Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT”

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Sáng nay (11/9), Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT” đã diễn ra tại Hà Nội. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có 451 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN, TTGDTX, dạy nghề… của các tỉnh, thành tại 6 điểm cầu trên cả nước.

Mục tiêu của việc phân luồng là gì? Làm thế nào để cơ cấu học  tập phù hợp với nhu cầu xã hội? Thực tế việc lựa chọn vào các ngành học ở địa phương như thế nào và tổ chức cơ sở làm sao để việc lựa chọn đó có hiệu quả hơn? Các chính sách hỗ trợ người học cụ thể để tăng hiệu quả công tác phân luồng sau THCS và THPT? Đó là các vấn đề Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu phải làm rõ trong Hội nghị này.

 hoi thao 1.jpg

Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành

Thực tế cho thấy, học sinh tốt nghiệp THPT thường tham dự thi ĐH, CĐ, nếu không đỗ những trường này mới chuyển sang học nghề, học TCCN. Năm học 2006 – 2007, cả nước có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở đào tạo nghề. Con số này năm học 2007 – 2008 là 156.000 em. Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp lên tới gần 400.000 học sinh hàng năm. Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong 2 năm học 2006 – 2007 và 2007 – 2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tương ứng là 69% và 70,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp (Năm 2007 – 2008 tỷ lệ vào học nghề chỉ chiếm 2,5%, học TCCN chiếm 1,8%.) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học trong 2 năm học 2006 – 2007, 2007 – 2008 tương ứng là 19,1% và 17,5%.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn; thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; những yếu kém trong công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng của học sinh; chương trình đào tạo trong trường TCCN và khả năng liên thông hạn chế từ TCCN lên ĐH và CĐ; ảnh hưởng của cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học, hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học phát triển không kịp quy mô tăng quá nhanh của các trường THPT; sự bất cập về tính thống nhất giữa trình độ trung cấp nghề và TCCN; thiếu chính sách khuyến khích đối với các học sinh, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS.

Để giải quyết những tồn tại trên, Bộ GD&ĐT đã đưa ra các phương hướng, giải pháp nhằm đạt mục tiêu phải thu hút được 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề từ năm 2010 đến 2020.

 hoi thao 2.jpg

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân
 phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh:N.N

Các giải pháp được đưa ra là: Tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với học nghề; đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông thể hiện cụ thể ở việc đào tạo và tuyển dụng cán bộ, đổi mới chương trình, phát triển mô hình dạy chữ, dạy nghề kết hợp; đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn; tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay, có 18% học sinh tốt nghiệp THCS không học gì tiếp theo. Con số này ở cấp THPT là 17%. Như vậy, cơ cấu lao động trong độ tuổi 20 của nước ta hiện nay có 31% vào học ĐH, CĐ, 32% học nghề, phần còn lại hơn 34% là không học gì.

Sau khi tổng hợp báo cáo tham luận của đại diện tại 6 điểm cầu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp chỉ đạo, đó là: Phải tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí của giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh  công tác hướng nghiệp, cụ thể là rà soát chương trình hướng nghiệp, nâng cao trình độ giáo viên, tăng cường vai trò của doanh nghiệp…; Có các giải pháp đối với cơ sở đào tạo nghề theo hướng sát nhập các cơ sở (Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và TTGDTX, TT dạy nghề) với vai trò chủ động của địa phương; Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu và hướng tới đào tạo có địa chỉ, tăng cường đào tạo theo đặt hàng; Tạo cơ hội việc làm cho người học; thực hiện chính sách ưu đãi tối đa cho học sinh học nghề, học TCCN; Có dự báo về nhu cầu xã hội trong đào tạo nghề từ đó tăng quy mô và có cơ cấu hợp lý.

Hiếu Nguyễn