“Hai không” – Một chặng đường nhìn lại

Lượt xem:


(GD&TĐ) – Sau 20 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã có bước phát triển; công tác phổ cập giáo dục, giáo dục đỉnh cao, giáo dục dân tộc được tập trung thực hiện; giáo dục đại học phát triển về quy mô, đa dạng hóa về loại hình và các hình thức đào tạo, chất lượng ở một số ngành, lĩnh vực có bước chuyển biến tích cực; các nguồn lực phát triển giáo dục được tăng cường.

Bên cạnh những thành tựu và thuận lợi nêu trên, ngành Giáo dục còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, nhất là các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là hai vấn đề gây bức xúc nhất mà xã hội và bản thân thầy, cô giáo cùng học sinh, sinh viên đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục thật sự có hiệu quả.

Trong tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục (gọi tắt là Chỉ thị 33). Bắt đầu từ năm học 2006-2007, Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (gọi tắt là cuộc vận động “Hai không”). Cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá để nâng cao nền nếp, kỉ cương giai đoạn 2006-2010. Trong Chỉ thị số 33, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT “Xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006-2010 với yêu cầu: “nâng cao đạo đức của nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục”. Để triển khai thực hiện Chỉ thị, ngành Giáo dục đã tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp trong hoạt động dạy học, quản lý giáo dục và tranh thủ sự hỗ trợ của toàn xã hội trong suốt quá trình thực hiện.

Các giải pháp thực hiện cuộc vận động “Hai không”

Với tinh thần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện cuộc vận động “Hai không”, ở trung ương, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2006 về Kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Hai không” với các yêu cầu, nội dung, giải pháp, dự kiến các chủ đề nhằm xác định khâu đột phá của từng năm học giai đoạn 2006-2010; thành lập Ban chỉ đạo ở cấp quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể liên quan; kí văn bản liên tịch với 6 cơ quan để phối hợp triển khai cuộc vận động. Hằng năm, Bộ ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của từng cấp học, tiếp tục xác định chủ đề, nội dung của bước đột phá cho từng năm; phối hợp với các bộ, ban, ngành chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết kinh nghiệm thực hiện cuộc vận động.

Ở địa phương, các tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 33. Các cấp quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo và học sinh đã kí cam kết để thực hiện Chỉ thị này; đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá thực trạng, xác định các biểu hiện tiêu cực trong thi cử và các tiêu cực khác, nhận diện bệnh thành tích; xác định sự cần thiết phải đổi mới thi đua, giải pháp dạy thật, học thật, thi thật, kết quả thật.

Bộ GD-ĐT tiến hành hàng loạt các giải pháp liên quan đến hoạt động GD, quản lý GD và sự phối, kết hợp với các lực lượng xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Chỉ thị 33.

Thứ nhất, nhóm giải pháp liên quan đến đổi mới hoạt động giáo dục

Nhiệm vụ trước hết là cần phải thiết lập lại kỷ cương thi cử. Bộ GD-ĐT ban hành hệ thống quy chế mới về thi với các yêu cầu chặt chẽ, chính xác ở tất cả các khâu, tạo cơ sở pháp lý cho việc chống gian lận, tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm theo quy chế đối với những vi phạm. Xây dựng và thực hiện lộ trình cải tiến thi: thi trắc nghiệm một số môn học; tổ chức thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận giữa các địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Các địa phương có các văn bản kịp thời chỉ đạo các cơ sở GD tổ chức thực hiện; chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tổ chức thi; đề ra các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho kì thi.

Các nhà trường tổ chức nghiêm việc thực hiện quy chế thi; phối hợp với các lực lượng xã hội đảm bảo an toàn cho thí sinh.

Tiếp đến phải tập trung hỗ trợ, giúp đỡ học sinh yếu kém để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngồi sai lớp, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT rà soát, kiểm tra và phân loại học sinh vào đầu năm học, chọn giáo viên có đạo đức, kinh nghiệm và chuyên môn tốt kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu kém ngoài giờ lên lớp.

Về triển khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, đối với giáo dục mầm non, Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới và Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi để chỉ đạo triển khai, xác định, điều chỉnh mục tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ.

Cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội (Khóa X), Bộ GD-ĐT đã 2 lần tổ chức đánh giá toàn diện chương trình, sách giáo khoa. Trên cơ sở đánh giá, Bộ đã thực hiện một số giải pháp: chỉnh sửa sách giáo khoa bằng việc đính chính và thông báo về các địa phương; điều chỉnh một số nội dung dạy học theo hướng giảm tải, tích hợp một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục; ban hành tài liệu Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Bộ đã xem xét, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của các môn học, cấp học; giao quyền chủ động quyết định kế hoạch thời gian năm học cho địa phương…

Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Đối với giáo dục chuyên nghiệp, Bộ đã hướng dẫn xây dựng chương trình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ và nâng thời lượng thực hành từ khoảng 50% đến 75% tổng thời lượng của chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu về tay nghề của người lao động.

 Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 117/TB-BGDĐT ngày 26/02/2009 về “Chỉ đạo, quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông”, theo đó, đã định hướng chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đề ra trách nhiệm của giáo viên và các cơ quan quản lý giáo dục.

