Thiết bị cho trường mầm non phải ghi rõ xuất xứ

Lượt xem:


(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non.

Tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành là những yêu cầu kỹ thuật cơ bản của các đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học theo Danh mục Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non.

Theo đó, 50 đồ dùng cho nhóm trẻ 3 – 12 tháng tuổi (15 trẻ), 68 đồ dùng cho nhóm trẻ 12 – 24 tháng tuổi (20 trẻ), 90 đồ dùng nhóm trẻ 24 – 36 tháng tuổi (25 trẻ), 104 đồ dùng cho lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi (25 trẻ), 126 đồ dùng cho trẻ lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi (30 trẻ) và 124 đồ dùng cho lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi (35 trẻ), ngoài đáp ứng những yêu cầu áp dụng riêng cho từng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị, phải thực hiện theo yêu cầu quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/06/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 89/2006/ND-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hoá và Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/ND-CP ngày 30/08/2006.

Phải có xuất xứ hàng hoá (nơi sản xuất; đơn vị nhập khẩu …) và kèm theo hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, cảnh báo nguy hiểm, phòng tránh và thời hạn sử dụng.

Sử dụng các vật liệu: Nhựa, gỗ, sơn, chất phủ, keo dán… phải có chứng nhận nguồn hàng hoá, vật tư đảm bảo tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em.

Trong hướng dẫn các sở GD&ĐT chỉ đạo mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho GDMN vừa mới ban hành, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục nhấn mạnh: Chấ lượng đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phải đảm bảo các qui định hiện hành của Nhà nước, trong đó cần lưu ý đĐối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học sản xuất trong nước: trên sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo…) và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em của sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhập khẩu: trên sản phẩm phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo…); đơn vị nhập khẩu và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

 

Danh mục Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho GDMN do Bộ GD&ĐT ban hành chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu; trên cơ sở kế hoạch mua sắm đã được lập, các cơ sở giáo dục mầm non đề xuất việc mua sắm, tự làm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học đảm bảo số lượng, chất lượng, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí. Cụ thể, đảm bảo mỗi nhóm lớp đủ số lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; ưu tiên mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ 01 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu (kể cả ngoài công lập).

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã trang bị đủ yêu cầu tối thiểu, căn cứ tình hình thực tế về cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ giáo viên, có thể mua sắm thêm các đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học tiên tiến khác (ngoài Danh mục Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học tối thiểu) nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non, cần tổ chức tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
 

Đan Thảo