Trẻ em nhút nhát tại… người lớn

Lượt xem:


TT – Không ít bậc cha mẹ lo ngại thật sự khi con em mình có những biểu hiện nhút nhát: sợ hãi khi xa cha mẹ, không dám nhìn vào trời tối hay ở một mình trong phòng riêng…

 

lv nhom.bmp

Làm việc nhóm giúp bạn trẻ tự tin – nội dung buổi sinh hoạt của CLB kỹ năng dành cho thiếu niên tại TP.HCM -Ảnh: T.B.

Một nghiên cứu của nhóm chuyên viên tâm lý ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho thấy: lỗi của các bậc phụ huynh dẫn đến trẻ nhút nhát chiếm tới 58%.

Có thể nêu ra một dẫn chứng: ở nhà bé Đăng An (3 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) rất hiếu động, thích đùa nghịch với các đồ vật trong nhà, nhưng chỉ nói đưa đến trường mẫu giáo là bé òa khóc. Mẹ của An cho biết: “Đi học cả năm rồi nhưng cháu vẫn cứ sợ đến lớp; ở lớp rất ít nói và cứ ngóng mẹ đón về”. Qua trao đổi chúng tôi phát hiện lý do khiến bé nhút nhát ở trường: cha mẹ bé hay đem nhà trường và cô giáo ra để dọa mỗi khi bé mắc lỗi, từ đó hình thành nỗi sợ vô hình ám ảnh bé.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng:

“Nhút nhát gặp nhiều bất lợi”

Sự nhút nhát có thể là hậu quả của quá trình lâu dài với những tác động không phù hợp của người lớn: thái độ lạnh nhạt trước một bào thai “không mong đợi” (chưa muốn có con, giới tính không như ý…), không đáp ứng tốt các nhu cầu của bé trong giai đoạn sơ sinh, hù dọa khiến con khiếp nhược, không kịp thời hỗ trợ khi trẻ khó hòa nhập với người xung quanh, “dán nhãn” yếu kém cho trẻ, thường chê trách thay vì động viên, bảo bọc con cái quá đáng trong “vùng an toàn”, dạy con quá cứng rắn…

Trẻ rụt rè, nhút nhát thường cô đơn và cố thủ trong thế giới riêng. Nếu không được khắc phục, càng lớn trẻ càng khó khăn hơn trong các mối quan hệ; trong chọn trường, nghề, ngành học; khó tự lập và gánh vác trách nhiệm (công việc, gia đình, xã hội); bị người khác lấn lướt, không được người khác thấu hiểu khiến bỏ qua nhiều cơ hội; khó tìm được hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân… 

THÁI BÌNH ghi

Bé An không phải là trường hợp cá biệt khi nhiều bậc phụ huynh nghĩ nếu dùng một biểu tượng nào đó dọa sẽ dễ giáo dục con em. Điều này “lợi bất cập hại”. Trước mắt trẻ có thể vì sợ những ông ngáo ộp, ông kẹ, con ma… nào đó mà làm theo yêu cầu của cha mẹ; nhưng sau này trẻ ngại đối mặt với thực tế. Lý do: những biểu tượng ghê sợ đó đã ăn sâu trong tâm tưởng. Có những bạn trẻ không dám tự quyết định việc gì nếu không có cha mẹ tham gia; trở thành người dựa dẫm, phụ thuộc, không dám tự quyết định tương lai của mình.

Một số trường hợp trẻ nhút nhát do “đọc” được tâm trạng bất an, lo lắng của phụ huynh khi đưa trẻ đến môi trường mới. Khi một bà mẹ ngày đầu đưa con đến trường lại cứ khóc sụt sùi thì đứa con nào dám can đảm mà xa mẹ? Hơn thế, lần đầu đến một môi trường mới trẻ thường có tâm lý bị bỏ rơi, nếu không chuẩn bị tâm lý đầy đủ cho trẻ thì đây sẽ là cảm giác khủng khiếp nhất trong cuộc đời trẻ. Ngoài ra, việc cha mẹ có thói quen ngăn cản, cấm đoán khiến trẻ nhụt chí, không dám nêu ý kiến hay ý tưởng của mình.

TS Nguyễn Minh Thức (Trường ĐH Sĩ quan Lục quân 2) cho biết: “Cách giáo dục như thế khiến con trẻ không chỉ nhút nhát mà còn trở thành người nhu nhược, dễ chấp nhận, thủ phận, không dám đấu tranh khi đối mặt với những bất cập trong cuộc sống”.

Cách nào giúp trẻ?

1. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho mình và cho con khi đối mặt với những điều mới lạ trong cuộc sống, trấn an và kịp chia sẻ khi trẻ gặp trở ngại, hỗ trợ trẻ tự giải quyết vấn đề của mình.

2. Nói cho trẻ biết sự thật. Hãy nói: “Con đến trường giống như ba mẹ đi làm. Cố gắng học tốt, ăn giỏi đến giờ ba mẹ sẽ đón về”.

3. Không dọa nạt dễ tạo sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý sau này của con em.

4. Không được nói dối, lừa phỉnh trẻ.

5. Tạo cơ hội và hỗ trợ làm tăng khả năng thích ứng cho trẻ trước nhiều bối cảnh, môi trường khác nhau, với nhiều người khác nhau (bạn cùng lứa, người lớn, người già…).

NGUYỄN VĂN CÔNG
(giảng viên tâm lý học)