Đất Tổ trước ngày Quốc giỗ

Lượt xem:


– Công tác chuẩn bị cho 10 ngày lễ hội đã được Phú Thọ thực hiện sẵng sàng. Năm nay, lễ Giỗ Tổ được tổ chức với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất bởi vậy, đảm bảo cho hàng triệu người dân về với Đất Tổ trong không khí bình yên và vui tươi là mục tiêu hàng đầu của BTC.

“Năm nay, lần đầu tiên, tất cả những nơi tập trung đông người sẽ được BTC đặt camera theo dõi trong những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương”- Ông Nguyễn Tiến Khôi – Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết.

 

gio to2.jpg

Chưa khai hội, du khách đã về Đất tổ rất đông (ảnh: Trần Nhật)

Do gắn với Ngày văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc nên Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong thời gian dài nhất từ trước tới nay: 10 ngày từ 1/3 – 10/3 âm lịch (từ 14/4 – 23/4/2010). Đây cũng là lần đầu tiên, số tỉnh về với Quốc giỗ nhiều nhất: 21 tỉnh. Địa bàn tổ chức lễ hội mở rộng từ trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh.

Chương trình lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần sẽ diễn ra chủ yếu ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP. Việt Trì. Đêm khai mạc 1/3 (âm lịch) sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và Đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình khai mạc với chủ đề: “Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương” sẽ rất hoành tráng, ấn tượng với 1.100 diễn viên tái hiện lịch sử vùng đất huyền thoại.

Sau đêm khai mạc, từ ngày 2 – 4/3 (âm lịch), tại khu di tích Đền Hùng và TP. Việt Trì sẽ diễn ra các hoạt động của Ngày Văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc. Tiếp theo là các hoạt động của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động hội trại, văn hóa dân gian, hoạt động thể thao của các tỉnh tham gia lễ hội trải rộng từ Khu di tích Đền Hùng đến TP. Việt Trì, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao… Ngoài ra, sẽ có hai đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Kinh đô Văn Lang – Thăng Long, Hà Nội nghìn năm tỏa sáng” (tối 8/3) và màn võ thuật “Hào khí đất Việt” (sáng 9/3) hứa hẹn sẽ gây ấn tượng sâu sắc với công chúng với việc khắc họa quá trình phát triển lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, tối 9/3 sẽ diễn ra chương trình “Nối vòng tay lớn vì người nghèo Đất Tổ”.

 

gio to 3.jpg
Du khách sẽ được xe ô tô điện đưa đón an toàn (ảnh: Trần Nhật)

Điểm nhấn quan trọng của lễ hội Đền Hùng năm nay là ngày tổ chức Giỗ Tổ – Quốc lễ sẽ được tổ chức tại Điện Kính Thiên (Đền Thượng) trong khuôn viên Di tích lịch sử Đền Hùng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự lễ dâng hương. Lễ vật được dân lên các Vua Hùng là bánh trưng, bánh dày, và hoa, trái của các vùng miền trong cả nước. Sau đó là lễ dâng hoa lên bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sau lễ dâng hương, hoa, lãnh đạo nhà nước và các đại biểu tham dự lễ dâng hương Giỗ Tổ sẽ tham gia lễ trồng Đồi cây 1.000 năm góp thêm màu xanh cho vùng Đất Tổ.

Để đảm bảo lễ hội và Quốc giỗ diễn ra thành công, Nhà nước đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phú Thọ triển khai thực hiện, có sự tham gia của các tỉnh đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Năm nay toàn bộ khu vực xung quanh khu vực lễ hội đã được chỉnh trang khang trang. Đặc biệt, để đón một lượng lớn du khách và đồng bào về Giỗ Tổ, toàn bộ đường đi từ đền Giếng lên cổng Đền không còn hàng quán, tạo sự rộng rãi, thoáng đãng cho khu di tích.

Đặc biệt, việc kè bờ chân núi Nghĩa Lĩnh được thực hiện đảm bảo đất núi không sạt lở, sạch sẽ cho cảnh quan. Ông Khôi cho hay: “Khi chúng tôi thực hiện kè chân núi, anh em báo chí không hiểu cho rằng bê tông hóa Đền Hùng. Thực tế, nếu không kè bờ, mỗi khi mưa lớn, đất xói lở gây cho cảnh quan không được sạch sẽ. Chúng tôi làm lõi kè bê tông, nhưng bên ngoài ốp đá ong, vẫn đảm bảo nét cổ kính mà hài hòa với thiên nhiên”.

Năm nay, các tuyến đường cũng đã được mở rộng hơn, các tuyến đường tránh, bãi đỗ xe đã được làm thêm. Hiện khu di tích có bãi đỗ xe có sức chứa khoảng 3.000 xe về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cho du khách tham gia lễ hội.

Ông Khôi cũng cho hay: “Cơ sở vật chất đến giờ này về cơ bản là đáp ứng nhu cầu, vệ sinh môi trường năm nay tăng cường thêm 30 nhà vệ sinh lưu động, có 200 – 300 thùng rác, lực lượng thu gom lên tới 100 người. Tuy nhiên, để đảm bảo không gian lễ hội sạch sẽ, điều cần nhất là ý thức người dân. Nhiều người dân còn xả rác bừa bãi, chưa có ý thức bỏ rác vào thùng, bảo vệ môi trường”.

Đặc biệt, năm nay, Khu di tích Đền Hùng cũng đặt thêm những bảng điện tử để tuyên truyền về ý thức tham gia lễ hội, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt và bảng điện tử ở Ngã 5 Đền Giếng là hướng dẫn giao thông, các hướng tham quan khu di tích.

Với lượng khách ước đạt hơn triệu người trong 10 ngày lễ hội, song song với việc bảo vệ an ninh, trật tự lễ hội, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan khu di tích cũng cần đảm bảo. Ông Khôi cho hay, năm nay, hệ thống bảo vệ, phòng chống cháy rừng tại khu di tích được đề cao hàng đầu. Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã có những bể nước nhân tạo cung cấp nguồn nước nếu có hỏa hoạn xảy ra. Bên cạnh đó, đường ống dẫn nước từ dưới chân núi, đến lưng chừng núi và đỉnh núi được lắp đặt thông suốt, đảm bảo nếu hỏa hoạn xảy ra lưng núi cũng có thể khắc phục được ngay”.

Trước ngày Quốc giỗ, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện mọi công việc cho lễ hội đã được hoàn tất. Cả TP. Việt Trì đến khu di tích Đền Hùng đã ngập tràn cờ hoa. Khuôn viên trước khu di tích, các nghệ sĩ, nhân viên cũng đang tất bật hoàn thiện sân khấu với hình ảnh Cổng Đền Thượng, nhà sàn các dân tộc, vỏ trứng thể hiện truyền thuyết trăm trứng nở trăm con…. Tất cả đã sẵn sàng cho một lễ Giỗ Tổ an toàn, tốt đẹp, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên của dân tộc.

BTC đã công bố đường dây nóng 0210.3860026 của Khu di tích Đền Hùng nhằm đảm bảo tiếp nhận và xử lý những bức xúc của du khách. Hiện Phú Thọ có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo chỗ ở cho hàng ngàn du khách.

Hồng Gấm