Đổi mới quản lý giáo dục – nhìn từ thực tiễn
Lượt xem:
– Tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trong khuôn khổ sinh hoạt CLB các giám đốc Sở GD&ĐT năm 2010, đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo các tỉnh phía Nam”. Có trên 90 đại biểu từ các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ và các đại biểu đến từ các cục, vụ của Bộ GDĐT tham dự. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội thảo. Phát biểu chào mừng, Thạc sĩ Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: “Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế về giáo duc, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, mong rằng qua hội thảo sẽ nhận được nhiều nhiều ý kiến đóng góp hữu ích về đồi mới nâng cao chất lượng giáo dục cho tỉnh nhà.” PGS –TS Nguyễn Xuân Tế, Hiệu trưởng trường CBQLGD thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm CLB các Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh phía Nam đã khái quát thực trạng quản lý giáo dục các tỉnh phía Nam, cũng là tóm tắt kỷ yếu hội thảo, với gần 50 báo cáo tham luận xung quanh đề tài này.
Những bài học quý về quản lý Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nhi, GĐ Sở GD-ĐT Đồng Tháp, báo cáo về việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính trong các trường THPT công lập. Báo cáo nêu bật cách vận dụng Nghị định 43/CP về tự chủ ngân sách, từ đó thực hiện được đề án đào tạo 500 thạc sĩ cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để có chính sách đối với người học cao học, tiền trợ cấp cho người dạy thay cho giáo viên đi học. Ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở GD-ĐT An Giang: Quản lý tài chính và tài sản có ý nghĩa lớn. Qua thanh tra một số trường, thiết bị bỏ nhện đeo, sổ sách không tốt. An Giang mở 12 lớp QLGD, kéo dài 6 tháng cho 1600 hiệu trưởng, kế toán trưởng từ mầm non đến THPT. Đội ngũ đạt chuẩn, trên chuẩn cũng nhiều. Đây là lực lượng thực hiện chiến lược giáo dục của tỉnh nhà. Đã là hiệu trưởng thì phải có kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục. Thế nhưng có hiệu trưởng cứ sao y kế hoạch năm trước gởi cho sở, thì rõ ràng không có chiến lược PTGD cho trường mình. Cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, học sinh, 5 năm, 10 năm sẽ như thế nào? Chúng tôi liên hệ với trường CBQLGD tổ chức cho hiệu trưởng học tập, sao cho họ phải lập được chiến lược phát triển giáo dục cho trường mình. “Làm những gì mình không biết, nói gì không hiểu” thì làm sao kiểm định chất lượng gíao dục? Hiện đã mở lớp thứ tư. Thời gian tới hy vọng tư duy hiệu trưởng có tư duy thay đổi. Lộ trình phát triển chiến lược, chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn. Ông Bùi Văn Dũng, GĐ Sở GD-ĐT Hậu Giang: Đổi mới quản lý nhân sự nâng cao chất lượng GD phải xét đội ngũ. Tỉnh HG, dân số giảm 50 ngàn, học sinh giảm. Có hiện tượng thừa giáo viên cục bộ. Cách xử lý của HG theo 2 hướng: Một số giáo viên quá kém, gần tới tuổi hưu sẽ giảm biên chế theo NĐ 132/CP; Đào tạo 217 giáo viên thành nhân viên quản lý trường học. Chú ý chuyên môn hóa giáo viên dạy lớp 1. Từ đó tạo đà cho học sinh ham học. Hoán chuyển giáo viên giỏi đi vùng xa để nhân điển hình, người quản lý yếu yếu sẽ thay thế. Nhân sự, cấp huyện do Phòng GD đề xuất huyện quyết định. Điều chuyển cán bộ thông qua huyện ủy. Những chỉ đạo của Sở GD-ĐT đưa ra được ủng hộ. Trường tuyển nhân sự, Sở quyết định số lượng. Định mức tài chính khoán đủ biên chế. Người đi học cao học được hưởng chính sách, người dạy thế được hưởng thêm giờ. Vì thế HG đã đào tạo 38 thạc sĩ, hơn 100 giáo viên đang học cao học. Hiệu trưởng THCS có trung cấp chính trị, THPT có cao cấp chính trị. Hậu Giang phát động mỗi giáo viên phải đỡ đầu cho học sinh có nguy cơ bỏ học. Mỗi tuần trường kể chuyện về tấm gương Bác dưới cờ.
