Mùa 20/11 khi không còn là học sinh…

Lượt xem:


ngay20110008.jpg

Khi được hỏi “Bạn nhớ gì về ngày 20/11 nhất khi là học sinh?”, nhiều bạn đã bộc bạch những kí ức rất ngộ nghĩnh.

Ngày 20/11 với học sinh luôn là một lễ hội tưng bừng với rất nhiều dự định được đặt ra. Vậy còn những bạn đã bước qua những tháng năm học trò thì sao nhỉ?

Những tháng ngày đã qua…

 

Bạn Hương (ĐHKHXH&NV) kể lại: “Mình thích nhất cái cảnh cuối buổi lễ. Khi ấy, mình có cảm giác như thầy cô là những ngôi sao điện ảnh vậy. Bạn có thể thấy ai là “xì-ta” khi thầy/cô ấy bị nhiều học sinh xúm xít vây quanh để tặng quà”.

Riêng bạn Minh (18t) thì lại có một kí ức hoành tráng hơn khi kể về câu chuyện thầy chủ nhiệm của mình cùng màn “hoa giấy” đáng nhớ. “Thầy bọn tớ vui tính lắm lại hiền nữa nên hay bị học sinh… bắt nạt. Hôm 20/11 ấy bọn tớ chơi kim tuyến, và nạn nhân duy nhất là thầy. Cuối buổi nhìn cảnh thầy lấp lánh từ đầu đến chân ngồi yên cho bọn tớ gỡ kim tuyến mà thấy vừa thương vừa tội cho thầy. Chưa bao giờ mình thấy lớp mình và thầy cô gần hơn thế…”.

 

Và hiện tại trên những giảng đường…

 

Khác với thời học sinh, giảng đường ngày 20/11 không hề có không khí rộn ràng đến thế. Dù chẳng ai muốn, nhưng khi bước lên giảng đường, giữa thầy cô và học trò luôn có một khỏang cách rất xa khiến sinh viên đa phần ái ngại khi muốn tiếp xúc gần gũi hay bày tỏ thái độ. Những bó hoa, những món quà, có lẽ là rất hiếm khi bạn bước vào giảng đường. Ngày 20/11, thầy cô nghỉ, sinh viên cũng nghỉ, thế là hết một mùa tri ân!

 

Bạn Tâm (khoa KT – ĐHQG) tâm sự: “Năm vừa rồi lớp mình cũng muốn tổ chức 20/11, nhưng cứ băn khoăn chẳng biết làm gì. Thầy cô thì cả lớp gần như chẳng trò chuyện với riêng thầy cô nào, cô chủ nhiệm cũng xa hơn, dù là chủ nhiệm, nhưng cô chỉ liên lạc với mỗi…lớp trưởng khi có thông báo…”.

 

Không còn những hình ảnh tươi cười kéo thầy cô cùng chụp hình, không còn cảnh thầy phải “trốn” vì học sinh “ái mộ”. 20/11 ở đa phần các giảng đường là một ngày 20/11 “lặng” theo đúng nghĩa đen của nó…

 

Và những ngoại lệ…

 

Cũng có những trường hợp ngoại lệ với những thầy cô là giảng viên khá vui tính. Lớp cũng hùn tiền nhau để mua hoa, mua quà (to phải biết, vì một lớp đến trăm mấy đứa mà tặng có một thầy/cô). “Bọn tớ tặng cho thầy Doanh Nghiệp (tên môn học thầy dạy) với cô chủ nhiệm thôi. Mà phải tổ chức ngày 19, vì 20 trường nghỉ nên thầy cũng không đi dạy. Dù không hoành tráng như những năm phổ thông nhưng cũng khiến bọn mình vui vì cảm thấy ít ra có chút gì đó của ngày 20/11”, Thanh (năm nhất, ĐH luật) chia sẻ.

 

Kết

 

Bạn biết không, thầy cô truyền đạt kiến thức cho chúng mình mà không hề chờ đợi sự biết ơn từ bạn. Họ dạy vì niềm đam mê và sự mong mỏi cho lớp trẻ sau này có được những kiến thức. Dù là trên bục giảng trường trung học hay giảng đường đại học, thầy cô đều giống nhau, đều là những con người mà chúng ta cần yêu kính. Nếu không thể kéo gần hơn khỏang cách của thầy trò thì bạn vẫn có thể thể hiện sự biết ơn của mình bằng cách tôn trọng thầy cô và học thật tốt. Đừng để những tâm huyết của thầy cô bị “trôi” đi mà không còn một vết tích gì bởi dù ít hay nhiều thì chính các thầy cô là người có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của chúng ta sau này. 

 

Theo Mực Tím