Chưa kịp nghỉ hè đã lo… tựu trường
Lượt xem:
TT – Trong khi học sinh còn chưa kịp nghỉ hè, các khóa học thêm, bồi dưỡng, tăng cường… đã đua nhau khai giảng. Cổng trường lại rộng mở, học sinh lũ lượt cắp sách tới lớp, phụ huynh vẫn đưa đón con ngày vài lượt. Ngay từ giữa tháng 6, Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.6, TP.HCM) đã tổ chức khai giảng lớp ôn tập hè với lịch học năm buổi/tuần kéo dài từ 7g30-10g hằng ngày. Cả học sinh khối lớp 1 cũng được tham gia lớp sinh hoạt hè để làm quen trước với môi trường học tập, sinh hoạt và chuẩn bị trước kiến thức năm học mới.
Trường trường dạy hè Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết trường tiểu học và trung học trên địa bàn TP.HCM đều tổ chức học thêm hè. Ở một số trường lịch học kéo dài cả tuần, chỉ nghỉ chủ nhật. Thậm chí có trường còn tổ chức “dịch vụ” bán trú. Tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), nhiều tờ rơi quảng cáo các khóa ôn tập hè và học trước chương trình lớp mới được phát cho phụ huynh và học sinh tới đăng ký học thêm. Có tờ rơi cam kết: “Học hết chương trình mới trong ba tháng hè. Sĩ số lớp giới hạn 40 học sinh. Phương pháp giảng dạy dễ hiểu, học tại nhà riêng của thầy ở số… , gần trường tiểu học X., Q.1…”. Một số trường như: THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình)… mở thêm các lớp “ôn tập thi vào lớp tăng cường tiếng Anh” cho học sinh chuẩn bị vào lớp 6 với lịch học khá dày. Các trung tâm bồi dưỡng văn hóa Khai Nguyên (Q.10), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Minh Đức (Q.1)… cũng đồng loạt thông báo lịch đăng ký và khai giảng khóa học hè ngay khi kết thúc năm học. Riêng một số trường ngoài công lập, lớp học hè được tổ chức gắn với kỳ tuyển sinh của trường. Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến yêu cầu: “Tất cả HS phải đăng ký học hè để làm quen với nề nếp của nhà trường. Sau khóa học hè nếu học sinh tiến bộ, thích nghi với hoạt động của trường sẽ được nhận vào học chính thức và nộp hồ sơ”. Tại Hà Nội, đến những ngày gần đây nhiều trường mới thông báo công khai lịch học hè. Có trường chỉ tổ chức học hè ba buổi/tuần với mỗi lớp, nhưng cũng có trường học hè như học chính thức với 5-6 buổi/tuần. Học sinh tiểu học chỉ ôn tập hè các môn văn, toán, HS THCS thêm môn ngoại ngữ, còn HS THPT sẽ tổ chức học tất các môn chính: toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ… Bên cạnh đó, mô hình “bán trú tại nhà dân” đang ngày càng phổ biến tại Hà Nội. Những lớp học này, sau khi năm học kết thúc vẫn tiếp tục được duy trì. Ông Q., chủ một lớp “bán trú” tại khu Bách khoa, cạnh Trường tiểu học LVT, Hà Nội, cho biết lớp do ban phụ huynh đứng ra thuê địa điểm, thuê người nấu ăn, mời cô giáo dạy thêm trong hè. Phòng vừa để học vừa ăn, ngủ chỉ rộng chừng 20m2, hơn 20 học sinh vừa học hết lớp 4 được gửi từ 8g-17g. Đa số người gửi con đều cho biết không tìm được nơi gửi con qua hè nên phải cho đi học. “Chạy” trước chương trình