Các nhà trường đều tích cực chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo, tăng cường năng lực tự học tập của học sinh; đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, phối hợp nhiều hình thức trong kiểm tra, thi; khắc phục dạy học theo lối “đọc-chép”, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học và phòng học bộ môn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.  

Thứ hai, nhóm giải pháp liên quan đến quản lý giáo dục.

Hằng năm, Bộ đều ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn đánh giá về các lĩnh vực công tác đối với các Sở GD-ĐT, không lấy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để làm tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua. Căn cứ vào điều kiện địa lý và tình hình giáo dục của các địa phương, Bộ đã sắp xếp các địa phương thành 7 vùng thi đua. Mỗi năm, Bộ tổ chức từ 2 đến 3 lần giao ban theo từng vùng thi đua. Tại các cuộc họp giao ban vùng, các Sở GD-ĐT trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, việc làm tốt về giáo dục của địa phương mình, đề xuất những vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Bộ đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT thành lập Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đánh giá chất lượng các trường phổ thông và mầm non; ban hành các quy định mới về thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh các cấp theo hướng đề “mở”, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Bộ đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; ban hành quy định đạo đức nhà giáo và phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành Kế hoạch liên tịch triển khai cuộc vận động. Triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các cơ sở giáo dục đã phát động trong giáo viên phong trào tự học, tự nghiên cứu. Nhiều hình thức hưởng ứng cuộc vận động như hội thảo, họp mặt, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về phẩm chất đạo đức nhà giáo, tổ chức tuyên dương khen thưởng nhà giáo tiêu biểu, giáo viên dạy giỏi, vinh danh cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu…

Xác định ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản về chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số và trường phổ thông dân tộc bán trú: Nghị định quy định về việc dạy và học tiếng dân tộc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015…

 Nhận thấy đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục THCS, phổ cập TH đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là hết sức quan trọng, Bộ chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện công tác phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng phổ cập ở địa phương đã hoàn thành; trình Chính phủ ban hành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 và chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện.

Thứ ba, nhóm giải pháp liên quan đến phối hợp các lực lượng xã hội trong quá trình thực hiện Chỉ thị 33

Bộ GD-ĐT đã vận dụng các chính sách, vận động các ngành và xã hội quyên góp để hỗ trợ học sinh đi học, phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội đến trường.

Tổ chức Lễ tuyên dương các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương chủ động thông tin tuyên truyền cho xã hội, Bộ đã xây dựng và triển khai Đề án “Báo điện tử Giáo dục và Thời đại”, tạo một kênh thông tin, là diễn đàn chính thống của ngành giáo dục với toàn xã hội; là nơi truyền tải những thông tin có chiều sâu, có sự đối thoại hai chiều. Công tác giao ban báo chí được duy trì đều đặn.

Những kết quả khả quan

Về đổi mới hoạt động giáo dục, việc áp dụng thi trắc nghiệm một số môn học đã góp phần đảm bảo tốt hơn tính khách quan trong coi thi, chấm thi; đảm bảo đề thi bao quát được nội dung dạy học và giảm chi phí về thời gian và kinh phí thi; Tổ chức thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận giữa các địa phương đã hạn chế các tiêu cực chủ quan trong coi thi và chấm thi. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đã đạt được hiệu quả thiết thực.

Qua hơn bốn năm triển khai, trật tự, kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã được nâng lên rõ rệt. Đã chấm dứt được các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, nhất là việc gian lận có tổ chức trong thi cử tại một số địa phương. Những hiện tượng bất thường xảy ra trong thi cũng đã được kịp thời phát hiện và xử lí theo đúng quy chế nên hạn chế được tác động tiêu cực tới công tác tổ chức thi. Số thí sinh bị đình chỉ thi đã giảm.

Bằng nhiều biện pháp chỉ đạo kiên quyết của ngành cùng với sự hỗ trợ tích cực của gia đình và các đoàn thể xã hội, số học sinh yếu kém, học sinh bỏ học giảm đáng kể qua các năm.

Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai năm thứ 2, thực hiện ở 11.480 trường, đạt tỷ lệ 88% (tăng 34,1%), với 132.242 nhóm, lớp, đạt tỷ lệ 74,2% (tăng 30,5%); Chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ được nâng cao; Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể nhẹ cân, thấp còi đều giảm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 với nhiều địa phương đạt tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT dưới 50% (trong khi đó năm 2006 toàn quốc đạt 94%), cấp ủy và chính quyền các địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác giáo dục, vì vậy hiệu quả, chất lượng giáo dục thực tế dần được nâng lên: năm 2008 tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007; năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7% so với năm 2008; năm 2010 tỷ lệ tốt nghiệp là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; năm 2011 tỷ lệ tốt nghiệp là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010.

Mức chênh lệch kết quả thi giữa các tỉnh, thành phố giảm đi, đã phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học.

Về đổi mới quản lý GD đã có hiệu quả thiết thực. Bệnh thành tích trong công tác thi đua đã giảm và đã góp phần thiết thực đẩy mạnh các hoạt động GD trong toàn ngành. Các địa phương đã chủ động trong việc kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy ở các cơ sở GD; sắp xếp, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ quan quản lí GD.

