KĐCL là đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động đào tạo

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Luật hóa Kiểm định chất lượng đào tạo là điều hết sức cần thiết, có kiểm định thì mới đánh giá khách quan được cơ sở đào tạo nào hoạt động hiệu quả và chất lượng. Chính vì lẽ đó, Dự thảo Luật GDĐH sau khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều khẳng định cần qui định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học là bắt buộc chứ không phải tự nguyện cũng như đề nghị qui định rõ việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục trong quản lý nhà nước. 

Thực tế cho thấy, chỉ khi tính tự chủ của các trường cao thì kiểm định chất lượng giáo dục trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục. Và cũng cần hiểu rằng, kiểm định chất lượng cũng chính là công cụ kiểm soát hoạt động tự chủ của các trường đó. Nếu tự chủ, không được đánh giá khách quan thông qua hoạt động kiểm định thì khó có thể biết tự chủ đó có đem lại giá trị tích cực hay không. Do vậy, cần phải coi các hoạt động kiểm định chất lượng như là một trong những cơ chế thúc đẩy sự tiến bộ của nhà trường. Vì chỉ khi kiểm định chất lượng với đúng nghĩa của nó và được thực hiện với một bộ tiêu chí khắt khe theo đúng chuẩn mực thì mới đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo của nhà trường đúng như những cam kết về chất lượng và sẵn sàng chịu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

(ảnh MH: Internet)

Chính vì lẽ đó, từ năm 2004, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường đại học. Tiếp sau đó, năm 2007 đã điều chỉnh lại thành bộ tiêu chuẩn có 61 tiêu chí bao quát toàn bộ các hoạt động của các học viện, trường đại học. Sau này, Bộ GD&ĐT ban hành thêm một số bộ tiêu chuẩn để kiểm định các chương trình giáo dục đại học. Cùng với lộ trình của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn từ 2004 đến nay đã có 200 trường đại học và cao đẳng, 100 chương trình đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 40 trường đại học và 4 chương trình đã được thí điểm đánh giá ngoài. Kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài cho thấy các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng của chúng ta có độ tin cậy cao. 

Tuy nhiên đến nay, việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, được coi là những công việc xem ra còn mới đối với nhiều cơ sở đào tạo. Các hoạt động kiểm định mới chỉ có ở các trường đại học và số ít các trường cao đẳng, chứ chưa triển khai rộng rãi trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Nhưng một thực tế đã mặc nhiên được thừa nhận ở các đại học có uy tín xã hội cao là các hoạt động kiểm định này đã đem lại những giá trị tích cực, nhiều cơ sở đào tạo đã tự nhận thấy kiểm định chất lượng là điều không thể thiếu khi muốn khẳng định thương hiệu, uy tín của mình. Và việc này đã được khẳng định tại (Điều 50): Mục tiêu của kiểm định chất lượng GDĐH là xác nhận mức độ cơ sở GDĐH hoặc chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong từng giai đoạn nhất định để làm căn cứ để cơ sở GDĐH giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở GDĐH, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực 

Chính vì lẽ đó,  liên quan đến các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, nhằm đảm bảo các yêu cầu kiểm định, Dự thảo Luật cũng đã đưa ra những qui định cụ thể, như ở Điều 51 dự thảo 3: Một tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm công khai các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; công khai kết quả kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định chất lượng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền 

Thêm nữa, trong quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, Điều 49 cũng quy định rõ, theo đó: cơ sở GDĐH xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng GDĐH; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT công nhận để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở GDĐH. Kiểm định chất lượng cần phải dựa trên nền đảm bảo chất lượng vững chắc. Cơ sở GDĐH có trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, của cơ sở GDĐH và  phương tiện thông tin đại chúng khác. Kết quả kiểm định chất lượng GDĐH được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH; phân tầng cơ sở GDĐH; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH (Điều 52).

Thiết nghĩ, công khai, minh bạch trong hoạt động GD&ĐT là việc làm cấp thiết, và để thực hiện điều này thì kết quả kiểm định chất lượng là thông tin quan trọng, hết sức cần thiết để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và sự lựa chọn của người học. Luật hóa các hoạt động tổ chức và kiểm định GDĐH là điều xã hội và người học mong đợi.

PGS.TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ)

TS. Phan Huy Hùng (Giám đốc Trung Tâm Kiểm Định Chất Lượng & Khảo Thí, ĐHCT)