Chuyện về hoa
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi, độ ẩm không khí cao, lượng mưa nhiều, số ngày nắng trong năm nhiều, nên đã hình thành thảm thực vật tự nhiên hết sức phong phú, trong đó có rất nhiều loại hoa. Vì thế, câu chuyện về hoa cũng thật lý thú.
1.Lần đầu tiên tôi vào đồng bằng sông Cửu Long, đó là khi mới tốt nghiệp đại học, từ Hà Nội lên đường thăm chị tôi lấy chồng ở Kiên Giang. Lúc bấy giờ phương tiện đi lại rất khó khăn, oải hết cả người. Vừa đi vừa than thầm, sao chị tôi lấy chồng xa thế không biết. Sau bốn ngày đi đường, tối hôm đó tôi mới tới được nhà chị tôi. Hai chị em mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc ròng. Sau đó, tôi thiếp đi trong một giấc ngủ nhiều mộng mị vì mệt mỏi. Trong mơ, tôi thấy chị tôi đi như lướt trên một cánh đồng hoa đầy màu sắc. Sau chân chị tôi là vô vàn những con bướm trắng chập chờn vấn vít. Lạ cái là hình như tôi ngửi được cả mùi hoa thơm thoang thoảng, một mùi thơm đồng nội mát lành.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi kể cho chị tôi nghe về giấc mơ của mình. Bất ngờ, chị tôi hỏi lại:
– Em ngửi thấy mùi hoa ư? Hoa gì thế?
Tôi đáp:
– Không biết là mùi hoa gì, nhưng mà quen lắm chị ơi!
– Có phải mùi hoa sen không? Chị tôi hỏi.
Tôi trả lời không rõ, nhưng mùi hoa quen lắm. Chị tôi nói:
– Không phải mơ đâu em ạ, lúc đó em đang thức đấy. Ở đây nhiều hoa sen lắm, lại đang mùa sen nở mà…
Tôi không tin, chỉ tủm tỉm cười. Hóa ra sau nhiều năm gián đoạn mộng văn chương, lấy chồng miệt vườn kênh rạch xa tít mù khơi, chị tôi vẫn còn lãng mạn lắm. Có lẽ chị tôi nhớ đến mùi sen Tây hồ chăng? Lúc tôi còn bé, chị tôi thường dẫn tôi lên Hồ Tây, mạn gần Phủ ngắm sen khi vào mùa. Lạ cái là cả nhà tôi đều thích hoa sen. Bố tôi là người mê chè sen nhất trần đời. Ông luôn bảo mẹ tôi mua sen về tẩm ướp theo đúng cách của những bà vãi ở một ngôi chùa trong ngõ phố Khâm Thiên. Bố bảo, uống chè sen là để thưởng thức hương vị đồng quê, nhưng cũng là để chiêm nghiệm sự thanh tao của loại hoa này. Ông thường ngâm mấy câu thơ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Chẳng hiểu sao, một lần bố tôi ngồi uống chè, ngâm lại mấy câu thơ ấy thì bất ngờ chị tôi cũng đọc mấy câu nhại lại:
Trong nhà ai đẹp bằng cô
Mắt xanh da trắng lại chen nanh vàng
Nanh vàng da trắng mắt xanh
Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng
Tôi với mẹ tôi hết hồn, sợ bố “phang” ấm chè vào chị tôi. Nhưng không ngờ ông lại phá ra cười, không uống chè nữa mà rũ áo đứng dậy ra phố làm mấy vại bia hơi. Nhà tôi chật, tối hôm đó tôi nghe bên kia vách bố tôi thở dài rất nhiều lần, tôi đoán ông nghĩ về mấy câu thơ tếu của chị tôi ban chiều.
Khi tôi cùng chị ra ruộng thì thực sự tôi bị choáng ngợp trước cảnh miên man hoa Sen. Cánh đồng trong Nam bộ rộng, những cánh đồng bất tận- nói theo cách của nhà văn nữ Nguyễn Thị Tư, mùa đó sen nở bát ngát. Những chiếc lá sen xanh thẫm, to hơn vành nón cứ rập rờn trong gió. Còn hoa sen phớt hồng, bum búp đẹp đến nao lòng. Hóa ra chị tôi nói đúng, bởi trong giấc mơ đêm qua tôi ngửi được mùi hoa thật. Cánh đồng sen này đã tỏa hương, ướp hương cho đất trời, lọt cả vào phòng ngủ của tôi. Chị tôi tâm sự, hình như bố tôi vì quá mê hoa sen nên đặt chị tên là Thu Liên – có nghĩa là sen mùa thu. Tôi chợt hiểu ra vì sao bố tôi treo trên tường một bức tranh giấy dó không lấy gì làm đẹp lắm vẽ cảnh Sen tàn – Dã Liên. Bố tôi không muốn đặt tên con gái là Dã Liên vì sợ bị sái, nhưng do quá yêu hoa sen, mà chị tôi lại sinh ra vào mùa thu nên ông đặt là Thu Liên.
