được ngay điều hay hơn, đẹp hơn, có giá trị hơn. Đào tạo cái đầu mới là chuyện khó. Khó là vì cái đầu bao giờ cũng thay đổi chậm hơn nhu cầu của xã hội. Chậm là vì cái đầu tự nó có những lực cản, sức ù lì tự nhiên. Đó là chưa kể nếp cũ lâu nay phục vụ lợi ích của một số người, mà những người này – theo lẽ tự nhiên – lại không chấp nhận những rủi ro của đổi thay, mặc dù ai cũng biết đổi thay là định luật tự nhiên, bất biến của vạn vật.

Vấn đề giáo dục sẽ không giải quyết được, nếu chúng ta vẫn còn ngộ nhận giữa giá trị của cái tay và cái đầu.

Không nên nhìn giáo dục qua lăng kính thực dụng là kêu gọi nhiều người tham gia bỏ vốn kinh doanh giáo dục để làm được tốt hơn. Cách làm này có tính thực dụng cho nên chỉ phù hợp cho những mục tiêu thực dụng, có thể cân đo đong đếm, định giá được – đó là sứ mệnh đào tạo cái tay tức kỹ năng. Mà kỹ năng có được từ trường học lại mang thuộc tính hàng hóa cho nên trong việc đào tạo, càng có nhiều nguồn cung thì sản phẩm càng tốt, xã hội càng có cơ hội để lựa chọn ai cung cấp sản phẩm gì tốt nhất cho công việc cụ thể.

Trong khi đó, vấn đề đào tạo “cái chất” con người lại có giá trị trừu tượng, không cân đong đo đếm được, như vậy không thể định giá được. Không có giá thì không thể có thị trường. Không có thị trường thì không thể cổ phần hóa! Có ép uổng thì cũng không thành.

Trước mắt, để xây dựng được một xã hội biết sống đàng hoàng, chúng ta phải đối diện với một sự thật là sách lược giáo dục của ta nay không còn phù hợp với nhu cầu của thời đại.

Chúng ta đang thừa kế một di sản tư duy giáo dục hết sức thực dụng của thời kỳ chiến tranh: người người chỉ cần biết nhìn một hướng, nghe theo một lệnh, làm một việc. Do đó, giáo dục đặt nặng mục tiêu đào tạo con người chính trị với những kỹ năng thực dụng, và tạm thời đặt nhẹ ưu tiên đào tạo con người xã hội đúng nghĩa. Trong môi trường đó, đại học chỉ cần tập trung đào tạo người để làm, chứ không cần phải biết tư duy, đặt vấn đề.

Bộ Giao thông vận tải có Đại học Giao thông vận tải, ngành hàng hải có Đại học Hàng hải, Bộ Bưu chính viễn thông có Đại học Bưu chính viễn thông… Với tài nguyên giới hạn và nhu cầu cấp bách của thời chiến, mục tiêu giáo dục như vậy có thể đã thỏa mãn những nhu cầu ưu tiên, những điều kiện “bất bình thường” của đất nước thời ấy.

Nhưng thời kỳ ấy đã chấm dứt từ hơn 30 năm qua. Nếu chúng ta không “bình thường hóa” giá trị giáo dục để đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của hôm nay thì giáo dục vẫn còn phải tiếp tục chạy đua trên đôi chân khập khiễng. Khập khiễng thì không chạy nhanh được, cũng không khuân vác được gì để cùng nhau xây dựng một đất nước to đẹp hơn, cho ngày nay và ngày mai.

Theo TRƯƠNG CHẤN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần