ĐÊM CUỐI NĂM

Lượt xem:


Truyện ngắn


Hoàng Kim

    Xóm Cồn nằm khuất sau một dãy đồi, bị cô lập bởi chằng chịt những khe suối. Con đường độc đạo vào xóm mấy đời nay cũng chỉ là con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo. Thành thử, ngoài kia nhà cửa, phố xá mỗi ngày thêm đông đúc, xe lớn, xe nhỏ chạy ầm ầm, trong này vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ cổ xưa với những vườn cây, những luỹ tre dày xanh mát và sự vắng lặng hoang sơ. Mỗi lần có việc phải đi ra đường cái, ông Bòng luôn cảm thấy khó chịu vì sự ồn ào, bụi bặm và chỉ mong được chóng về nhà. Đi đâu cũng không bằng xóm Cồn mình, đó là câu nói cửa miệng của ông Bòng. Ông thật sự hài lòng vì sự lặng lẽ, bình yên của xóm Cồn.
  

   Nhưng đó là ý nghĩ của những ngày thường. Cái không khí vắng lặng quá đỗi của những ngày giáp Tết lại làm ông cảm thấy trống vắng. Thời buổi bây giờ, cần gì thì người ta ra chợ, có tiền chỉ cần một chặp là có thể mang về đủ thứ, chẳng còn nghe tiếng râm râm vang giòn của những nồi rang nếp làm bánh nổ, cũng chẳng nghe tiếng chày thình thịch quếch bột bánh tổ hàng đêm, ông lại thấy nhơ nhớ.

*
* *

   Năm nay, ông Bòng quyết ăn một cái Tết cho ra Tết. Thằng Xoài, con út của ông vừa mới cưới vợ trong năm. Thế là tất cả con cái ông đều đã nên gia nên thất, có nhà cửa công ăn việc làm đàng hoàng. Tết nay thế nào vợ chồng thằng Xoài cũng về. Có khi có cả ông bà sui đến chơi cũng nên, không thể tuyềnh toàng được, người ta khinh cho.
Mới đầu tháng chạp ông đã thuê thợ tu sửa, quét vôi lại toàn bộ căn nhà. Lại làm hẳn một cái sân bê tông, có các bồn để trồng cây cảnh. Vừa mới mấy hôm trước đây, khi ra phố ngoài kia, ông còn khệ nệ bưng về mấy chậu hoa thược dược bày biện trước hiên và cả mấy câu đối treo cạnh bàn thờ. Ngôi nhà của ông trở nên sáng sủa hẵn lên, có khi đẹp nhất cái xóm Cồn này.

   Đêm nay nữa đã là ba mươi Tết.
   Từ đầu hôm đến chừ không hiểu sao ông Bòng cứ cảm thấy nao nao. Thật ra ông chẳng còn việc gì phải lo nghĩ. Tết nhứt, đã chuẩn bị đâu vào đó: thịt heo cả chục kỷ, các thứ mứt, bánh cũng nhiều, mọi việc đã tươm tất.
   Gà chưa kịp gáy dạo đầu đã nghe tiếng cười nói xôn xao bên nhà lão Phàn. Rồi sau đó là tiếng heo kêu, tiếng dao thớt chan chát. Những âm thanh hỗn tạp mà rộn ràng đó khơi dậy trong lòng ông những cảm giác trái ngược nhau: vừa cảm thấy thích thú nôn nao như được sống lại cái không khí Tết của những ngày thơ bé, lại vừa khó chịu bởi sự ầm ĩ.
   Nằm lâu cũng mỏi, ông Bòng trở dậy lần bước ra sân. Bên kia hàng rào bằng chè tàu, nhà lão Phàn đèn đuốc sáng trưng. Cả nhà lão đang xúm xít mổ heo ăn Tết. Lão Phàn đứng giữa sân, một tay chống nạnh, tay kia chỉ chỏ, miệng la hét như một vị dũng tướng đang chỉ huy chiến trận. Đám con cháu, dâu rể của lão đông như một đàn kiến chạy vào ra, lăng xăng, tất bật. Mấy đứa nhỏ cũng lăng xăng, quấn quýt bên lão Phàn miệng cười nói bi bô. Ông Bòng đứng ngây ra nhìn cảnh tượng ấy một cách say sưa mãi đến khi cảm thấy thấm lạnh. Sương đêm nhiều quá. Sao mai cũng mới lên đến đỉnh đầu. Còn lâu trời mới sáng.

