Ứng dụng CNTT tăng hiệu quả quản lý, chất lượng GDMN
Lượt xem:
(GD&TĐ)-5 năm thực hiện dự án ứng dụng CNTT trong giáo dục mầm non (GDMN) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng cấp học. Những kết quả cụ thể của quá trình này đã được công bố trong Hội nghị tổng kết 5 năm ứng dụng CNTT trong GDMN diễn ra hôm nay (31/7) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 5 năm ứng dụng CNTT trong GDMN. Ảnh: gdtd.vn
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cấp học GD mầm non đã chủ động sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động ứng dụng CNTT trong GDMN, đem lại những hiệu quả thiết thực. 100% các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT, cơ sở GDMN triển khai thực hiện ứng dụng CNTT. Các trường mầm non đã nghiêm túc triển khai chủ trương của Bộ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tính đến hết năm học 2009-2010, đã có 11.330 trên tổng số 12.711 trường mầm non toàn quốc có máy vi tính, chiếm tỷ lệ 89% với tổng số 42.439 máy. Trong đó, 23 tỉnh đã trang bị máy tính cho 100% các trường. Số trường đã nối mạng internet là 10.528 trường, chiếm tỷ lệ 82,8%. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng máy vi tính cho các cán bộ, giáo viên mầm non cũng được chú trọng. Trong tổng số 180.024 giáo viên mầm non thì đã có tới 94.713 người biết sử dụng máy vi tính vào công tác quản lý và chăm sóc nuôi dạy trẻ, chiếm tỷ lệ 53%. Đặc biệt, trong 5 năm qua, có hàng ngàn giáo án điện tử, câu chuyện, trò chơi vui học,… có chất lượng đã được đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non xây dựng và sử dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết cho trẻ cũng như tạo niềm vui, ham thích tham gia hoạt động của trẻ. Kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng CNTT trong GDMN chỉ tính riêng năm học 2009-2010 là 118.555 triệu đồng… Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong GDMN vẫn còn không ít khó khăn. Trước hết vì ở nhiều địa phương, việc xác định tầm quan trọng của CNTT trong GDMN của các cấp ngành còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường lớp còn phải học nhờ, học tạm, việc đầu tư kinh phí để xây dựng phòng ốc, mua sắm trang thiết bị máy tính và các phụ kiện như máy in, máy chiếu… là rất khó khăn. Nhiều vùng sâu, vùng xa hoặc không hoặc ít có điện nên khó có thể sử dụng các trang thiết bị CNTT. Có những vùng không thể kết nối mạng internet vì địa hình khó khăn. Với các giáo viên mầm non, giờ làm việc trên lớp chiếm hầu hết thời gian trong ngày ảnh hưởng tới việc tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo, tìm kiếm thông tin qua mạng. Một số giáo viên đã quen với cách làm “thủ công” dẫn đến “sức ỳ” đáng kể trong việc tiếp cận, làm quen với các phương tiện hiện đại… Tại Hội nghị, các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT từ thực tiễn địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo; công tác tham mưu và xã hội hóa giáo dục; kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình Kidsmart, chương trình Nutrikids; kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng, cán bộ quản lý, giáo viên trong ứng dụng CNTT.
Những đề xuất, kiến nghị để có thể triển khai CNTT có hiệu quả hơn cũng được các địa phương đưa ra tại Hội nghị này. Theo đó, nhiều quan điểm đồng nhất cho rằng, Bộ GD&ĐT cần ban hành văn bản quản lý, chỉ đạo cụ thể về ứng dụng CNTT trong GDMN, tạo điều kiện để địa phương làm căn cứ tham mưu với UBND các cấp trong việc đầu tư kinh phí, hỗ trợ triển khai chương trình, đề án của cơ sở; có chính sách hỗ trợ kinh phí, máy tính phục vụ ứng dụng CNTT cho các tỉnh, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn; tập huấn, nâng cao trình độ tin học, hướng dẫn lựa chọn và khai thác sử dụng phần mềm quản lý trường mầm non, phần mềm kế toán và các phần mềm phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ; tổ chức các hội thảo ứng dụng CNTT trong nước để các địa phương có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; tổ chức các tỉnh tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị điển hình về ứng dụng CNTT trong GDMN… Tại Hội nghị, ngành học mầm non cũng đã đưa ra kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong 5 năm tới. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, cả nước có ít nhất 70% cán bộ, giáo viên mầm non sử dụng được máy vi tính vào quản lý, hoạt động chuyên môn; 94% số trường có máy vi tính và 88% số trường được kết nối mạng internet.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với cấp học và trình độ của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; tổ chức phong trào thi đua đẩy mạnh ứng dụng CNTT hiệu quả giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố cho đến các cơ sở mầm non. Vụ GDMN sẽ đề xuất với Cục CNTT tổ chức một số hoạt động giáo dục trực tuyến thí điểm. Khuyến khích các trường ở những nơi có điều kiện lập trang web nhằm kết nối, chia sẻ thông tin. Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong nước và nước ngoài các mô hình điển hình áp dụng CNTT vào quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ…
Hiếu Nguyễn |