Nhiều trường hợp GV thỉnh giảng không cần chứng chỉ nghiệp vụ SP
Lượt xem:
(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo quy định về thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục.
Văn bản này quy định về chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: tiêu chuẩn, hạn mức tiết dạy, giờ giảng dạy, đối với nhà giáo thỉnh giảng, hợp đồng thỉnh giảng, trách nhiệm và quyền của nhà giáo thỉnh giảng, trách nhiệm và quyền của cơ sở giáo dục trong việc mời nhà giáo thỉnh giảng, trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức có nhà giáo thỉnh giảng. Theo đó, đối với trường hợp giảng dạy các môn học, các chuyên đề được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và nghề nghiệp, chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, một số trường hợp nhà giáo thỉnh giảng không nhất thiết phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Cụ thể: Được Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; có thành tích khoa học đặc biệt xuất sắc được đánh giá cao, được trao tặng giải thưởng lớn ở nước ngoài; được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước; được tặng thưởng Huân chương, Bằng khen về thành tích giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; được trao giải thưởng toàn quốc về thành tích giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đã tham gia giảng dạy ở cùng cấp học, trình độ đào tạo ít nhất 3 năm trước ngày thông tư này có hiệu lực. Để hướng dẫn và chấm luận văn tốt nghiệp, tham gia xây dựng và phát triển ngành học, chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu giảng dạy, nhà giáo thỉnh giảng phải có công trình khoa học phù hợp với ngành nghề thỉnh giảng. Tổng số giờ thỉnh giảng trong một năm học của một nhà giáo thỉnh giảng không vượt quá tổng định mức giờ giảng dạy và giờ dạy thêm theo quy định đối với nhà giáo cơ hữu thực hiện cùng nhiệm vụ. Nhà giáo thỉnh giảng được hưởng tiền công, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng; được tham gia sinh hoạt chuyên môn, được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục mời giảng dạy; được cơ sở giáo dục mời giảng dạy cung cấp, hỗ trợ tài liệu, trang thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết, xác nhận hồ sơ đánh giá, xếp loại, xét các danh hiệu, các chức danh, khen thưởng nếu có thành tích trong hoạt động giáo dục, đào tạo của cơ sở giáo dục.
Văn bản này không áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài đến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.
Lập Phương |