*
* *

   Thường thì mọi năm, mới chừng quá nửa buổi sáng ngày 30 Tết, ông Bòng đã đặt mâm lễ cúng rước ông bà về ăn Tết. Năm nay ông Bòng phá lệ, chuyển sang buổi chiều. Cả buổi sáng ông chỉ thẩn thờ, hết đi ra lại đi vào. Xế chiều, khi bà Bòng bày mâm lễ xong, ông vẫn như kẻ mất hồn.
   -Ông cúng đi chớ, nguội ngặm hết rồi.
   Nghe bà giục đến lần thứ ba, ông Bòng mới miễn cưỡng rút ba cây nhang cầm trên tay, mắt vẫn ngóng ra ngoài ngõ. Ở ngoài ấy thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy chạy vèo qua rồi mất hút. Tự nhiên ông cảm thấy nhà cửa thật trống trải. Bà Bòng vẫn loay hoay dưới bếp. Ông định gọi bà nhưng thôi, mà cũng chẳng biết gọi bà làm gì. Ông đi vòng quanh chiếc bàn kiểm lại một lần các lễ vật rồi kính cẩn thắp nhang đèn, lâm râm khấn vái. Mỗi lần có tiếng xe máy từ xa vọng tới ông lại nơm nớp chờ.
   Đã mấy năm nay rồi, cả bảy đứa con ông chẳng đứa nào ló mặt về quê. Ngày đơm, ngày giỗ nhằm vào các ngày làm việc đã đành, tết nhứt cũng chẳng thấy con, thấy cháu. Chúng có cả trăm ngàn lý do: công việc làm ăn buôn bán, Tết là cơ hội ngày làm tháng ăn, rồi công việc cơ quan bận rộn, ngày Tết cũng là dịp thăm viếng, tranh thủ các mối quan hệ v.v… Ông biết vậy nhưng ông vẫn mong. Ông hy vọng ở thằng Xoài, con trai út. Nó mới cưới vợ. Vợ nó cũng chưa một lần biết quê hương bản quán của chồng. Lẽ thường, chúng sẽ phải về, trước là lạy tạ gia tiên, sau thăm viếng, ra mắt với bà con trong họ ngoài làng. Nhất định vợ chồng nó sẽ về, không sớm thì muộn, từ chừ tới chiều tối.
   Hạ nhang đèn, ông bảo bà Bòng dọn xuống.
   -Ông ăn chút chi chớ. Từ sáng đến chừ chưa ăn chi mà.
   -Bà ăn đi, tôi còn chút việc.
   Ông Bòng định bước ra cửa, nghĩ sao ông lại ngồi xuống, uống cạn ly rượu cúng nhưng chẳng buồn cầm đũa. Bà Bòng nhìn ông hỏi:
   -Ông răng rứa?
   Ông chẳng trả lời, chỉ trông trước trông sau như tìm kiếm vật gì. Thật ra ông có tìm kiếm gì đâu. Ông chỉ nhìn mà cảm nhận nỗi trống trải của cảnh nhà. Con đàn, cháu đống, bữa cơm cúng rước tổ tiên về ăn Tết cũng chỉ có hai ông bà già.
   Bên nhà lão Phàn vọng sang tiếng chén đũa, ly cốc chạm nhau leng keng, tiếng cười nói ồn ào. Bữa tiệc tất niên từ trưa đến chừ vẫn chưa xong. Ông buồn bực đứng dậy đi ra ngõ.

