GS Phạm Minh Hạc góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển giáo dục

Lượt xem:


gs.phamminhhac.bmp

GS Phạm Minh Hạc – Ảnh: T.V.Hà

Cần lấy lại niềm tin của người dân

TT – Với nhiều lần có ý kiến đầy tâm huyết về dự thảo chiến lược phát triển giáo dục (GD) giai đoạn 2008- 2020, cầm trên tay bản dự thảo lần 12, GS Phạm Minh Hạc vẫn còn nhiều băn khoăn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Phạm Minh Hạc cho biết:

– Đây là dự thảo chiến lược phát triển GD giai đoạn 2008-2020, nhưng tôi e rằng với rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh, phải xê dịch thời gian thực hiện chiến lược này đến sau năm 2010. Điều đầu tiên khi xây dựng một chiến lược là phải đánh giá được sát thực điểm xuất phát của chiến lược đó. Nhưng dự thảo lần 12 khi đề cập thực trạng GD vẫn chung chung, dàn trải.

Chiến lược này tiếp nối việc thực hiện chiến lược giai đoạn 2001-2010, vậy phải có sự đánh giá những việc đã làm, những gì còn bất cập, không làm được. Mỗi bậc học có những vấn đề nổi cộm khác nhau, phải được tách bạch, phân tích thấu đáo. Phải xác định được chính xác ta đang đứng ở đâu để kế tục những thành quả và đi tiếp. Với thực trạng GD hiện tại, cần đặt ra được những việc phải giải quyết ngay trước mắt, trước khi xây dựng những mục tiêu lâu dài.

 

* Vậy theo GS, những vấn đề nào cần phải làm ngay như một sự chuẩn bị để bước vào triển khai mục tiêu phát triển GD mới?

– Tôi cho rằng ngành GD cần lấy lại niềm tin của người dân. Bây giờ đang có quá nhiều bất ổn, ở nhiều nơi, những điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng GD còn chưa đạt được, đội ngũ nhà giáo còn một số người chưa đủ tâm, chưa đủ tầm, tiêu cực vẫn tràn lan, niềm tin của người dân vào GD đang lung lay thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện vươn tới đích xa hơn. Nói cụ thể hơn, chiến lược này cần phải giải quyết ngay “các điều kiện đầu vào tối thiểu” của hoạt động dạy học. Đến nay nhiều tỉnh vẫn còn đến 50% phòng học tạm, nhà ở cho giáo viên còn quá thiếu, các trường không có đủ trang thiết bị hỗ trợ dạy học…

Các trường đại học hiện nay đang trong giai đoạn chuyển sang học tín chỉ nhưng giáo trình, tài liệu mới chỉ đáp ứng 50% yêu cầu của phương thức học cũ thì làm sao có thể đổi mới. Vì vậy, một nền GD phải được nhìn nhận thẳng thắn vào những yếu kém, ung nhọt để khắc phục mới có thể khiến người dân có niềm tin, hi vọng.

* Có ý kiến cho rằng chiến lược GD giai đoạn mới lẽ ra nên tập trung vào GD mầm non và phổ thông để xây dựng nền tảng GD nhưng lại chỉ chú ý đến phần ngọn là đại học?

– Đúng vậy, dự thảo chiến lược đang chưa quan tâm thích đáng đến phần gốc – chính là GD cho trẻ em VN từ các bậc học thấp. GD mầm non hiện nay chưa được quan tâm. Đơn cử như tình trạng học sinh bỏ học, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm với việc “tỉ lệ bỏ học giảm dần” (đánh giá của Bộ GD-ĐT). Theo số liệu của Vụ Kế hoạch – tài chính – Bộ GD-ĐT vào tháng 10-2008 báo cáo trong nội bộ ngành, số học sinh bỏ học là 215.163 em, chiếm 1,37%. Nhưng các con số thống kê học sinh bỏ học theo nguồn điều tra khác mà tôi thu thập được cho thấy tỉ lệ học sinh bỏ học hiện tại phải đến 5-6%.

Chất lượng GD phổ thông có nhiều bất ổn từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, mục đích GD, học sinh bị nhồi nhét kiến thức, trong khi việc GD nhân cách, GD kỹ năng sống bị xem nhẹ… Với thực trạng này, tôi cho rằng chiến lược GD cần nhấn mạnh vào lĩnh vực GD ở các bậc học dưới, bắt đầu từ mầm non.

Nếu điều chỉnh mục đích GD ở phổ thông, cần xem xét vấn đề chương trình GD, đào tạo giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, quản lý GD trong các nhà trường. Chúng ta đang tập trung vào việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế, lo mở thêm nhiều trường đại học, nhưng một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay đang bị lệch lạc nhân cách ngay ở các bậc học dưới, thiếu những kiến thức đời sống căn bản nhất lại không lo.

hocsinhcn.bmp
Học sinh chuyên nghiệp ở VN chỉ chiếm 14% tổng số học sinh
 trung học, trong khi tỉ lệ này ở các nước phát triển là 45%.
Chiến lược phát triển giáo dục phải thay đổi tỉ lệ này.
Trong ảnh: giờ công nghệở lớp 12A2
Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.11, TP.HCM –
Ảnh: N.Hùng

 

* Nhìn vào dự thảo chiến lược phát triển GD mới nhất, có nhiều mục tiêu đặt ra rất lớn mà nếu thực hiện được GD VN sẽ thật sự bứt phá. GS có bình luận gì về điều này?

– Nhìn vào các mục tiêu đó, tôi thấy bản dự thảo chiến lược quá lãng mạn. Lãng mạn vì nó khó thực hiện và chưa biết bằng cách nào để thực hiện được nó. Ví dụ như vấn đề dạy ngoại ngữ, dự thảo chiến lược nêu “học sinh tiểu học được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3 và 70% số này đạt mức độ 1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế vào năm 2020”. Để thực hiện, phải cần đến một đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh khổng lồ, liệu chúng ta có thể đào tạo kịp không, chưa kể để đạt chất lượng, phải giảm sĩ số học sinh/lớp, giãn thời gian học (hai buổi/ngày), đầu tư cơ sở vật chất…

Về vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên, dự thảo chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% giảng viên trường cao đẳng đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 15% là tiến sĩ, 100% giảng viên trường đại học đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó 30% là tiến sĩ. Nhưng ở thời điểm này, thử xem số giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là bao nhiêu? Có những trường đại học chỉ có vẻn vẹn một tiến sĩ.

Mục tiêu có ít nhất năm trường đại học VN được xếp trong top 50 trường đại học khu vực ASEAN và hai trường trong top 200 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020 cũng là một mục tiêu lãng mạn. Tôi nói thế bởi nhìn ra nước Nga, chúng ta cũng biết đại học của họ thế nào, nhưng nay chỉ có 1-2 trường được xếp trong top 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Hàn Quốc xác định phải 50 năm nữa mới có trường đại học đứng được vào top đầu trường đại học thế giới…

Để tính khả thi cao, việc xây dựng mục tiêu phải hợp lý, không viển vông, không chạy theo thành tích.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện