Rèn luyện nhân cách để giải quyết tốt các tình huống sư phạm
Lượt xem:
(GD&TĐ)-Giải quyết tình huống sư phạm là một khía cạnh nghề nghiệp được xem là khó khăn đối với nhiều giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ. Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Đào Thị Oanh – Viện Nghiên cứu Sư phạm – ĐHSP Hà Nội cho rằng, nếu giáo viên chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ thì chưa đủ để giải quyết tốt tình huống sư phạm, bởi nghề dạy học không chỉ đòi hỏi ở giáo viên những kiến thức khoa học mà còn yêu cầu ở họ những phẩm chất nhân cách đặc thù, từ đó cho rằng, rèn luyện năng lực giải quyết tình huống sư phạm là rèn luyện toàn bộ nhân cách.
PV. Vì sao năng lực giải quyết tình huống sư phạm của giáo viên lại liên quan chặt chẽ đến việc rèn luyện các phẩm chất nhân cách thưa PGS? PGS.TS. Đào Thị Oanh: Năng lực giải quyết tình huống sư phạm là một năng lực phức hợp, đòi hỏi rèn luyện đồng thời nhiều yếu tố khác nhau ở người giáo viên. Trong đó cần đặc biệt coi trọng việc rèn luyện các phẩm chất nhân cách như: Tự trau dồi nghề nghiệp, tính kiên nhẫn, tính khách quan cảm xúc, sự đồng cảm, …Đây cũng là những gợi ý cho công tác đào tạo giáo viên trong trường sư phạm.
Công việc giáo dục và đào tạo con người là một hoạt động rất đặc thù, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính sáng tạo và nghệ thuật. Đặc trưng nghề nghiệp tạo nên những khó khăn nhất định đối với giáo viên và khiến cho nghề dạy học có những yêu cầu đặc biệt đối với người làm nghề. Giáo viên không chỉ là người am hiểu về khoa học giảng dạy mà còn là người nghệ sĩ. Vì vậy, công cụ quan trọng của nghề dạy học là toàn bộ nhân cách ở người giáo viên. Một trong những khía cạnh thể hiện rõ nhất tính không rập khuôn của nghề dạy học là cách thức giáo viên ứng phó với những tình huống sư phạm. Chính ở khía cạnh này, những phẩm chất tâm lí cần thiết đối với nghề dạy học được bộc lộ rõ nét nhất, là lúc người giáo viên thể hiện rõ nhất năng lực nghề nghiệp của bản thân. Đồng thời, còn là lúc để người giáo viên tự rèn luyện tư duy sư phạm linh hoạt, mềm dẻo, khả năng tự chủ, khả năng hiểu học sinh, khả năng ứng xử sư phạm… Thực tiễn giáo dục cho thấy, giáo viên thường xuyên phải đối mặt với các tình huống sư phạm đa dạng, đòi hỏi có những cách giải quyết hợp lí, hợp tình, qua đó thực hiện được chức năng giáo dục học sinh. Một tình huống như nhau nhưng với các đối tượng khác nhau, ở những thời điểm khác nhau sẽ có những cách giải quyết không hoàn toàn giống nhau. PV. PGS nhận định thế nào về nhận thức của giáo viên hiện nay đối với tầm quan trọng của các phẩm chất nhân cách trong việc giải quyết tình huống sư phạm? PGS.TS. Đào Thị Oanh: Kết quả nghiên cứu trên giáo viên (trong đó có các giáo viên trẻ) và sinh viên thực tập sư phạm cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với họ khi thực hành nghề nghiệp là việc giải quyết các tình huống sư phạm. Nguyên nhân gây khó khăn cho việc giải quyết tình huống sư phạm được bản thân giáo viên và sinh viên thực tập đưa ra, gồm: không hiểu tâm lí học sinh; vận dụng các nguyên tắc sư phạm chưa đúng, chưa hiệu quả; không nắm vững quy trình giải quyết; chưa kiên nhẫn lắng nghe học sinh; chưa kiềm chế được cảm xúc tiêu cực… Qua đây, có thể nhận thấy rất rõ một điều là: Tuy vai trò quan trọng của các phẩm chất nhân cách trong việc giải quyết tình huống sư phạm từ lâu đã được khẳng định, song, kết quả nghiên cứu cho thấy còn nhiều giáo viên và sinh viên chưa nhận thức được sâu sắc và đầy đủ về vấn đề này. Chẳng hạn, trong khi vai trò của các yếu tố: Kiến thức học được từ trường sư phạm (33%); Kinh nghiệm sống” (35%); Tính linh hoạt của tư duy (51%)…được đánh giá khá cao, thì vai trò của các phẩm chất nhân cách khác dường như còn bị coi nhẹ, như: Tin tưởng học sinh – 14%; Đồng cảm với học sinh – 6,7%; Hiểu tâm lí học sinh – 2%; Tôn trọng học sinh – 3%; Yêu nghề” – 3%…
Kết quả này đặt ra những yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng rèn luyện nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các giáo viên nói chung và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên trong nhà trường sư phạm nói riêng. Theo đó, việc rèn luyện năng lực giải quyết tình huống sư phạm cần phải được thực hiện đồng thời cả các kĩ năng sư phạm lẫn các phẩm chất nhân cách riêng của nhà giáo, và có lẽ phải bắt đầu từ việc trau dồi tình cảm nghề nghiệp (trách nhiệm, lương tâm, các giá trị nghề nghiệp)… PGS.TS. Đào Thị Oanh: Như tôi đã khẳng định, rèn luyện năng lực giải quyết tình huống sư phạm là rèn luyện toàn bộ nhân cách. Vì vậy, người giáo viên cần thường xuyên tự trau dồi để phát triển nghề nghiệp, chẳng hạn, cần bổ sung những kiến thức về khoa học hành vi con người. Trên thực tế, cho dù là tình huống loại nào, thì về cơ bản, trong các tình huống sư phạm đều chứa đựng xung đột tâm lí ở mức độ khác nhau. Vì thế, nếu giáo viên có những kiến thức về các giai đoạn phát triển xung đột, về các chiến lược hành vi giải quyết xung đột…, thì có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một cách giải quyết có hiệu quả. Có thể bổ sung các kiến thức này vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Kinh nghiệm dạy học của nhiều giáo viên giỏi nghề đã cho thấy rõ điều này.
Cùng với đó, giáo viên cần thường xuyên rèn luyện tính cách bản thân. Đây là một vấn đề lớn, bao quát nhiều nội dung, trong đó có một số nét cơ bản, như: Nhận thức và thay đổi vai trò xã hội của bản thân trước học sinh. Một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, giáo viên mới ra nghề phải dạy các học sinh lớn 14 – 15 tuổi sẽ dễ dàng được học sinh nhìn nhận giống như những người anh/người chị lớn tuổi trong gia đình. Trong trường hợp này, sẽ chẳng ích gì nếu thầy/cô giáo trẻ đó cứ muốn đóng vai một giáo viên tóc đã điểm bạc. Tương tự, khi tuổi nhiều hơn 15 – 17 năm nữa, giáo viên rất có thể được xem như những phụ huynh thay thế của học sinh. Và sau này khi có tuổi hơn, thì vai trò của một người ông/người bà có thể sẽ thích hợp hơn trước các học sinh. Người giáo viên cũng phải rèn luyện “tính kiên nhẫn” với tư cách là một yếu tố quan trọng của nghề dạy học. Nếu đôi khi học sinh tỏ ra “ngớ ngẩn” và cười vô cớ, nếu thỉnh thoảng các em không biết mình là ai và quên cả sự kính trọng đối với uy quyền của giáo viên, thì trước tất cả các sự việc này, giáo viên phải tự kiềm chế được mình, đếm đến 10, đợi cho cơn thịnh nộ qua đi, rồi khi bình tĩnh trở lại, giáo viên sẽ chỉ cho học sinh thấy những tác hại trong các hành vi đó mà không để tâm thù ghét học sinh.
