Năm học 2010-2011: Năm học của những thành tựu mới
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Năm học 2010-2011 với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD” – diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đảng, Nhà nước và xã hội tiếp tục dành sự quan tâm lớn đối với ngành GD.
Ngành GD đã nỗ lực phát huy những thành tựu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Đây là năm học mà ngành GD đã xây dựng, trình và ban hành nhiều văn bản quan trọng – những văn bản đã và sẽ có tác động sâu sắc tới việc nâng cao chất lượng GD-ĐT Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây cũng là năm học mà các cuộc vận động và thi đua của ngành có sự thành công rực rỡ với hiệu quả rõ rệt trong từng cấp học. Công tác đổi mới quản lý GD được triển khai một cách dân chủ, nhận được sự đồng thuận của các cơ sở GD và xã hội. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD toàn diện đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Quy mô của các cấp học, các loại hình học tập đều tăng…
* Tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, là giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy đổi mới toàn ngành GD&ĐT. Các cấp quản lý GD từ Trung ương đến địa phương đã tích cực nghiên cứu thảo luận, góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý về GD. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ kí, ban hành Nghị định quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD, theo hướng tăng cường phân cấp quản lí GD; tăng quyền tự chủ của các cơ sở GD.
Thực hiện quy định về công khai đối với các cơ sở GD theo Thông tư của Bộ GDĐT, các Sở đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường công khai các nội dung, chấn chỉnh việc công khai các khoản thu, chi, đồng thời đã tiến hành kiểm tra.
Thực hiện việc chuyển đổi loại hình trường mầm non, phổ thông, hầu hết các UBND tỉnh/ thành phố đã phê duyệt Đề án chuyển đổi loại hình trường theo Thông tư của Bộ GDĐT. Đặc biệt việc chuyển đổi loại hình cơ sở GDMN đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Trong năm học, các tỉnh, thành phố chuyển đổi 2.213 trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập.
Bộ máy thanh tra GD các cấp tiếp tục được kiện toàn. Trong năm qua, Bộ tổ chức 16 lượt thanh tra chuyên ngành và kiểm tra việc thực hiện các cuộc vận động và tổ chức các đoàn thanh tra kỳ thi tại các Sở GD&ĐT. Tổ chức thanh tra công tác quản lý sử dụng VBCC, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ – tin học tại 6 Sở GD-ĐT,…
Công tác pháp chế của Bộ đã tập trung vào việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ưu tiên các văn bản thực hiện Luật GD, các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, các văn bản quy định và hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh công tác quản lý GD từ cấp Trung ương đến địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD, nối mạng Internet tới tất cả các trường học ở những nơi có điện. Hệ thống website thông tin GD được duy trì; Bộ tiếp tục chỉ đạo và triển khai các phần mềm quản lý GD đến các cơ sở GD;…
Về công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của ngành, Bộ GD-ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền tổ chức ký chương trình phối hợp công tác chỉ đạo, tuyên truyền về GD&ĐT, đưa thông tin rộng rãi tới toàn xã hội về các chủ trương, định hướng, chỉ đạo của ngành, về các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, biểu dương các gương tập thể, cá nhân, việc làm tốt.
Công tác thi đua khen thưởng của ngành đã đi vào nền nếp. Cụm thi đua theo vùng miền tiếp tục triển khai có hiệu quả. Toàn Ngành tích cực hưởng ứng phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
* Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD
– Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh, trọng tâm là làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành. Các cấp học đều thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung GD tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh các môn học chính khoá và các hoạt động GD theo tài liệu hướng dẫn của Bộ. Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành suy nghĩ, việc làm, thước đo phấn đấu của nhà giáo và cán bộ quản lý GD.
– Việc thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD” tiếp tục đạt được những kết quả cụ thể, tạo ra những động lực to lớn trong dạy và học, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các cơ sở GD đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng HS ngồi sai lớp, giảm tỷ lệ HS yếu kém và HS bỏ học; đổi mới việc ra đề thi và đề kiểm tra; bồi dưỡng HS khá, giỏi được tăng cường.
– Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” được triển khai sáng tạo trong các hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ sở GD. Các Sở GDĐT đã chủ động phối hợp với ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội khuyến học xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo các nhà trường triển khai thực hiện 5 nội dung, đã tạo được sự quan tâm của toàn xã hội với sự nghiệp GD&ĐT, tạo chuyển biến sâu rộng có hiệu quả thiết thực, cảnh quan sư phạm các trường học được cải thiện, đặc biệt vai trò tích cực của HS trong học tập, rèn luyện được phát huy.