Những tồn tại cần tháo gỡ Ông Trương Ánh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Nông nêu một số thực trạng mối quan hệ trong QLGD ở Đăk Nông. Thành lập từ năm 2004, trên 6 huyện khó khăn nhất của tỉnh Đak Lak, đội ngũ trẻ, nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đổi mới QLGD. Việc phân cấp quản theo ngành và các huyện thị không thống nhất, mỗi nơi quản lý một kiểu. Sở quản lý Phòng về chuyên môn, còn nhân sự, tài chính đều do phòng Nội vụ, Phòng Tài chính tham mưu với UBND huyện quyết định dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý. Ông Trần Việt Hùng, GĐ Sở GD-ĐT Sóc Trăng bức xúc: Về quản lý, phải tính toán ngay từ Bộ trở xuống. Thành lập trường Dân tộc nội trú cấp huyện đáng lý giao cho Sở quyết định, thế nhưng hiện nay không thống nhất, có nơi UBND tỉnh quyết định. Các kỳ thi tốt nghiệp PTTH, Sở tổ chức được. Bộ nên làm chuyện lớn hơn: khung chương trình, chiến lược giáo dục quốc gia… Thông tư 50 có nhiều vướng mắc. Giáo viên học cao học phải nghỉ dạy mới học tốt, nhưng người dạy thay lấy tiền ở đâu trả. Cách quản lý như Đắc Nông rất khó cho ngành giáo dục bị động. Chủ động về quản lý nhân sự, tài chính bắt đầu từ hiệu trưởng và kế toán trưởng. Không bồi dưỡng hiệu trưởng và kế toán trưởng thì hậu quả ngành giáo dục lãnh đủ vì họ quản lý tiền tỉ. Vì thế Sóc Trăng rất chú trọng bồi dưỡng QLGD và sắp tới phải bồi dưỡng đều khắp.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai: công nghệ phát triển, giáo dục đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội. Giáo dục phổ thông hiện nay chưa dạy người toàn diện. Tôi muốn nói đến việc dạy kỹ năng sống cho học sinh, vì thế việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực rất có ý nghĩa. Thế nhưng hai vấn đề nóng bỏng đáng quan tâm hiện nay: Một là, trường đạt chuẩn quốc gia quá còn thấp. Tôi nêu số liệu cả nước hiện nay, hệ MN có 13%, Tiểu học 35%, THCS 15%, THPT 9%. Hai là, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, cần có chương trình cụ thể như: công tác dã ngoại, giáo dục hướng nghiệp, sinh hoạt đoàn thể… cần đầu tư kinh phí hợp lý. Tiến sĩ Trần Thanh Đức, GĐ Sở GD-ĐT Tiền Giang: Góc độ quản lý có nói phân cấp và tự chủ. Bộ cần thể chế và phân cấp mạnh mẽ hơn. Giáo dục là quá trình, ở góc độ này là chủ thể, ở góc khác là khách thể. Giáo dục hướng đến quyền tự chủ, tự chọn của học sinh là hết sức cần thiết. Theo tôi, hiệu trưởng là người gác cổng của bộ, là bộ óc của giám đốc sở nối dài. Không phải cạnh tranh học trò trường này, tỉnh này tỉnh nọ mà làm sao tạo ra sức cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam. Đổi mới quản lý trường học, là tế bào của đổi mới của cả ngành giáo dục. Kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục thực tế là khâu cuối cùng. Nhưng giáo dục hiện đại kiểm tra đánh giá là quá trình song song với dạy và học. Nên cụ thể hóa những điều đó, để hiệu trưởng có thước đo tự đánh giá mình. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ghi nhận những ý kiến của các đại biểu. Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng nhấn mạnh: đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo là một định hướng hết sức quan trọng, là quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ của ngành giáo dục. Trong thời gian qua, ngành có những chuyển biến nhất định trong việc đổi mới quản lý giáo dục, nhưng trước xu hướng hội nhập quốc tế, trước nhu cầu thực tiễn cần đẩy nhanh quá trình đổi mới quản lý. Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP Hồ chí Minh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Sở GD-ĐT các tỉnh để tiếp tục triển khai các khoá học về quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nguyễn Ngọc |