Một phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Đầu hè tới giờ chưa biết gửi cháu ở đâu để vợ chồng đi làm. Nhờ trường tổ chức học hè bán trú nên đăng ký cho cháu học ngay, ngày 16-6 khai giảng, học tới 14-8. Như vậy hè này mọi sinh hoạt của cháu và gia đình sẽ vẫn bình thường như trong năm học”. Chị Vũ Thị T.N. (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM), phụ huynh có con học lớp 11, nói thêm: “Sức học của con tôi chỉ ở mức trung bình nên có học trước mới mong theo kịp bạn bè”. Tâm sự với chúng tôi, nhiều phụ huynh cho rằng họ mong muốn cho con tham gia các khóa học trong hè để khỏi bỡ ngỡ khi bước vào năm học mới. Nắm bắt tâm lý này, nhiều trường đã tổ chức “đi trước” cả chương trình mà học sinh sắp được học trong chương trình chính khóa. Chị Nguyễn Thị Thư (P. Phương Mai, Hà Nội) nói: “Năm nay con tôi sẽ vào lớp 8. Cô giáo chủ nhiệm năm trước cho biết chương trình rất nặng và thiếu thời gian, nên để con nắm vững kiến thức thì phải học đi học lại. Một tuần học hai tiết văn, hai tiết toán, một tiết ngoại ngữ, học phí 500.000 đồng/HS/tháng”. Theo chị Thư, đó không phải mức học phí quá cao nhưng cách quản lý của thầy cô y như học chính khóa. Học sinh đi muộn, nghỉ học sẽ bị làm bản kiểm điểm, khiển trách. Một số học sinh ở lớp học hè cho biết: “Lớp học chỉ ôn tập chương trình cũ vài buổi, còn lại đều sẽ học chương trình mới. Vào năm học sẽ chỉ nhắc lại và luyện tập”. Chị Mai Thủy (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bổ sung: “Con tôi năm nay vào lớp 9 Trường THCS Giảng Võ. Các cháu phải đi học từ 1-7. Dĩ nhiên, ban đại diện cha mẹ học sinh yêu cầu cha mẹ phải có đơn xin học tự nguyện. Nhưng rất ít người từ chối đăng ký cho con học hè vì sợ thầy cô dạy trước chương trình, con mình sẽ bị thua kém”. Theo chị Mai Thủy, “thầy cô chỉ dành hai tuần ôn tập, từ ngày 15-7 sẽ bắt đầu học chương trình mới”. Học ở trường, nhiều học sinh vẫn phải theo học các lớp toán, văn nâng cao, học ngoại ngữ với các thầy giỏi, nhất là HS cuối cấp. Còn chị H.Đ. ở đường Bàu Cát, Q.Tân Bình, TP.HCM có con học lớp 4 Trường TQT (Q.Tân Bình) lại than thở: “Tổng kết năm học xong là cô giáo phát thời khóa biểu học hè tại… nhà riêng của cô và hứa hẹn kèm cặp các cháu chương trình năm học mới. Các bạn trong lớp đều đăng ký học nên muốn con mình ở nhà cũng không được, đành cho con tới lớp. Lớp học chật chội, nóng bức, học sinh đông nhưng không cho cháu đi học thì ở nhà cũng không ai chăm, sau này vào năm học không theo kịp bạn bè, nhất là năm sau là năm cuối cấp…”. Trước cổng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), em H.N., học sinh lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), cùng một số bạn đang uể oải chờ bố mẹ đến đón sau hai tiết học viết chữ đẹp. Gương mặt còn ngái ngủ, N. cho biết: “Buổi sáng con học viết chữ, chiều có cô giáo tới nhà dạy toán, tiếng Việt, buổi tối con đi học phản xạ tiếng Anh trên quận 10”. “Từ đầu hè tới giờ con được bố mẹ cho đi chơi ở đâu chưa?”. “Mới nghỉ hè xong là đi học luôn, bố mẹ bảo bao giờ viết chữ đẹp mới được đi biển chơi”. Một HS lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nói: “Trường bắt đầu mở lớp ôn hè vào ngày 12-7, nhưng chúng em hầu như chưa bao giờ được nghỉ hè. Hiện tại thầy cô ở lớp học thêm đã dạy gần xong chương trình của học kỳ 1 lớp 12 rồi!”. VĨNH HÀ – LƯU TRANG |