GD gánh một trách nhiệm nặng nề

Lượt xem:


* Ông Huỳnh Văn Hoa-Bí thư Đảng ủy khối cơ quan TP. Đà Nẵng: GD gánh một trách nhiệm nặng nề

Ông Huỳnh Văn Hoa

Tôi rất tâm đắc với ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau phần trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ở phiên chất vấn sáng ngày 24/11, khi cho rằng đây là phiên chất vấn sôi nổi, phong phú, thẳng thắn nhất, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội tới sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

Qua các văn bản, cứ liệu để chứng minh cho những việc làm, giải pháp nhằm đổi mới GD mà Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT nêu lên, các đại biểu có thể thấy GD gánh một trách nhiệm nặng nề, vất vả như thế nào (chúng tôi cũng đã từng trải nghiệm). Chỉ tiếc những gì mà Bộ trưởng viện dẫn còn quá khiêm tốn so với thực tế đã làm được, nhất là sự chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, sự tăng nhanh của quy mô GD tăng nhanh; chất lượng đào tạo được đầu tư, nhu cầu học tập của ngày dân ngày càng tốt hơn, tỷ lệ trẻ em đến trường rất cao; tất nhiên là chưa thể so sánh với nhiều nước trong khu vực, và cũng chưa thể nói chúng ta đã bằng lòng với thành quả đạt được…

* Ông Đặng Quốc Hòe-Phụ trách Khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH Sư Phạm-ĐH ĐN: Đột phá  không có nghĩa là nôn nóng

Ông Đặng Quốc Hòe

Một số câu hỏi chất vấn của đại biểu xoáy và vấn đề chất lượng môn Sử và thực trạng học các môn xã hội nhân văn. Kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý cũng như tiếp xúc với các em SV, tôi biết rõ những nguyên nhân đưa đến thực trạng không hẳn từ phía giáo trình, SGK hay người thầy mà có ở nhiều yếu tố tác động khách quan khác, trong đó có tác động của nền kinh tế thị trường, của biến động xã hội đối với tâm lý người học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định không có vấn đề gì từ khâu ra đề thi môn Sử. Đúng như vậy! Không những thế đề thi ở các môn khoa học xã hội những năm gần đây có nhiều cải tiến và hướng đến phát huy năng lực sáng tạo của người học.

Ngay ở Trường chúng tôi, năm học vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ, đã có những bước đột phá trong công tác khảo thí và kiểm định chất lượng, coi đây là theo chốt của đổi mới căn bản, toàn diện GD. Tuy nhiên, đột phá không có nghĩa là nôn nóng. Đột phá là dám làm, dám sáng tạo nhưng phải có tính căn cơ ( nói theo cách của Bộ trưởng), giải quyết từng khâu để đi đến một tổng thể vững chãi!

*Trần Thị Ngọc Mai (Biên Hòa, Đồng Nai): cần có quyết tâm lớn để đổi mới giáo dục ĐH

Thừa nhận những bất cập của giáo dục ĐH chứng tỏ bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn trước hạn chế của ngành. Đừng nghĩ rằng cử nhân, kỹ sư quá nhiều, không tìm được việc làm như ý là sự lãng phí. Cũng cần thấy một mặt tốt khác nữa, ấy là người theo học ĐH ngày càng nhiều hơn, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, còn góp phần nâng cao trình độ dân trí. Dĩ nhiên, để đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội và đào tạo góp phần nâng cao dân trí, cần có những loại hình ĐH và mức đầu tư khác nhau. Rất mong bộ trưởng, từ chỗ thẳng thẳn nhìn nhận hạn chế của ngành rồi, cần có quyết tâm lớn để đổi mới giáo dục ĐH hiệu quả hơn.

* Ông Phạm Thông – Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam: “sự trung thực cần thiết”

Ông Phạm Thông

Tại phiên chất vấn sáng nay, khi Bộ trưởng trả lời một đại biểu Quốc hội rằng, trong quá trình đi thanh, kiểm tra tuyển sinh ở một số cơ sở, có trường hợp cơ sở báo cáo không trung thực nên Bộ không phát hiện và không xử lý kịp thời được. Tôi thấy một vài tờ báo đã vội nâng quan điểm, quy chụp cho sự “ ngây thơ” của Bộ ở chỗ này. Tôi đã từng có một số bài viết bàn về  cái khó trong công tác thanh tra GD, mà ở đây, trong phạm vi hạn định, tôi không nêu lại.

