Báo chí đóng vai trò quan trọng đưa Luật Giáo dục đi vào thực tiễn

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Sáng nay 20/10, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn trong buổi họp giao ban báo chí tại Bộ Thông tin – Truyền thông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có bài phát biểu quan trọng nhằm giới thiệu chi tiết với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII.

Mở đầu bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao vai trò của báo chí đối với ngành Giáo dục – Đào tạo và khẳng định: Trong thời gian qua báo chí đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành giáo dục. Đặc biệt, báo chí đã tập trung tuyên truyền nhằm đưa các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành Giáo dục đến với xã hội, đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa góp phần tích cực vào sự thành công của các dự án luật giáo dục…

 luat gd.jpg

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi giao ban

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Qua 3 năm thực hiện, Luật giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn, dễ hướng dẫn, dễ thực hiện. Những sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biết, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, một số điều của Luật Giáo dục cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Trong quá trình soạn thảo, xây dựng Dự án Luật giáo dục sửa đổi , Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, nghiên cứu Luật giáo dục của một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, toạ đàm và nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu như thành lập trường, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; tổ chức điều tra xã hội học và lấy phiếu khảo sát, điều tra sâu một số lĩnh vực liên quan tới một số điều sửa đổi, bổ sung trong Luật; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật giáo dục năm 2005 tại một số tỉnh, thành phố, một số cơ sở giáo dục và sở giáo dục và đào tạo; lấy ý kiến các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục; lấy ý kiến các bộ, ngành và đã 4 lần đưa Dự án Luật lên Website của Bộ GD& ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 01 Mục vào Chương VII gồm 03 điều mới….

Kết luận phần báo cáo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định: “Dự án luật sửa đổi, bổi sung một số điều của Luật giáo dục mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện và hướng tới một nền giáo giục phát triển mạnh mẽ hơn”. 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đề nghị.“Từ ý nghĩa quan trọng của việc trình Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD, các cơ quan báo chí, truyền thông cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực đưa thông tin chính xác, kịp thời về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục  tới các cử tri và Đại biểu Quốc hội nhằm tập trung tư duy, trí tuệ để Luật giáo dục được thông qua và đi vào thực tiễn…”

Bắc Việt