Nhiều chính sách phát triển GD mầm non

Lượt xem:


(GD&TĐ)-Năm 2011 đánh dấu sự quan tâm đặc biệt đối với cấp học mầm non thông qua việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh cấp học này.

Ngày 15/7/2011, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, trẻ mầm non cả trường công lập và ngoài công lập được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/cháu; thời gian cấp tối đa 9 tháng/năm học.

Đối tượng trẻ được hỗ trợ bao gồm: Trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo văn bản quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 45/2011/QĐ-TTg  quy định việc hỗ trợ một phần kinh phí cho người đã có thời gian làm giáo viên mầm non trước năm 1995 đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định.

Đối tượng áp dụng là người đã có thời gian làm giáo viên mầm non trước năm 1995 tại các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc các loại hình công lập, dân lập và bán công chưa chuyển đổi.

Các đối tượng trên sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH tự nguyện nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Đã có thời gian công tác trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995, liền sau đó được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non; Khi nghỉ việc có đủ tuổi đời theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật BHXH (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) và có từ đủ 15 đến dưới 20 năm đóng BHXH; Chưa nhận chế độ BHXH 1 lần, cam kết tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của Luật BHXH.

Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí bằng 13% tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm đối tượng được hưởng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.

Thời gian được Nhà nước hỗ trợ kinh phí là số tháng thực tế làm giáo viên mầm non trước ngày 1/1/1995 của người được hỗ trợ nhưng tối đa không quá 60 tháng.

Ngày 26/10/2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015, bao gồm chính sách đối với trẻ em, chính sách đối với giáo viên, chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non…

Theo số liệu Bộ GD&ĐT cung cấp, trong năm học 2011-2012, cả nước có 12.976 trường mầm non, tăng 265 trường so với năm học trước. Trong đó, trường công lập: 9.742 trường, chiếm tỷ lệ 75,1%; trường ngoài công lập: 3.234 trường, chiếm tỷ lệ 24,9%. Tổng số phòng học cho giáo dục mầm non là 138.843, trong đó có 65.629 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 48%). Trong năm học 2010 -2011, cả nước đã xây dựng mới 10.746 phòng học, 3.684 công trình nước sạch và 10.202 bệ, hố vệ sinh.

Hiện nay, chủ yếu là giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (tức ngoài biên chế) trong các trường mầm non công lập, bán công và tư thục. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, cả nước hiÖn có 196.639 giáo viên mầm non, trong đó: (trong biên chế 84.606 giáo viên, ngoài biên chế 112.033 giáo viên). Trên cả nước còn thiếu 22.811 giáo viên.

Số giáo viên ngoài biên chế hiện nay đã được các địa phương hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, được tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thực tế mức thu nhập của giáo viên ngoài biên chế hiện nay rất khác nhau đối với từng tỉnh. Trong năm 2010, bình quân thu nhập của giáo viên ngoài biên chế thấp nhất là 1.192.000đ/ tháng, cao nhất là 2.566.000đ/tháng. Tuy nhiên, có một số huyện thuộc một số tỉnh có mức thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp như Bình Định, Phú Yên: 540.000đ, Hà Nam 800.000đ, Thanh Hóa từ 500.000đ – 800.000đ/tháng.

PV