Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Gắn kết trách nhiệm
Lượt xem:
Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT, HSTC) triển khai hơn 4 năm qua đã từng bước gắn kết trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện để trẻ em chủ động phát huy khả năng bản thân.
Vui khi đến trường
Thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT, từ năm học 2008 – 2009, ngành giáo dục huyện Đại Lộc đã triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng THTT, HSTC” nhằm làm cho công tác giáo dục nhẹ nhàng, vui tươi hơn và nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Đại Lộc – bà Võ Thị Lệ Huyền cho biết, ngành đã quán triệt cho ban giám hiệu các trường từ bậc mầm non đến THCS triển khai tích cực những nội dung của phong trào. “Qua thực tế vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm ở từng cơ sở, có thể thấy rằng, một không gian thân thiện nơi học đường đã giúp các cháu được chăm sóc tốt hơn về thể lực và tinh thần, các cháu có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo phù hợp với từng lứa tuổi, bậc học. Trong khi đó, ý thức nghề nghiệp, tính chủ động, sáng tạo của giáo viên trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ học sinh cũng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục” – bà Huyền nói. Đặc biệt, phong trào đã động viên, khuyến khích gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng môi trường giáo dục với tình thương yêu và trách nhiệm.
Ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh, phong trào được triển khai cũng đem lại nhiều hiệu quả. Theo thầy Lương Văn Sơn – nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Tam Kỳ), trường nào chú trọng tổ chức các hoạt động liên quan sẽ phát huy tính tích cực nơi học sinh. Đây chính là tiền đề xây dựng kỹ năng sống cho các em, giúp lứa tuổi này mạnh dạn tham gia vào các hoạt động vui chơi, học tập, tự tin bày tỏ cảm xúc và ý kiến cá nhân. Các mối quan hệ trong nhà trường ngày càng gắn kết chặt chẽ, học sinh giúp nhau học tập cùng tiến bộ, giáo viên trao đổi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ khó khăn cuộc sống thường ngày. Thầy giáo Phan Ngọc Sơn – cán bộ Phòng GDĐT huyện Duy Xuyên cho rằng, ở môi trường thân thiện, những gì tốt đẹp nhất chúng ta dành cho trẻ, mỗi ngày các em đến trường sẽ là một ngày vui.
Gắn kết
Xung phong tổ chức ngày hội điểm “Xây dựng THTT, HSTC” ở Đại Lộc, cô giáo Nguyễn Thị Cương – Hiệu trưởng trường Mầm non Đại An chia sẻ: “Đơn vị xác định xây dựng nhà trường đạt chuẩn phải gắn với xây dựng bản sắc văn hóa, tạo cho trẻ ý niệm ban đầu về truyền thống dân tộc. Có thể trẻ chưa hiểu nhưng những hình ảnh nhìn thấy sẽ lưu lại ấn tượng trong các cháu”. Do đó, trường Mầm non Đại An tổ chức ngày hội giáo dục cho các cháu tình yêu quê hương, đất nước qua khúc hát dân ca, điệu múa, lời ru của ông bà ta thuở trước. Tái hiện phiên chợ quê, cây đa, giếng nước, sân đình, các trò chơi dân gian…
Ở các gian hàng chợ quê, nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú được làm từ đôi bàn tay khéo léo, sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trên cơ sở nguyên, vật liệu thân thiện và bảo vệ môi trường như tre, xốp, giấy vụn, vải vụn, mo cau, chai nhựa… Các phần thi chào hỏi, biểu diễn trò chơi dân gian, hứng bóng cũng đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa trò – giáo viên – phụ huynh, hoặc phụ huynh – giáo viên. Chiêm ngưỡng các mặt hàng xinh xắn, chị Nguyễn Thị Tập (mẹ cháu Ngô Minh Nhật, lớp lớn 2) chia sẻ: “Tôi rất ngỡ ngàng vì sự công phu, tỉ mỉ của các cô giáo làm nên các vật dụng, các loại bánh mà cha ông ta trước đây từng dùng. Hy vọng qua hội trại, con trẻ sẽ có được ấn tượng ban đầu về giá trị truyền thống của dân tộc”. Ánh mắt rạng ngời nhìn học trò tham gia phần thi vẽ tranh trong khu Vườn cổ tích, cô giáo Lê Thị Hải vui vẻ cho biết: “Qua thực tế giảng dạy, các trò chơi dân gian tại trường đều được trẻ ưa thích. Có thể nói, phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” đã góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng dạy – học, các cháu phát triển hài hòa các mặt”.
Có con học tại trường, khi biết thông tin về ngày hội, anh Lê Trung đang làm công nhân ở khu vực gần cửa khẩu Nam Giang đã thu xếp công việc để về cùng tham gia trong 2 ngày. Anh Trung cho biết, đến đây vừa động viên con tham gia các phần thi sôi nổi, hào hứng của hội trại, đồng thời thể hiện trách nhiệm cùng với nhà trường chăm lo cho trẻ. Minh chứng thêm cho sự gắn kết, “cùng chịu trách nhiệm” của gia đình học sinh và xã hội, cô Cương cho hay, nhà trường có khuôn viên cây xanh đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, có Vườn cổ tích, Vườn rau của bé, Khu thực hành an toàn giao thông, công trình vệ sinh đạt chuẩn… là một phần thành quả từ xã hội hóa. Ngày hội cũng là dịp để người lớn cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm giải pháp tốt hơn vì mục tiêu giáo dục trẻ thơ.
GIA KHẢI |