Về thực hiện cuộc vận động “3 đủ”: GV và HS trong toàn ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã quyên góp tiền, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng giúp đỡ các HS có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, có đủ điều kiện cần thiết để đi học chuyên cần. Các cơ sở GD vùng thuận lợi đã nhận kết nghĩa, đỡ đầu những trường khó khăn, góp phần tạo nên tình đoàn kết, thân thiện, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần giữa các đơn vị trường học.
Về công tác phổ cập GD và chống mù chữ, đã có 57 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi. Đến hết năm 2010, đã có 63 tỉnh/ thành phố đạt chuẩn phổ cập GD THCS. Đã có 52 tỉnh/ thành phố tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập GDTHCS. Các địa phương đều quan tâm củng cố và duy trì kết quả phổ cập GD THCS đã đạt được, từng bước nâng chất lượng đảm bảo phổ cập bền vững. Năm học qua, nhiều địa phương đã huy động được hàng ngàn người ra lớp học Xóa mù chữ và GD tiếp tục sau khi biết chữ.
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiếp tục phát triển. Toàn quốc có 295 trường PTDTNT (tăng 01 trường so với năm học trước) với khoảng 70.000 HS được hưởng học bổng chính sách. Chất lượng dạy và học ở các tỉnh miền núi và dân tộc ngày càng được cải thiện. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 của các trường PTDTNT toàn quốc đạt 96,8%, tăng so với năm học trước là 3,78%.
Các chính sách hỗ trợ HS dân tộc rất ít người, HS trường phổ thông dân tộc bán trú của Trung ương và của các địa phương đã góp phần nâng cao tỷ lệ HS DTTS đi học, đảm bảo sĩ số, giảm tỷ lệ HS bỏ học. Hầu hết HS THCS và THPT được tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông.
Với công tác GD quốc phòng an ninh, Bộ đã tổ chức tổng kết công tác GDQP-AN giai đoạn 2001-2010. Đến nay đã có 86% trường THPT tổ chức dạy theo phân phối chương trình, số còn lại kết hợp giữa hình thức dạy tập trung và dạy theo phân phối chương trình. 100% HS các trường TCCN đã được học GDQP-AN.
Công tác GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được tăng cường quan tâm và chỉ đạo. Đưa vào ứng dụng đại trà bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép GD kỹ năng sống cho HS các cấp học.
Bộ đã ban hành Chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến mang nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với HSSV. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng và Cuộc vận động “HS, SV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”, trong đó hướng dẫn triển khai GD “Văn hóa giao thông”. Tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma tuý năm 2011.
Công tác kiểm định chất lượng GD đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Bộ đã ban hành Thông tư Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GD trường mầm non.
Năm học 2010-2011, tổng số trường thực hiện tự đánh giá là 19.687 (đạt tỷ lệ 70,4%); Tổng số trường TCCN đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá là 83/272 trường (đạt tỷ lệ 30 %). Có 50 trường TCCN thành lập đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng.
Chuẩn bị cho năm 2012, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, Bộ GDĐT đã tổ chức kỳ khảo sát thử nghiệm năm 2011 đối với đối tượng HS 15 tuổi tại 9 tỉnh, thành phố với 40 trường và 1348 HS tham gia.
* Thực hiện nhiệm vụ của các cấp học, ngành học
Đối với GDMN , là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Đến nay đã có 56/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ được nâng cao. Các trường đều chú ý đến vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS.
Chương trình GDMN mới (năm thứ 2) đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, được thực hiện ở 11.480 trường, đạt tỷ lệ 88% (tăng 34,1%), với 132.242 nhóm, lớp, đạt tỷ lệ 74,2% (tăng 30,5%); trong đó trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày là 1.043.52, đạt tỷ lệ: 78,4% (tăng 33,6%).
Đối với GD phổ thông, trong năm học 2010 – 2011, Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ra đề kiểm tra theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, bao quát chương trình, đánh giá phân hóa trình độ HS; tăng cường triển khai dạy kĩ năng sống cho HS. Chất lượng GD các môn Toán, Tiếng Việt của GD tiểu học tăng lên, môn Tiếng Việt, xếp loại giỏi 47,6% (tăng 2,8%), loại yếu 1,7% (giảm 0,4%); môn Toán, loại giỏi 59% (tăng 8,4%), loại yếu 3,6% (giảm 1,3%). Triển khai dạy và học thí điểm chương trình Tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học tại 20 tỉnh, 92 trường tiểu học, cho 13.000 HS. Gần 50% HS tiểu học và một bộ phận HS THCS, THPT đã được học 2 buổi/ ngày. Triển khai bàn giao chất lượng HS từ lớp dưới lên lớp trên ở Tiểu học và từ Tiểu học lên THCS để chấm dứt tình trạng HS ngồi sai lớp.
