Sẵn sàng triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm học mới

Lượt xem:


(GD&TĐ)-Chiều qua (10/8), Hội nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi quy mô toàn quốc đã được tổ chức trực tuyến qua mạng Chính phủ tại điểm cầu Hội trường Chính phủ, 63 điểm cầu tại hội trường UBND của 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tại điểm cầu Hội trường Chính phủ.

Tại điểm cầu Hội trường Chính phủ còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Thông tin – truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng dân tộc Quốc hội; Ủy ban dân tộc, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tại Hội trường Chính phủ. Ảnh: gdtd.vn

Nhiều tỉnh, thành quyết tâm “về đích” trước thời hạn

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đề án đặt ra 5 mục tiêu, trong đó có đặt đích đến năm 2012 đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi lên 85% và 100% vào năm 2015.

Mặc dù điều kiện vẫn còn không ít khó khăn, nhưng nhiều tỉnh thành vẫn thể hiện quyết tâm sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn.

Về cấp học mầm non, toàn tỉnh Lào Cai có 184 trường học mầm non, mẫu giáo. Số trường đạt chuẩn hiện đạt 11,95% (22 trường). Toàn tỉnh có 1184 phòng học nhưng số phòng kiên cố chỉ có 109 phòng, chiếm trên 9%, trong đó 7,6% số trường đạt chuẩn. Đại diện tỉnh Lào Cai, bà Bùi Thị Kim Dung  Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện định mức giáo viên mầm non trên lớp của tỉnh còn thấp, giáo viên thiếu lên đến con số 1000; 83% phòng học tạm; các lớp mẫu giáo 5 tuổi còn thiếu nhiều tàu liệu, đồ dùng lên tới 90,4%… Dù việc phấn đầu đạt chuẩn phổ cập trẻ 5 tuổi với tỉnh trước mắt còn là thách thức lớn nhưng Lào Cai cũng cho biết sẽ phấn đấu để về đích trước thời hạn 1 năm.

Tương tự như Lào Cai, tỉnh Đắc Lắc cũng dự kiến sẽ hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014. Đại diện tỉnh Đắc Lắc cho biết, để đạt được mục tiêu này cần nỗ lực lớn vì tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi trên ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới của tỉnh mới chỉ đạt 67,93%, chủ yếu ở vùng thuận lợi. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 21 xã chưa có trường mầm non độc lập, nhiều trường có điểm lẻ; số công trình vệ sinh đạt chuẩn rất thấp…

Là một trong những tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, tỉnh có 5 huyện nghèo, còn đến 125 xã chưa có trường mầm non; chỉ có 28% phòng học kiên cố; số lượng người dân tộc ít người chiếm đa số, thế nhưng đại diện tỉnh Cao Bằng cũng cho biết sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trước 1 năm theo đề án. Tuy nhiên, cũng theo đại diện tỉnh này, để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần vượt qua thách thức là xây dựng thêm 942 phòng học trong 4 năm tới.

Là một địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi nên tại Hội nghị, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã tự tin đưa ra mốc đạt chuẩn sớm hơn đến 3 năm. Ông Huỳnh Công Minh cho biết, để đạt được các yêu cầu của đề án, cần xây dựng hệ thống giáo dục mầm non bền vững, cơ sở vật chất đạt chuẩn, giáo viên phải đảm bảo 100% đạt chuẩn một cách chắc chắn và quan tâm đến chế độ chính sách cho đội ngũ… Thời gian tới, TP.HCM sẽ cố gắng nhân rộng triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và nâng cao số lượng trường chuẩn quốc gia (hiện toàn thành phố chỉ có 9% trường mầm non đạt chuẩn)…

Một số tỉnh khác, cùng với việc nêu ra những khó khăn, giải pháp, kiến nghị cũng cho biết sẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề án trước thời hạn như Phú Yên (2014), Hà Nội (2014)…

Hội nghị có sự tham gia của nhiều Bộ, ban ngành trung ương. Ảnh: gdtd.vn

Không nên chỉ chạy theo số lượng

Ngay trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lưu ý: Đến nay, nước ta có 35% tỉnh đạt tỷ lệ số trẻ 5 tuổi đi học trên 95%, nhưng, trong số 35% tỉnh đạt tỷ lệ này thì chất lượng cũng chưa đạt. Không chỉ là số lượng người đi học mà chất lượng dạy và học rất quan trọng.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị: Bên cạnh phát triển số lượng nên chú ý đến vấn đề chất lượng.

Với mong muốn đề án được triển khai sớm, khẩn trương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị, về tổ chức bộ máy triển khai đề án, sẽ dùng bộ máy của phổ cập chống mù chữ đã có và bổ sung thêm các thành phần phù hợp.

Bộ trưởng cũng đưa ra kiến nghị áp dụng tất cả các cơ chế chính sách liên quan đến phổ cập, chống mù chữ của giai đoạn trước để dùng triển khai đối với phổ cập mầm non 5 tuổi. Về cơ sở vật chất, phòng học, nhà công vụ, một phần của mầm non 5 tuổi đã được liệt kê trong mục kiên cố hóa năm 2010, sẽ triển khai theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong các cuộc giao ban trước.

Thực hiện dứt điểm các danh mục theo đơn giá được phê duyệt của từng công trình hạng mục theo thời giá hiện tại. Như vậy, bộ máy của phổ cập chống mù chữ và phổ cập mầm non 5 tuổi phải có sự phối hợp với Ban chỉ đạo kiên cố hoá trường lớp học để triển khai. Về trang thiết bị, đồ chơi, phòng bếp, phòng ngủ cũng sẽ có các chương trình mục tiêu, đề án của năm tới…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề nghị lồng ghép chương trình phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi với chương trình chống suy dinh dưỡng, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề cho trẻ dân tộc thiểu số tiếp xúc với tiếng Việt, biết tiếng Việt để chuẩn bị vào lớp 1.

Kết luận Hội nghị,  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân đã đưa ra những chỉ đạo quan trọng, những việc cần làm ngay để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Việc được Phó Thủ tướng nhắc đến đầu tiên là đề nghị Sở GD-ĐT địa phương báo cáo với cấp ủy, UBND để đưa nội dung phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là động tác rất quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị triển khai đề án.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập chống mù chữ, trong đó làm rõ trách nhiệm cấu phần phổ cập mầm non 5 tuổi; tiến hành điều tra, xác định hiện trạng trường lớp, giáo viên, các nhu cầu hỗ trợ để từ đó hình thành nhu cầu tài chính triển khai đề án…

Vấn đề quy hoạch đất cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong đó, nói rõ, diện tích đất phải đủ, tiến hành xây dựng phục vụ cho trẻ 5 tuổi trước nhưng địa phương nên có quy hoạch đất cho đến 3 tuổi.

Về phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng đề cập đến vấn đề triển khai cấu phần 4 dự án thuộc danh mục thủ tướng nêu; các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư ODA. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại chính sách ngoài các chính sách đã nêu khung trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong quý IV năm nay để trình Thủ tướng phê duyệt.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng thể hiện mong mỏi, bước vào năm học mới, các địa phương sẽ tuyên bố được với xã hội đã sẵn sàng triển khai chương trình của Chính phủ.

Hiếu Nguyễn