*
* *

   Đêm ba mươi Tết. Ông Bòng nằm nghĩ ngợi mông lung, càng nghĩ ông càng cảm thấy buồn, ông so sánh mình với lão Phàn.
   Cả xóm Cồn này ai cũng cho ông Bòng là sướng nhất. Con ông bốn trai, ba gái, đứa nào cũng nên sự nghiệp. Thằng Cam, con cả của ông là chủ một doanh nghiệp ở tận Sài Gòn, thằng Quýt em kế nó nhờ ông anh dìu dắt cũng làm tới trưởng phòng của Sở. Mấy đứa con gái lấy chồng thành phố, làm ăn buôn bán khá giả. Hai thằng con trai còn lại học hành tử tế, cũng làm nhà nước ở tận tỉnh xa. Đứa nào cũng nhà cửa sang trọng, giàu có. Phận làm cha, làm mẹ con cái được đến mức ấy ông chẳng còn mong gì hơn. Nhiều khi ông Bòng thầm tự hào về chúng. Cả cái xóm Cồn này, trai gái lớn lên cũng chỉ cam phận gà què ăn quẩn cối xay, quanh năm suốt tháng cặm cụi với mấy sào đất rẫy, thành đạt như con ông hỏi được mấy người?
   Thế mà càng về già, ông càng cảm thấy ông không được như lão Phàn. Lão cũng bảy đứa nhưng là ba trai bốn gái. Con lão, trai thì đi rừng đi rẫy, gái thì lấy chồng trong làng, tất thảy đều nghèo khổ, cơ cực, chẳng đứa nào nên danh phận gì. Nhưng chúng sống có tình có nghĩa. Nhà lão Phàn mỗi lần giỗ quảy, con cháu xúm xít đông vui đáo để. Con cháu lão Phàn cũng đã ở riêng, làm nhà ngay trong vườn của lão, tuy chật chội nhưng không ngày nào bên ấy ngớt tiếng trẻ con. Lão Phàn đi đâu cũng có một vài đứa cháu nội, ngoại quấn theo chân. Còn ông, đi đâu cũng lủi thủi một mình.
   Ông Bòng lại nghĩ đến lũ cháu. Ông có đến gần hai chục đứa cháu nội, cháu ngoại, lại thêm mấy đứa cháu gọi bằng cố. Ông thầm trách, chúng mới tệ chứ, chẳng khi nào nghĩ đến chuyện về thăm ông bà. Nhiều khi nhớ cháu, ông phải lặn lội thân già đến thăm. Thấy ông, chúng chẳng tỏ vẻ mừng, chỉ chào ông đúng một câu rồi đi mất hút. Hai đứa con của con Chanh trông thật kháu, ông thèm được ôm chúng vào lòng mà hít lấy hít để cái má phúng phính dễ thương ấy nhưng mỗi lần ông qườ tay định ôm chúng thì đứa nào cũng vội lãng ra. Chúng mãi chơi với hai con chó Nhật lông xù và mấy con búp bê biết múa hát, chẳng để ý gì đến ông. Chút quà quê, hai ông bà lụm cụm cả một ngày đêm: hái lá, giã nếp, nấu đậu làm nhưn… gói được mấy chục bánh ít lá gai mang cho cháu, thế mà chúng nhìn gói quà một cách dửng dưng, cũng không hề động đến.
   Ông Bòng lại nhớ đến lần ông đi bệnh viện. Nằm cả nửa tháng trời cũng chẳng thấy con cháu nào thăm nom, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai vợ chồng già. Thấy ông buồn, bà Bòng nói đỡ: Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Mới đây, lão Phàn cũng ốm phải đi bệnh viện mấy ngày, đám con cháu lão có mặt đủ cả, đứa dìu, đứa xách đồ đạc, quần áo, đứa tíu tít xe. Ông Bòng đứng nhìn mà cám cảnh nhà mình.
   Nói cho công bằng, chẳng phải con ông là lũ vô ơn bất nghĩa, chẳng phải chúng không nghĩ đến ông. Cái nhà ông ở mấy năm trước đã rệu rã cả cột kèo, biết vậy, chúng gởi tiền về cho ông xây hẳn một căn nhà mới. Tiền chúng vẫn gởi về hằng tháng cho ông, có lúc đến vài triệu. Hai vợ chồng già ăn uống hết bao nhiêu đâu, ông bảo chúng đừng gởi nữa nhưng chúng vẫn gởi đều. Thằng Cam luôn gởi thư về thúc giục vợ chồng ông vào ở với nó. Nó bảo, nhà cửa rộng thênh thang, mấy đứa cháu đã có vợ, có chồng, có sự nghiệp riêng cả. Vợ chồng nó đi làm ăn buôn bán suốt ngày, chẳng mấy khi ở nhà. Hai ông bà vào ở trông nom nhà cửa cho nó và nghỉ ngơi tuổi già. Thằng Quýt, con Chanh cũng giục ông ra ở với nó. Nhưng làm sao ông có thể bỏ mồ mả ông bà đi đâu cho được? Mà ra phố ư? Còn hơn đi ở tù. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong mấy bức tường nhà. Đời ông đã quen với ruộng đồng, sông bãi, không có mảnh vườn cuốc cuốc, xới xới; không có con gà, con chó ông sống làm sao. Mới nghĩ đến chuyện ra phố thôi là ông đã nghe ớn tận sống lưng rồi.
   Ông nhớ năm ngoái cũng độ tháng chạp, ông lặn lội gần ngàn cây số vào trong đó, trước là thăm con, thăm cháu, sau là bàn với vợ chồng thằng Cam mấy việc của gia đình, tộc họ. Nó là con trưởng, là người thừa kế ngôi bậc trưởng chi. Ông biết mình chẳng còn được mấy năm mà bao nhiêu việc phải lo: ngôi nhà tự đường đã ọp ẹp lắm rồi, mồ mả ông bà cũng cần tu tạo cho bằng người kẻo thiên hạ lại cười chê. Nhiều đêm nằm nghĩ ông cảm thấy không yên, không xong được những việc này làm sao nhắm mắt.
   Cũng chỉ định vào thăm con cháu vài ngày, nhưng ông phải ở đến cả chục ngày mà cha con vẫn chưa xong câu chuyện. Sáng, ông định mở chuyện ra thì thấy chúng lật bật chuẩn bị đi, không tiện nói. Nửa đêm chúng mới về đến nhà, lại vội vả chui vào phòng nghỉ. Hoạ hoằn lắm cha con mới ngồi được cùng nhau trong một bữa cơm. Thế mà, mới bưng chén cơm lên thì chuông điện thoại réo liên hồi. Nó lại đứng dậy, xin lỗi ông là phải đi, công chuyện làm ăn không thể bỏ mất mối. Nhiều bữa, ông nằm chờ con đến tận khuya. Nghe tiếng xe về, ông định trở dậy nói cho xong công chuyện, nhưng thương con ông lại thôi, để cho chúng nghỉ ngơi lại sức mà làm việc ngày mai. Thành ra, ông thăm con mà chẳng mấy khi được gặp con. Ở nhà chỉ có ông và con bé giúp việc. Con bé phục dịch ông như một ông hoàng. Ngày nào cũng vậy, sáng dậy đã có sẵn khăn lau, nước ấm. Mới ăn xong, một chặp đã thấy nó bưng mâm đến, có cả mấy lon bia. Ngày nào nó cũng bắt ông ăn đến năm sáu bữa. Ông không ăn được, nó lại nài nỉ, khóc lóc. Nó bảo ông không ăn, bà chủ sẽ đuổi việc nó. Bực dọc ông nghĩ mình vào thăm con cháu, đâu phải để ăn?
   Bữa ông Bòng về, vợ chồng thằng Cam đưa cho ông một xấp tiền. Nó bảo để hai ông bà tiêu Tết.
   Ông bảo chúng mua chai rượu, nén nhang để ông mang về đặt lên bàn thờ ông bà ngày Tết, chúng lại đưa thêm cho ông một xấp tiền.
   – Cha cầm về ngoài đó mà mua, thích gì mua nấy, đi xa mang xách gì nhiều cho nặng.
Ông dằn lòng hỏi tiếp:
   – Còn công chuyện tu tạo mồ mả, nhà thờ tộc ý con thế nào ?
Nó làm như không nghe, hồi lâu mới nói bằng cái giọng dửng dưng:
   -Ối, người sống còn chưa lo đủ, cha lo nghĩ nhiều chuyện làm gì cho mệt. Để sau con tính.
   Thế là ông giận sôi lên, ném trả lại xấp tiền, quát tháo chúng một trận rồi bỏ về.

