TẢN MẠN VỀ NGHỀ DẠY HỌC

Lượt xem:


Người Việt Nam /> />vốn có tinh thần hiếu học nên truyền thống tôn sư trọng đạo được coi trọng. Truyền thống ấy bao gồm cả sự kính trọng, lòng biết ơn và thương yêu của học trò, của phụ huynh đối với người thầy:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy.”

Quan hệ thầy trò là mối quan hệ đặc biệt hình thành do xã hội con người nảy sinh sự dạy-học, tức là hoạt động truyền thụ-tiếp nhận, đào luyện tri thức và kỹ năng.

Người xưa đặt quan hệ thầy trò trên cả quan hệ cha con trong tam cương: Quân-Sư-Phụ. Ba giềng mối ấy mà vững thì xã hội ổn định. Chính vì thế “Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò” tức là phải “Chính danh” thì đạo học mới thuận. Trong quá khứ và hiện tại, mỗi thời lại có một triết lý nhân sinh, có cách ứng xử khác nhau nhưng đó chỉ là khác nhau về hình thức, về cách thể hiện, còn tinh thần tôn sư trọng đạo luôn là nét đẹp đạo lí truyền thống của xã hội. Học trò thời nào cũng nghịch ngợm nhưng đạo thầy trò thời xưa vẫn là một cái gì đó rất thiêng liêng; giữa thầy và trò dường như có khoảng cách lớn. Vì vậy những người thầy “Đạo cao đức trọng” đôi khi trở thành thần tượng của một thế hệ học trò.

Tuy nhiên, sự học và tình thầy trò ngày nay có nhiều vấn đề cần bàn để có một cái nhìn sát hợp hơn. Cái nhìn ấy có thể là nghiệt ngã và đau xót nhưng đó là một sự thật khi giáo dục chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường.

Do điều kiện xã hội, sự chi phối của các giá trị vật chất và nhiều kiểu cách ứng xử trong nhịp sống hiện đại nên quan hệ thầy trò có phần chuyển đổi theo hướng tiêu cực. Nó không chỉ tác động, ảnh hưởng đến thầy giáo mà còn tác động đến học sinh, phụ huynh học sinh. Đó là một thực tế đáng buồn, không thể né tránh, không thể phủ nhận, không thể tô vẽ để lu lấp. Phải nhìn nhận rằng những tấm gương thầy cô giáo tận tụy với nghề thì vẫn có, vẫn còn song dường như những tấm gương ấy ngày càng ít dần. Trong thời buổi hôm nay, khi cách nhìn của xã hội về người dạy, cách tuyển chọn và đào tạo người dạy, rồi những yếu tố kinh tế xã hội … đều có tác động tiêu cực đến người dạy.Lỗi từ nhiều phía trong đó có cả phần của những người thầy đã tự làm lu mờ mình bằng những lệch lạc trong ứng xử với học sinh khiến cho tính mô phạm, niềm tin vào đức độ nhà giáo cũng giảm dần.

Nhiều phụ huynh nghĩ có thể dùng tiền để mua được thầy cô giáo. Nhiều học sinh thiếu ý thức, thiếu đạo đức trong quan hệ ứng xử, nói năng với người thầy. Dù cho đó là những biểu hiện cá biệt nhưng nó khiến cho những người làm công tác giáo dục và cả xã hội không khỏi buồn lòng. 

***

          Mỗi chúng ta từ khi bắt đầu đi học cho đến lúc thành đạt trong công việc có thể đã thọ giáo hàng trăm vị thầy. Những vị thầy dạy chữ, những người thầy dạy nghề đã giúp người học đạt được những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cho nên nhân dân ta mới khẳng định“Không thầy đố mày làm nên”. Tuy nhiên chỉ còn đọng lại trong mỗi chúng ta một số hình ảnh người thầy nào đó mà ta yêu mến, kính trọng. Thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường. Đó là qui luật tâm lí chứ không phải là sự lãng quên đáng trách.

Suy cho cùng sự tôn kính thầy không phải chỉ là một sản phẩm của lý trí thuần túy, mà xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa. Người làm thầy phải là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình như con cháu; biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ thì mới để lại những tình cảm tốt đẹp cho và giữ được mối quan hệ thầy trò lâu dài. 

Thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, chữ nghĩa, tư tưởng, mà còn bằng chính bản thân mình : “Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo”.

Người thầy phải ý thức được công việc ấy, phải làm hết phận sự của mình để tinh thần tôn sư trọng đạo luôn được phát huy ở cả hai phía.

***

Ngày nay người học đến trường để được trang bị những tri thức và kỹ năng tức là được “lợi”. Chính vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí trang trải cho hoạt động giáo dục.

Còn người dạy với tư cách người hành nghề bởi dạy học cũng là một nghề trong xã hội. Những phẩm chất như trình độ tri thức, nhân cách đạo đức … được xem như những điều kiện cần có để được phép hành nghề. Như vậy là sự học trong đời sống hiện đại đã vận hành theo nguyên tắc lợi ích, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội bằng mối quan hệ chuyển giao- tiếp nhận. Quan hệ giữa người “giao” và người “nhận” giờ đây không chỉ là mối quan hệ tình cảm mà còn là quan hệ trách nhiệm một cách tự nhiên. Đồng thời mỗi người làm nghề dạy học chỉ có thể “làm thầy” ở một môn học nào đó, làm thầy với một đối tượng nào đó, trong một thời điểm nào đó chứ không phải làm thầy thiên hạ. Vì vậy thầy phải thường xuyên cập nhật những cái mới trong chuyên môn của mình thì mới duy trì được vai trò nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ hay nửa chữ cũng mang ơn người dạy. Lời dạy ấy của người xưa mang ý nghĩa nền tảng đạo lí cho sự vận hành của hoạt động dạy – học trong xã hội hơn là lời khẳng định chuyên môn của người thầy.

Lê Đức Thịnh