Sức lay động của bài ca “bụi phấn”

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Nhạc sĩ Vũ Hoàng và nhà thơ Lê Văn Lộc đã làm lay động hàng triệu con tim các thầy cô giáo và học sinh bằng bài ca Bụi phấn. Với một giai điệu trong sáng ở gam Đô trưởng, nhịp 3/4 và chỉ 7 câu nhạc, các tác giả đã tôn vinh nghề dạy học nói chung và bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo nói riêng.

Bài hát ra đời vào ngày 20- 11- 1982, tới nay đã gàn 30 năm nhưng vẫn đọng lại mãi trong ký ức của biết bao thế hệ tuổi thơ. Bài hát đã được cố nhạc sĩ Viễn Châu (tác giả nổi tiếng với bài vọng cổ Tình anh bán chiếu) soạn thành bài tân cổ giao duyên Bụi phấn, sức lay động lại càng lan xa đến với nhiều đối tượng ở các vùng sâu, vùng xa.

 
 ảnh minh họa

Giai điệu của bài ca mượt mà, tha thiết, ca từ trong sáng và thành kính. Hai tác giả đã nói hộ tấm lòng của biết bao lớp học trò đối với công lao vất vả của thầy: Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy. Hình ảnh người thầy hiện lên qua bài hát thật cảm động và đẹp với niềm lao động say mê khi giảng bài. Tóc thầy đã bạc theo năm tháng cùng sự nghiệp trồng người, và nay lại bạc thêm bởi bụi phấn đang rơi rơi trên mái tóc. Nhà thơ và nhạc sĩ đã tạo được một tứ thơ và giai điệu có sức liên tưởng lớn: tóc thầy ngày càng bạc để cho mái tóc trò xanh hơn, tri thức trò sâu rộng hơn: Em yêu phút giây này. Thầy em tóc như bạc thêm. Bạc thêm vì bụi phấn. Để cho em bài học hay…

Đoạn hai của bài hát là một điệp khúc nhằm khẳng định lòng biết ơn thầy thật mặn nồng, tha thiết: Mai sau lớn nên người. Làm sao có thể nào quên. Ngày xưa thầy dạy dỗ. Khi em tuổi còn thơ.  Bài hát được viết với những quảng phù hợp với cỡ giọng ở mọi lứa tuổi từ các cháu Mẫu giáo đến các em học sinh, sinh viên, và cả người lớn, rất dễ hát, dễ thuộc. Bởi thế sức toả sáng, bay cao, bay xa của bài ca là rất lớn. Bụi phấn đã nhanh chóng lan toả tới các miền rừng núi cao, tới hải đảo xa xăm và vượt biên giới của Tổ quốc đến với tuổi thơ của nhiều nước trên thế giới.

Bài hát như một bó hoa đẹp, lộng lẫy mà thanh cao, do nhạc sĩ Vũ Hoàng và nhà thơ Lê Văn Lộc dâng lên thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20- 11 và ngày khai giảng năm học mới. Đó cũng là tấm lòng của muôn triệu học trò và người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với thầy cô giáo, đối với nghề dạy học. Có thể xem Bụi phấn là sự kết hợp kỳ diệu giữa thơ và nhạc. Đây là một bài ca xanh mãi cùng năm tháng, thắm mãi với mái trường.

Lê Xuân