Thêm công cụ hữu hiệu GD kỹ năng sống cho HS
Lượt xem:
(GD&TĐ)- Sáng ngày (21/9), Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho việc triển khai bộ tài liệu: “Tăng cường giáo dục kĩ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở trường Phổ thông”.
Dự hội nghị có các đại diện Vụ GDTH, GDTrH, Vụ Công tác HSSV, Cục NGQLCB (Bộ GD-ĐT), đại diện của UNICEF Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiên phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh, gdtd.vn
TS Nguyễn Anh Dũng, phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức biên soạn bộ tài liệu: “Tăng cường giáo dục kĩ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở trường Phổ thông”.
Sau hai năm triển khai biên soạn (từ 2009), bộ tài liệu này đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ cho công tác giảng dạy kĩ năng sống (KNS) cho học sinh (HS) các cấp Phổ thông.
Bộ tài liệu này gồm 15 cuốn, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, (các lớp 1,2,3), khoa học (lớp 4,5), Ngữ văn, GDCD, Sinh học, Địa Lý, và Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở THCS, THPT.
Kết quả triển khai sau biên soạn tài liệu là các công tác tập huấn hỗ trợ kĩ thuật cho các giáo viên cốt cán. Viện đã tổ chức tập huấn giảng dạy theo bộ tài liệu này cho gần 2.000 giáo viên cốt cán của các địa phương tại Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh; hỗ trợ kĩ thuật cho một số tỉnh thành ở Tây Nguyên.
Kết quả, đa số giáo viên tham gia đều có ý ủng hộ việc đưa bộ tài liệu: “Tăng cường giáo dục kĩ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở trường Phổ thông” vào dạy KNS cho HS Phổ thông. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tập trung vào việc xây dựng bộ tài liệu mở rộng thêm ở một số môn khác, tăng cường hỗ trợ kĩ thuật, bồi dưỡng về đánh giá kết quả học tập của học sinh…
Hội thảo đã nghe một số ý kiến đóng góp của các cục, vụ, viện và ý kiến của đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam. Các ý kiến đều cho rằng, bộ tài liệu nên đưa ra các phương pháp dạy KNS cho giáo viên một cách đơn giản, trực quan, sinh động và nhất là lồng ghép với các phần cụ thể trong các môn học thực tế trên lớp. Điều này vừa giúp cho các em hình thành các kĩ năng sống một cách tự nhiên nhất, vừa củng cố kiến thức thực học trên lớp…
Đơn cử như khi học về kĩ năng hợp tác theo nhóm, chuyên viên Vụ Trung học đưa ra một phương pháp rất trực quan đó là lồng ghép với một phần trong bài học của môn Sinh học lớp 7 về tập tính của loài chim; theo kiến thức bài học: loài ngỗng trời khi bay thường bay thành chữ V để giảm sức cản không khí, bay nhanh hơn và xa hơn mà không tốn sức.
Kết luận tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Bộ tài liệu phải có những gợi ý rõ ràng cho giáo viên và các gợi ý này cũng phải theo hướng mở, chứ không gò ép giáo viên dạy theo một khuôn mẫu nào.
Về công tác triển khai bộ tài liệu, Thứ trưởng yêu cầu, khi triển khai đưa vào giảng dạy, Viện KHGDVN phải xem xét trước đây, khi chưa có bộ tài liệu, GV và HS học kĩ năng sống như thế nào để biết được ưu khuyết của các phương pháp đó; trên cơ sở đó thì việc triển khai bộ tài liệu này vào giảng dạy mới nhanh chóng và hiệu quả, phải đặt bộ tài liệu trong bối cảnh chung của việc dạy và học kĩ năng sống hiện nay ở các cấp học Phổ thông.
Thứ trưởng yêu cầu: VKHGDVN cần triển khai tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu trên cơ sở đóng góp ý kiến của chuyên viên các Cụ, Vụ phối hợp, giáo viên cốt cán và các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy.
Cục NGQLCB đưa bộ tài liệu này vào Chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên hàng năm các cấp học phổ thông và TTGDTX.
Các Cụ, Vụ viện của Bộ chuẩn bị tốt công tác đánh giá kết quả triển khai dạy và học giáo dục KNS của học sinh, qua đó mới đánh giá được kết quả giảng dạy của giáo viên và tài liệu giảng dạy.
Vụ Giáo dục trung học tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng, hoàn thiện để đưa bộ tài liệu vào chương trình SGK mới đang được xây dựng.
Vụ Công tác HSSV bằng các biện pháp cụ thể, tiếp tục nâng cao nhận thức của giáo viên trong việc đưa giáo dục KNS vào giảng dạy tại trường Phổ thông.
Bá Hải |