2. Sau lần đi thăm chị lấy chồng chốn bưng biền, về Hà Nội tôi quyết định lần mò đi học cách thiên hạ ướp chè sen. Nghe người ta mách cho nhiều chỗ, cuối cùng tôi cũng lần mò xuống Thanh Trì, vào nhà cụ Hòa, người được cho là biết cách ướp sen cổ truyền của Hà Nội.
Đó là lần tôi say hoa sen thứ hai.
Nhà cụ Hòa không giàu có gì, nhưng vẫn giữ nếp xưa với sập gụ tủ chè, liễn, câu đối, hoành phi. Trong cái không gian đượm màu cổ tích ấy cụ Hòa mang ra một lọ gốm đựng chè đã ướp hoa sen. Cụ nhúm một nhúm cho vào ấm, rót nước sôi vào, đậy lại cẩn thận, rồi lại rót nước nóng “trùm” kín bên ngoài cái ấm. Cụ nói như vậy nước bên trong mới không tản nhiệt nhanh, chè mới “chín” kĩ. Khi cụ chuyên chè ra chén, màu nước vàng thoáng xanh, và hương thơm ngan ngát. Tôi xin phép cụ được uống. Chỉ một ngụm nhỏ nhưng trong vòm họng đã thơm mát và đầu lưỡi tê tê cái cảm giác được chạm vào của ngon vật lạ. Đến chén thứ hai thì tôi say thực sự, say không phải chỉ vì chè cụ Hòa pha đặc, mà chính vì cái vị ngan ngát của sen và đâu đó trong sâu thẳm lòng mình tôi lại nhớ về chị tôi mong manh bên cánh đồng sen quá chừng xa trong Nam bộ, và cả hình ảnh bố tôi đã chìm khuất bởi sương mù thời gian vì ông đã chia tay chị em tôi cả gần chục năm rồi.
… Cụ Hòa cho biết, để ướp được chè ngon thì sen được chọn phải là loại có bông lớn, màu hồng tươi, bông hoa trông xốp, nhẹ. Đây là loại thơm nhất. Loại sen hồng bông nhỏ, trông chắc nặng, màu hồng sẫm ngả tím, các cụ xưa vẫn phân biệt gọi là quỳ, mùi nhạt và kém thanh. “Hoa sen màu trắng cũng không thơm bằng sen hồng”, cụ Hòa nói. Để có cân chè thơm, cụ Hòa phải tự mình đi mua sen ba lần, mỗi lần 100 bông. Hỏi vì sao phải đúng 100 bông, cụ Hòa cũng chỉ biết đó là cách các cụ truyền lại, cũng không rõ nguyên do từ đâu. Đầu tiên, mở búp sen ra để tách lấy nhụy hoa, trông như những hạt gạo trắng vậy. Mỗi lần lấy nhụy một bông là phải cho ngay vào cái hộp có nắp đậy để khỏi mất hương thơm. Sau đó, cho chỗ “gạo” thu được vào ướp với trà trong vài ngày, rồi lại sáng hết “gạo” đi, sao lên để giảm bớt độ ẩm. Đó là lần thứ nhất. Lần thứ hai lại làm như vậy với 100 bông sen. Và lần thứ ba cũng y như thế. Ba lần ướp, ba lần sao thì mới được món chè sen hảo hạng. Bộ chén uống chè của cụ Hòa cũng cầu kì, nó khá nhỏ, chỉ nhấm nháp chứ không phải để “tu” như cách sau này nhiều người vẫn uống rồi lại tự cho là mình biết thưởng chè. “Nước chè sen được sao tẩm kĩ thì phải có màu vàng xanh, trong vắt”, cụ Hòa nói. Theo cụ, chỉ cần nhìn vào màu nước cũng biết trình độ người ướp chè sen đến đâu.
3. Từ chuyện hoa sen, tôi đâm ra thích thú với những loài hoa mà thường thì mình cũng chỉ ngó qua, hoặc khen cho lấy lệ chứ không biết gì.
Thật may tâm hồn chúng ta chưa héo úa hoặc quá thiên về những gì to tát, vẫn gặp đây đó những chàng trai, cô gái mua những bó hoa vô danh về cắm trong bình. Hoặc nữa, khi mùa xuân về, họ rủ nhau ra những cánh đồng sương mắc trên cỏ như những hạt ngọc để hái hoa xuyến chi, hoa cúc áo, nụ tầm xuân… Kể cả cây cỏ gà mùa thu lũ trẻ thường đi hái để “chọi” cùng nhau cũng trở thành thứ cây cỏ được nâng niu. Rồi đến hoa chanh, hoa bưởi, hoa cau cũng có vẻ đẹp riêng, nhất là khi nó gắn liền với một kỉ niệm êm đềm trong cuộc đời chúng ta.
Những điều đó làm lòng người dịu lại. Chúng ta cũng rất tự hào được sinh ra và lớn lên trong một rừng hoa nước Việt. Ở đó, mỗi chiếc lá, một nụ hoa cũng làm cho chúng ta thấy yêu đời hơn, yêu người hơn.
Nam Việt |