Ngành GD&ĐT Đại Lộc gian nan sau bão lũ
Lượt xem:
Bão số 9 đang còn ở ngoài khơi, mưa đã xối xả suốt hai ngày liền, nước từ thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn dồn dập đổ về. Nước lụt lên nhanh. Sáng ngày 29.9.2009, người dân Đại Lộc vừa phải chống chọi với gió bão cấp 10 vừa phải đối phó với nước lụt dâng lên ở mức xấp xỉ báo động 3. Và khi bão dịu bớt đi vào chiều tối cũng là lúc nước lên nhanh. Trên các phương tiện thông tin người ta gọi đây là trận lụt lịch sử, còn người dân Đại Lộc bảo đây là cơn lụt “bất quá”. Bất quá tới ngực, bất quá lút đầu, bất quá tới gác lửng… Qua nhiều lần “bất quá”, cuối cùng nhiều nơi nước ngập sâu đến trên 4m. Nước ngập đến nóc nhà, nước ngập cả tầng 2 (ở Hà Tân, xã Đại Lãnh). Cả huyện ngập chìm trong biển nước. Mãi đến gần sáng ngày 30.9.2009 nước mới chịu rút dần.
Sau cơn bão lũ, con số thống kê ban đầu về thiệt hại tăng lên hàng giờ đến chóng mặt. Trong lịch sử hàng trăm năm qua, ở Đại Lộc chưa bao giờ có một trận lụt lớn như thế và thiệt hại lớn như thế. Bảy người chết, hàng chục người bị thương, gia súc, gia cầm bị chết, bị trôi gần hết. Lương thực mới vừa thu hoạch về và số tích trữ cho cả sáu tháng ăn chờ vụ Đông Xuân tới cũng bị ngập, bị trôi gần hết. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc đều bị ách tắt do đường hư, cầu sụp, cột điện, điện thoại gãy đổ ngổn ngang. .. Cùng với nhân dân trong huyện, ngành giáo dục huyện Đại Lộc cũng chịu những tổn thất rất to lớn. 58/61 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở với gần 200 điểm trường bị ngập sâu trong nước, nhiều trường bị ngập đến trên 3m nước. Con số thống kê ban đầu về thiệt hại của ngành giáo dục Đại Lộc cũng rất lớn: Tổng thiệt hại ước tính hơn 6,4 tỉ đồng. Cảnh quang trường học bị tàn phá đến tiêu điều. Phòng học, công trình vệ sinh, nhà xe bị sụp, tốc mái; tường rào, cây cối bị ngã đổ, bồn hoa cây cảnh bị xóa trắng. Lượng rơm rạ, bùn đất bồi lấp trong các phòng học và trên sân trường, nhiều nơi bề dày lên đến 0,4 – 0,6m, nơi ít nhất cũng cỡ 0,2m. Nhẩm tính sơ bộ ở mỗi trường lượng bùn đất cũng lên đến hàng ngàn mét khối. Phần lớn thiết bị dạy học trang bị cho các phòng bộ môn, tủ thiết bị cho các lớp tiểu học, bếp ăn và đồ dùng bán trú của học sinh, bàn ghế bị trôi, bị ngập hư hỏng ở rất nhiều trường và khoảng gần 15.000 học sinh không còn sách vở để học. Sau bão lụt, ngành Giáo dục huyện Đại Lộc đứng trước vô vàn nỗi lo: Trước mắt là sớm ổn định việc dạy học, sửa chữa những công trình thiết yếu bị hư hỏng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, tìm nguồn để giúp đỡ học sinh có sách vở học tập… Mấy ngày qua, ngay sau khi nước rút các trường học trên địa bàn huyện đã tập trung vào việc khắc phục hậu quả thiên tai. Trước hết là dọn dẹp bùn đất trong phòng học và trên sân trường để sớm ổn định tổ chức dạy học trở lại. Các thầy giáo, cô giáo thay vì cầm phấn, cầm bút, công cụ lao động của họ trong những ngày này là cuốc, cào, là máy bơm nước. Một số nơi, phụ huynh học sinh, thấy thầy cô giáo quá vất vả đã bỏ cả việc nhà mình để đến trường cùng giúp các thầy cô dọn dẹp nơi học cho các cháu. Thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu của ngành giáo dục huyện, lãnh đạo huyện Đại Lộc chỉ đạo ưu tiên nhân lực giúp ngành Giáo dục trong việc ổn định trường sở để nhanh chóng dạy học trở lại càng sớm càng tốt. Đến nay, đã có hơn 300 bộ đội do Quân khu 5 và Tỉnh cử về giúp khắc phục hậu quả bão lụt, lãnh đạo huyện đã tập trung hết lực lượng vào việc giúp các trường Mầm non và Tiểu học. Sự giúp đỡ này là rất kịp thời và rất có hiệu quả. Hàng chục ngàn mét khối bùn đất đã được dọn sạch ở 10 trường TH và MN có thể tổ chức dạy học ngay vào thứ hai tuần tới (05.10.2009). Nhưng còn hơn 40 trường học nữa, các thầy, cô giáo cũng chỉ đủ sức để lau chùi bàn ghế, dọn bùn đất trong phòng học, hành lang và các lối đi. Sân trường vẫn còn ngổn ngang bùn đất, không biết đến khi nào mới trở lại được vẻ đẹp của những ngày trước bão, lụt. Trước mắt, còn khá bộn bề, nhưng toàn ngành giáo dục huyện Đại Lộc đang thể hiện một quyết tâm: Dù khó khăn đến mấy cũng phải sớm ổn định việc dạy học ngay vào đầu tuần tới. Hoàng Kim
|