Thành công và kinh nghiệm trong hoạt động thập kỷ GD phát triển bền vững

Lượt xem:


(GD&TĐ)-Sau 5 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về hoạt động Phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động, sự tham gia tích cực và chủ động triển khai mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ của thập kỷ giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam đã được Unesco và Ủy ban quốc gia của nhiều nước đánh giá cao. Việt Nam được coi là một trong những nước bước đầu thu được nhiều thành công và bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động thập kỷ giáo dục phát triển bền vững.

Đánh giá này được nhấn mạnh tại Diễn đàn chuyên đề giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 đang diễn ra tại Hà Nội.
 
Những thành tựu sau nửa thập kỷ

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động, Ủy ban quốc gia Unessco của Việt Nam của Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ là Ban thư ký của Ủy ban quốc gia về thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (TKGDPTBV). Ủy ban do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm chủ tịch cùng 5 Phó Chủ tịch và 14 thành viên đại diện cho các Bộ, ngành.

Các hoạt động của Ủy ban TKGDPTBV đã có những kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới các trường liên kết Unessco tại Việt Nam được hình thành và phát triển. Trung tâm học tập cộng đồng đã phát triển mạnh và rộng khắp trong cả nước, đưa giáo dục không chính quy trở thành một trong hai bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân và bổ trợ cho “Giáo dục cho mọi người”. Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam được phát triển và gắn với GD PTBV. Trước những nhiệm vụ to lớn về giáo dục – đào tạo, việc xây dựng kế hoạch hành động về GD PTBV của Ủy ban TKGDPTBV cũng có ý nghĩa thiết thực gắn kết và phục vụ các chính sách ưu tiên của quốc gia.

Một số nội dung PTBV đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa ở tất cả các cấp học của Việt Nam. Các chính sách và chương trình hành động quốc gia về kinh tế, xã hội, môi trường đã góp phần đưa các chủ đề như bình đẳng giới, quyền trẻ em, HIV/AIDS, giáo dục môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống tham nhũng … vào các chương trình giáo dục chính quy và không chính quy cho tất cả các cấp học và các đối tượng.

Tại cấp quốc gia, nhiều hoạt động tập trung vào việc xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động GDPTBV. Tại địa phương, nhiều trường học và cộng đồng đã thực hiện những chương trình giáo dục đa dạng đem lại kiến thức kỹ năng thiết thực để giải quyết các vấn đề xã hội – môi trường tại cấp cơ sở.

Có thể nói, trong nửa đầu của thập kỷ (2005-2009), giáo dục đã nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng mọi mặt của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Trong những năm qua, những chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đã được ban hành đã có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục và đào tạo nghề. Quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Năm học 2009-2010, cả nước có gần 23 triệu HSSV, tăng 1,02 lần so với năm học 2000-2011. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các trình độ khác nhau cũng đã tăng từ 20% vào năm 2000 lên 40% năm 2010, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp trong toàn quốc. Về cơ bản đã xóa được “xã trắng” về giáo dục mầm non; trường, lớp tiểu học đã có ở tất cả các xã; trường THCS có ở các xã hoặc cụm liên xã; trường THPT có ở tất cả các huyện. Các cơ sở đào tạo nghề, TCCN, CĐ, ĐH được thành lập ở hầu hết các địa bàn dân cư lớn, các vùng, các địa phương…

Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo đã có nhiều tiến bộ. Công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp được đặc biệt quan tâm và đầu tư. Chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên các cấp học và trình độ đào tạo đã và đang được xây dựng. Các trường phổ thông chất lượng cao đã được hình thành ở các địa phương. Nhiều trường ĐH đã tổ chức dạy học theo các chương trình tiên tiến quốc tế. Đã hình thành các tổ chức chuyên trách về đánh giá và kiểm định chất lượng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, nửa đầu thập kỷ về GD PTBV cũng chứng kiến những thách thức to lớn. Có thể kể đến việc lồng ghép các chủ đề PTBV như giáo dục môi trường trong trường học còn gặp nhiều khó khăn do chương trình giáo dục đã quá tải; việc tích hợp các chủ đề kinh tế, môi trường và xã hội vào giáo dục đã góp phần mang lại những kiến thức mới nhưng chưa đem lại sự thay đổi về cả nhận thức và hành vi. Bên cạnh đó, trong giáo dục chưa xác định được mục tiêu, lộ trình, giải pháp để thực hiện GD PTBV nên khi thực hiện thiếu đồng bộ và thiếu hệ thống. Nhận thức về GD PTBV ở tất cả các cấp còn nhiều bất cập, chưa toàn diện, chỉ thiên về giáo dục hoặc giáo dục bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế sự linh hoạt, sáng tạo, sự tham gia của các đối tác và cách tiếp cận đối với các hoạt động về GD PTBV…

Trẻ mầm non cũng được giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Lan tỏa, đẩy mạnh các sáng kiến chương trình GD PTBV

Kế hoạch hành động GD PTBV giai đoạn 2010-2014 đã xác định: Những năm đầu tiên của tập kỷ, Việt Nam tập trung vào việc nâng cao nhận thức về GD PTBV, thí điểm các sáng kiến và dự án; xây dựng mạng lưới, tạo ra các quan hệ hợp tác mới. Mục tiêu những năm tới của GD PTBV là lan tỏa và đẩy mạnh các sáng kiến về chương trình GD PTBV, huy động thêm nguồn lực, nhân sự và sự tham gia của các cơ quan, ban ngành khác nhau để thực sự tạo ra sự thay đổi trong lối sống và cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững. Đây cũng là “kim chỉ nam” cho GD vì sự phát triển trong thời gian tới.

Để đẩy mạnh GD PTBV, Ủy ban TKGD PTBV Việt Nam kiến nghị chính quyền các cấp ở địa phương cần chủ động quán triệt, đưa nội dung GD PTBV vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mình từ 5 đến 10 năm tới.

Bên cạnh đó là củng cố mạng lưới và tăng cường phối hợp không chỉ giữa các bộ ngành là thành viên của Ủy ban mà với tất cả các đối tác như các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Thêm nữa, cần tăng cường các huy động các nguồn lực nhằm triển khai GD PTBV; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về GD PTBV

Ủy ban TKGD PTBV Việt Nam, cho rằng, dạy học vì một tương lai bền vững là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Trọng tâm hoàn thành chiến lược phát triển bền vững là giáo dục con người để phát triển bền vững. Việc triển khai TKGD PTBV đói hỏi phải thay đổi cách nhìn đối với giáo dục, thay đổi, cải tiến chương trình giáo dục, xây dựng tư duy mới đối với  PTBV, kết hợp với các chương trình xã hội học tập, học tập suốt đời và giáo dục cho mọi người…

Hiếu Nguyễn