*
* *

   Đêm xóm Cồn vẫn yên tĩnh. Ông Bòng nằm nghĩ ngợi miên man, bất giác ông buông tiếng thở dài. Giường bên kia bà Bòng cũng lăn mình trằn trọc. Nghe như có tiếng xe máy dừng trước ngõ. Hay là vợ chồng thằng Xoài về? Ông Bòng vội nhổm dậy, mở cửa bước ra. Bà Bòng cũng lật đật chạy theo. Trong ánh sáng lờ mờ hắt ra từ bóng đèn trước hiên nhà, ông thoáng thấy vài bóng người. Bước ra tới ngõ, ông mới hay không phải thằng Xoài mà là vợ chồng thằng Me con bà Soạn đang lỉnh kỉnh tay xách, nách mang bước vào ngõ xế bên kia. Chiếc xe thồ lao đi để lại trong ông một khoảng trống vắng đến rợn người. Tự nhiên ông thấy cái khoảng trống ấy to dần, to dần đưa ông vào trạng thái lâng lâng, bay bổng. Ông Bòng phải tựa vào cây trụ ngõ. Trong cơn mơ màng, ông vẫn còn nghe tiếng la thất thanh của bà Bòng.
   Văng vẳng từ xa, có tiếng chuông chùa, rồi rộ lên mấy hồi trống điểm. Hình như giao thừa đang đến.

Tháng chạp 2006