Sẽ công khai chất lượng và học phí
Lượt xem:
TT – Công khai tất cả những gì liên quan trực tiếp đến người học. Đó là mục tiêu của quy chế “Thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục (CSGD) của hệ thống giáo dục quốc dân” sắp được Bộ GD-ĐT ban hành. TS Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính, cho biết: – Quy chế này sẽ áp dụng đối với CSGD bao gồm từ mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các CSGD trung cấp chuyên nghiệp và giáo dục ĐH. Các CSGD công lập cũng như ngoài công lập đều phải thực hiện công khai các nội dung: cam kết về chất lượng và chất lượng giáo dục thực tế, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và về thu chi tài chính. * Mức độ công khai những nội dung này đến đâu? Khi thực hiện công khai về thu chi tài chính, các CSGD nói chung, các trường ĐH, CĐ nói riêng có phải công bố công khai các khoản thu, học phí cho người học biết trước khi tuyển sinh và trước mỗi lần điều chỉnh không?
– Có thể nói khi thực hiện theo quy chế này, tất cả các mặt hoạt động của một CSGD đều được công bố thông tin đầy đủ, công khai. Người học, phụ huynh và toàn xã hội có thể nắm được tất cả thông tin liên quan trực tiếp đến người học, những thông số phản ánh năng lực, điều kiện thực tế của CSGD. Trước hết, các CSGD đều phải công bố cam kết chất lượng giáo dục của mình. Tùy theo từng cấp học, những tiêu chí cụ thể của nội dung này có thể khác nhau. Nhưng trong đó đều phải công khai điều kiện tuyển sinh của CSGD, chương trình giáo dục mà nhà trường tuân thủ, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, kết quả của học sinh dự kiến đạt được… Thứ hai là chất lượng giáo dục thực tế, các CSGD phải công khai các kết quả giáo dục cụ thể mà cơ sở đã đạt được sau từng năm học, khóa học. Nhưng quan trọng nhất là quy định bắt buộc các CSGD phải thực hiện công khai về thu chi tài chính. Mức độ và phạm vi công khai rất rộng. Dự kiến theo quy chế, các CSGD công lập hay ngoài công lập sẽ phải công khai mức thu học phí, lệ phí, các khoản thu khác, số tiền ngân sách nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ, các dự án, các quỹ từ nguồn đóng góp của nhân dân, các khoản thu từ viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, các khoản phải nộp cho ngân sách nhà nước, các khoản chi theo từng năm học… Lần đầu tiên, các CSGD sẽ thực hiện công khai mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất). Đối với người học, ở bậc mầm non Bộ GD-ĐT dự kiến yêu cầu phải công khai mức thu học phí, các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho hai năm học tiếp theo. Các CSGD phổ thông sẽ công khai mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học. Đối với các CSGD chuyên nghiệp, ĐH, thực hiện công khai mức thu học phí và các khoản thu khác cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học.
* Theo ông, với quy chế yêu cầu các CSGD phải “ba công khai” như vậy, Bộ GD-ĐT mong muốn đạt được kết quả gì và sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào trong các CSGD? – Thực hiện “ba công khai” là đòi hỏi lâu nay của xã hội và đó là một yêu cầu rất chính đáng. Người học, các thành viên của CSGD và xã hội có quyền tham gia giám sát và đánh giá CSGD. Khi đặt ra yêu cầu các CSGD thực hiện công khai toàn bộ những thông tin liên quan đến hoạt động giáo dục của mình, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra một phương thức để người học có được thông tin đầy đủ, một cách chính thống về CSGD nơi mình học tập hoặc dự định lựa chọn để học. Trên cơ sở những thông tin được công bố, người học bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Về phía các CSGD, thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các CSGD trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục. Sự tham gia giám sát của người học và xã hội sẽ giúp CSGD phải thật sự quan tâm đến việc thực hiện các cam kết, trách nhiệm của mình trong hoạt động GD-ĐT. Giữa các CSGD, nhất là ở bậc ĐH, sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng. THANH HÀ thực hiện |