Như vậy, ngay cả những hành vi ứng xử không phù hợp của học sinh cũng có thể trở nên có tác dụng giáo dục nếu giáo viên kiềm chế được bản thân. Một giáo viên có tác phong chững chạc, đằm tính, bình tĩnh có thể không phải lúc nào cũng dập tắt được những lộn xộn mà nhiều nhóm học sinh có khuynh hướng gây ra một cách tự nhiên, nhưng sự bình thản trước lớp học luôn luôn tốt hơn so với việc phải cất cao giọng. Điều này không có nghĩa là giáo viên không được nổi giận hay khiển trách nặng nề để đưa vào nền nếp những học sinh vô kỉ luật. Song, những lúc như vậy không nên xẩy ra nhiều và phải được coi là ngoại lệ. Sự kiên quyết cùng với sự điềm tĩnh trong tính cách của giáo viên nói lên lòng tin tưởng ở giáo viên rằng: nếu chúng ta làm việc cật lực thì những học sinh thiếu tự tin, bất ổn cũng có khả năng tiến bộ. Cùng với việc rèn luyện tính khách quan tình cảm nhằm tránh thái độ cực đoan trước học sinh, việc rèn luyện sự đồng cảm với tư cách là một phẩm chất nhân cách không thể thiếu đối với người làm nghề dạy học cũng cần được quan tâm đúng mức. Giáo viên nhất định phải lưu tâm đến mọi nhu cầu của học sinh cho dù phải trả giá bằng thời gian, tâm trí, sự thăng tiến nghề nghiệp. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết tình huống sư phạm bởi vì cho phép giáo viên hiểu được những khó khăn cũng như tiên đoán được phản ứng của học sinh. Sự đồng cảm còn đòi hỏi giáo viên phải đặt mình vào vị trí của học sinh; phải chân thực và công bằng trong việc đánh giá học sinh; biết sử dụng hệ thống thưởng – phạt hiệu quả. Một yếu tố quan trọng là giáo viên cần thường xuyên tự trau dồi, tự bồi dưỡng phát triển tình cảm nghề nghiệp cho bản thân. Những người nghiên cứu về nghề dạy học đều cho rằng, nói hay viết về nghề dạy học thì dễ hơn nhiều so với việc dạy học, bởi đó là một công việc vất vả cả về trí óc lẫn thể chất, đòi hỏi nhiều trách nhiệm, nhiều thử thách. Đặc biệt, công việc đứng lớp yêu cầu ở người giáo viên cả về năng lực lẫn sự kiên nhẫn cùng ý chí.
Tuy nhiên, dạy học còn là một nghề có thể mang lại cho con người những niềm vui rất riêng, rất đặc biệt mà không một nghề nào khác có thể có. Phần lớn các giáo viên nói rằng, họ dạy học vì nó mang đến cho họ sự hài lòng, sự mãn nguyện sâu sắc khi họ được nuôi dưỡng đời sống tâm hồn người khác bởi vì trong dạy học có tiếng cười, có chuyện vui và có trí tuệ. Niềm vui được xem là một yếu tố quan trọng của nghề dạy học, bởi thế, khi học sinh và giáo viên không cảm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc thì chắc chắn đã có điều gì đó không ổn. Về vấn đề này, James M. Banner và Jr. & Harold C. Cannon đã có những phân tích rất hay trong tài liệu của mình khi nghiên cứu những yếu tố cơ bản của nghề dạy học. Điều đó cũng đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Đó là việc giáo dục giá trị nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm, theo đó, hiệu quả mà nghề dạy học mang lại trước hết là những giá trị tinh thần lớn lao đối với cả người dạy và người học.
PV. Các nghiên cứu cho thấy, năng lực giải quyết tình huống sư phạm của giáo viên ở trên lớp tương đối gần gũi với năng lực ứng xử tình huống trong giao tiếp đời thường. PGS suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? PGS.TS. Đào Thị Oanh: Điểm khác biệt cơ bản giữa năng lực giải quyết tình huống sư phạm với năng lực ứng xử trong giao tiếp đời thường nằm ở mục đích của việc giải quyết hay của việc ứng xử đó. Một tình huống được gọi là tình huống sư phạm khi nhà giáo dục biết rằng thực hiện hành động giải quyết tình huống là nhằm giáo dục học sinh. Sự khác nhau về mục đích quy định sự khác nhau về nội dung, cách thức, nguyên tắc. Hơn thế, năng lực giải quyết tình huống sư phạm mang tính khoa học nhiều hơn, trong khi đó, năng lực ứng xử tình huống đời thường mang tính kinh nghiệm nhiều hơn. Một số nghiên cứu về cách ứng xử sư phạm đã cho thấy rằng hiện tượng quát mắng, sỉ nhục, miệt thị học sinh bằng những ngôn từ thiếu văn hóa là do đã được chuyển từ cách giải quyết những mâu thuẫn cá nhân đời thường. Tức là, năng lực giải quyết tình huống sư phạm được giáo viên chuyển một cách máy móc, nguyên xi từ năng lực giải quyết tình huống giao tiếp hàng ngày.
Đứng từ góc độ đào tạo nghề, điều này đặt ra những quan tâm nhất định trong việc xác định ban đầu về những thói quen ứng xử giao tiếp ở sinh viên để làm cơ sở cho việc rèn luyện năng lực giao tiếp sư phạm cho họ. Đó là vì, những kĩ năng giao tiếp sẵn có ở sinh viên vừa là những thuận lợi, đồng thời vừa là những khó khăn cho việc hình thành, rèn luyện năng lực giải quyết tình huống sư phạm. Vấn đề là phải tạo ra được sự chuyển biến từ năng lực giải quyết tình huống đời thường của sinh viên sang năng lực giải quyết tình huống sư phạm đích thực.
Hiếu Nguyễn (ghi) |