Chỉ xin dẫn chứng một cách nôm na như thế này: tôi là một ông bố khá chu đáo và tận tụy với con cái, nhưng tôi vẫn không thể nào tự tin là tôi đã biết hết các con tôi từng ngày đang làm gì, ở đâu. Bất kể ngành nào cũng vậy, làm gì có chuyện ở bên trên nắm rõ được tất tần tật mọi thứ ở bên dưới; thế mới nảy ra chuyện tham ô, tham nhũng, tệ nạn xã hội, hàng nhái hàng giả…; huống gì ngành GD với hàng trăm, ngàn trường học, cơ sở GD, đào tạo như thế. Trả lời chất vấn mà cứ theo kiểu vo tròn: Chúng tôi biết rồi, chúng tôi đã xử lý và sẽ xử lý thì còn gì để nói. Không thể coi sự trả lời của Bộ trưởng Luận là kẻ hỡ, mà chỉ có thể coi, đó là sự trung thực cần thiết. Tôi thành thật chia sẻ nỗi niềm cùng Bộ trưởng!

Ths. Nguyễn Đắc Toàn

* Ths. Nguyễn Đắc Toàn, Trường CĐSP Thái Bình: Trả lời thẳng thắn, nghiêm túc

Sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận “đăng đàn” trả lời chất vẫn của các đại biểu Quốc hội. Theo lịch trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết thúc vào 10h30, tuy nhiên, do lượng câu hỏi quá lớn (39 câu), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải kéo dài thêm 30 phút và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải trả lời theo nhóm câu hỏi nhưng ông vẫn không đủ thời gian để trả lời hết các câu hỏi của các đại biểu tại hội trường Quốc hội. Nói như thế đủ hiểu sự quan tâm của cử tri cả nước đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà sâu sát đến mức nào.

Theo đánh giá của tôi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời thẳng thắn và đầy trách nhiệm trước những câu hỏi chọc thẳng vào những vấn đề nóng hổi của giáo dục Việt Nam như: Chất lượng GD-ĐT, lạm thu tiền trường, dạy thêm, học thêm, chính sách với giáo viên mầm non, giáo dục ở vùng khó…

Tôi rất tâm đắc với quyết định không hạ điểm sàn của Bộ GD-ĐT trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Trong bối cảnh nhiều trường kêu gọi hạ điểm sàn để tuyển đủ sinh viên, quyết định của Bộ GD-ĐT là hoàn toàn đúng đắn, bởi chất lượng đầu vào là hết sức quan trọng.
                                         
* Ông Trịnh Hào (Tân Bình, TPHCM): Chỉ mình Bộ trưởng thì không làm nổi

Kỳ vọng của cử tri đối với ngành GD&ĐT là rất lớn.Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi có rất nhiều câu hỏi bức xúc đặt ra cho bộ trưởng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những vấn đề, đại biểu cũng cần phải trao đổi lại với cử tri, như vấn đề lạm thu. Trong việc lạm thu, có trách nhiệm rất lớn của cha mẹ học sinh. Trong họp phụ huynh, trước một đề nghị nào đó liên quan đến thu thêm, một số đã không trung thực và trách nhiệm khi đưa tay biểu quyết. Nếu như cha mẹ học sinh thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của mình, họ sẽ là lực lượng nòng cốt, chống lạm thu. Tôi cho rằng, những chủ trương, chính sách, chỉ đạo trong chống lạm thu của Bộ, như trả lời của bộ trưởng, cơ bản đã ổn. Vấn đề là trong thực tế triển khai, bên cạnh trách nhiệm nhà trường,  cha mẹ học sinh sẽ chung tay với ngành GD&ĐT để giải quyết vấn đề này như thế nào. Nếu cha mẹ học sinh kêu cứ kêu mà đưa tay biểu quyết vẫn đưa tay biểu quyết, thì e rằng, 10 ông bộ trưởng, muôn năm nữa vấn đề lạm thu vẫn không thể giải quyết dứt điểm.