Học sinh bỏ học vì học yếu kém chiếm tỉ lệ cao

Lượt xem:


TTO – Bộ GD-ĐT vừa có thống kê mới nhất về số học sinh (HS) bỏ học trong học kỳ 1 năm học 2008- 2009. Theo đó, có trên 86.000 HS bỏ học tính đến hết tháng 12-2008, chiếm 0,56% trong tổng số học sinh trên toàn quốc (số HS bỏ học cùng kỳ năm trước là trên 147.000 HS, chiếm 0,94%). Bậc THPT có tỉ lệ HS bỏ học cao hơn các bậc học khác, chiếm 1,29%.

Theo đó, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có HS bỏ học nhiều nhất với tỉ lệ 0,87%, 0,96% và 0,88%. Tuy nhận định của Bộ GD-ĐT là tình trạng HS bỏ học đã giảm sau những nỗ lực khắc phục trong một năm qua. Nhưng một số tỉnh có số HS bỏ học vẫn dừng ở mức cao, như Bắc Cạn (0,84%), Yên Bái (0,97%), Kon Tum 0,97%), Gia Lai (0,81%), Vĩnh Long, Đồng Tháp (0,63%)… Đặc biệt, Kon Tum có gần 4% HS bậc THPT bỏ học, tương tự Đắc Lắc có gần 3%, Hậu Giang 2,74%…

Trong năm nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học còn nhiều ở một số vùng, miền, nguyên nhân HS có học lực kém, không theo kịp chương trình dẫn đến chán học và bỏ học chiếm tỉ lệ cao nhất, với khoảng 33.000 HS (38,03%). Phân tích này cũng trùng hợp với phân tích nguyên nhân HS bỏ học của năm học trước. HS bỏ học do gia đình có hoàn cảnh khó khăn khoảng trên 26.000, chiếm 30,36%…

Ông Nguyễn Vinh Hiển – thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian tới, ngành GD-ĐT các địa phương cần làm tốt hơn việc rà soát, phân loại học lực của HS, lựa chọn giáo viên phụ trách các lớp bồi dưỡng HS yếu, kém. Những HS không có khả năng theo kịp chương trình phổ thông cần được chuyển sang học tập tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Đồng thời, phải phân luồng mạnh mẽ hơn, tăng cường tiếp nhận HS hoàn thành chương trình THCS, THPT vào các trường nghề, TCCN.

TRỊNH VĨNH HÀ