Triển khai Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”, Bộ đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 300 GV dạy các môn chuyên. Các tỉnh xây dựng đề án củng cố phát triển trường THPT chuyên theo hướng đủ diện tích sử dụng, đủ lớp và các phòng chức năng đạt tiêu chuẩn. Nhiều tỉnh đã phê duyệt đề án xây mới hoặc mở rộng trường chuyên.
Đối với GDTX, số lượng cơ sở GDTX tăng nhanh. Đặc biệt, số trung tâm HTCĐ tạo nhiều cơ hội học tập, học suốt đời góp phần xây dựng XHHT. Toàn ngành tích cực chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”; xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020”.
Đối với GD chuyên nghiệp, thực hiện chủ trương phân luồng HS sau THCS, đã có 25.657 HS tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN chiếm 8,2% của tổng số nhập học; số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT được tuyển vào học TCCN là 20.875 HS, chiếm 6,6% của tổng số nhập học.
Các Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường TCCN xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đã có trên 90% số trường TCCN công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo.
* Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD
Tính đến năm học 2010-2011, tỷ lệ trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn của đội ngũ nhà giáo tiếp tục tăng so với năm học trước. Cụ thể: Tỷ lệ đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên của GV nhà trẻ là 89,74%, GV mẫu giáo là 96,03%; tiểu học 99,46%; THCS 96,48%; THPT 99,14%. Tỷ lệ GV đạt trên chuẩn đào tạo đói với mầm non 32,9%; TH 61,3%; THCS 46,2%; THPT 6,93%.
Đối với GD chuyên nghiệp, hiện có 2,67% GV TCCN có trình độ tiến sĩ, 21,21% có trình độ thạc sĩ; 2,48% giảng viên CĐ có trình độ tiến sĩ, 31,79% có trình độ thạc sĩ; 14,4% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ, 44,88% có trình độ thạc sĩ.
Bộ đã hoàn thành xây dựng Đề án quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Các địa phương đã tổ chức thực hiện khá tốt chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo. Nhiều tỉnh ban hành chính sách địa phương đối với GV mầm non ngoài biên chế, chính sách đối với GV dạy trường chuyên, trường chất lượng cao.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách với nhà giáo và cán bộ quản lý GD công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vừa ban hành Nghị định quyết định về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
* Thực hiện đổi mới tài chính GD
Liên Bộ GD&ĐT, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở GD công lập thuộc hệ thống GD quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015. Đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành quy định mức thu học phí mới, các tỉnh còn lại đang trình Hội đồng nhân dân thông qua trong thời gian tới.
Bộ đã chỉ đạo ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ, phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chi cho GD dân tộc, GD ở các xã miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với GV, nhất là GV mầm non, GV dạy ở các xã đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt. Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HS, SV thuộc các đối tượng chính sách theo Nghị định của Chính phủ.
* Phát triển mạng lưới trường, lớp học và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị GD, đồ chơi trẻ em
So với năm học trước, quy mô phát triển trường lớp năm học 2010-2011 của các cấp học, loại hình học đều tăng. Các trường TCCN được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương đã thu được kết quả cao.
Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ GV giai đoạn 2008-2012 đã được các địa phương triển khai tích cực và có nhiều sáng tạo. Tổng số nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án năm 2010 là 6.635,885 tỷ đồng.
Tiếp tục bổ sung thiết bị dạy học phục vụ theo yêu cầu, với 26,27 triệu sản phẩm thiết bị được cung ứng đến các địa phương. Toàn quốc có khoảng 90% phòng học, 66% phòng bộ môn và 71% phòng thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học…
Việc huy động các nguồn lực phục vụ phát triển GD luôn được Bộ GD-ĐT quan tâm và đã đạt hiệu quả cao. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực GDĐT, tranh thủ hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập với GD quốc tế. Đổi mới hoạt động của các Ban quản lý dự án ODA nhằm tăng cường gắn kết hoạt động của các dự án với việc triển khai các nhiệm vụ của ngành.
GD&TĐ |