Trong 2 năm (từ 2007 đến 2009), 63/63 Sở GD-ĐT đã thành lập Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng GD. Công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đã có bước phát triển mạnh. Năm học 2010-2011, tổng số trường đủ điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục và thực hiện tự đánh giá là 19.687/27.956 (đạt tỷ lệ 70,4%).

Tình hình vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm (năm 2008 có 122 vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, năm 2009 có 24 vụ, năm 2010 có 11 vụ, 6 tháng đầu năm 2011 có 03 vụ). Nhiều tấm gương tận tụy vì học sinh thân yêu, cống hiến vì sự nghiệp đổi mới của ngành, vì sự phát triển của đất nước đã được biểu dương kịp thời . Qua 3 đợt xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú từ 2006 đến nay, Chủ tịch nước đã phong tặng 299 Nhà giáo Nhân dân và 2.374 Nhà giáo Ưu tú. Việc ban hành chuẩn đánh giá theo nhiều mức độ đạt được theo từng tiêu chí cụ thể, giúp giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường thấy rõ từng mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xây dựng kế hoạch tự phấn đấu, bồi dưỡng.

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục phát triển. Toàn quốc có 295 trường phổ thông dân tộc nội trú với khoảng 70.000 học sinh được hưởng học bổng chính sách. Chất lượng dạy và học ở các tỉnh miền núi và dân tộc ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá của các trường đạt trên 96%. Chỉ tiêu tuyển sinh cho đối tượng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được tăng thêm.

Đến tháng 5/2011 có 57/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi; Hết năm 2010, 100% tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; Có 53/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

Trách nhiệm và hiệu quả công tác thanh tra đã được nâng lên. Các đoàn thanh tra đã phát hiện và chỉ đạo các địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế, bất cập trong công tác thanh tra.

Về phối hợp các lực lượng xã hội, Hội Phụ nữ đảm bảo 100% học sinh không bị đói. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp áo ấm cho học sinh. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm tổ chức tặng hơn 70 nghìn bộ sách giáo khoa cho con thương binh, liệt sĩ trị giá hơn 7 tỉ đồng, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa học tập.

Cuộc vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà ở công vụ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa” với hơn 104 tỷ đồng xây dựng 59.796m2 nhà ở; đồng thời quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên được 112 tỷ đồng, gần 7 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, hàng triệu bộ quần áo và các đồ dùng học tập cho học sinh của các vùng nói trên.

Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT Việt Nam.

Những hạn chế sau 4 năm thực hiện ”Hai không”

Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên về yêu cầu thực hiện Chỉ thị còn hạn chế. Nhiều cán bộ, giáo viên chưa mạnh dạn phát hiện, phản đối các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương. Vẫn tồn tại tình trạng lệch lạc trong định hướng các giá trị trong hoạt động dạy và học, trong lối sống văn hoá, đạo đức nghề nghiệp.  

Vẫn còn đó nhũng thói quen cũ, lạc hậu trong quản lý, trong giảng dạy vẫn tồn tại là lực cản của cuộc vận động. Một số địa phương còn hạn chế về phương pháp vận động. Một số nơi chưa chỉ đạo liên tục, chưa coi là hoạt động thường xuyên ở mỗi nhà trường; suy tôn, bình xét thi đua còn có sự nể nang; trao đổi, học tập kinh nghiệm ở một số nơi còn biểu hiện hình thức, kém hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học ở vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn còn đạt hiệu quả chưa cao. Chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh dân tộc đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc điều động thanh tra coi thi với số lượng lớn tạo tâm lý căng thẳng, gây sức ép cho trường thi. Năng lực của một số cán bộ thanh tra uỷ quyền còn yếu dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Những bài học kinh nghiệm quý báu

Phải xác định rõ được các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục, đó là sự chi phối của 4 loại quy luật: (1) Các quy luật của quá trình dạy và học (quy luật của quá trình sư phạm); (2) Các quy luật hoạt động và điều khiển hệ thống xã hội; (3) Các quy luật của hoạt động kinh tế; (4) Các quy luật cơ bản của tồn tại xã hội (động cơ hành động, vai trò của gia đình).

Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD thi đua dạy tốt, học tốt là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Giáo dục, của các nhà trường. Tuỳ tình hình cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương cần phải xác định được và kiên quyết triển khai những giải pháp có tính đột phá, trọng tâm, có tác dụng thúc đẩy toàn bộ hệ thống, toàn bộ các nhiệm vụ hướng vào nâng cao chất lượng giáo dục.

Cần kết hợp triển khai cuộc vận động “Hai không” với các cuộc vận động, các phong trào thi đua một cách liên tục, thiết thực, kết hợp chống tiêu cực với xây dựng các điển hình tiên tiến. Càng về sau khi mà các tiêu cực càng được khắc phục thì các giải pháp “xây” càng phát huy tác dụng hơn các giải pháp “chống”.

Việc tuyên truyền phải có tác dụng tạo được sự đồng thuận trong xã hội; công tác thi đua, khen thưởng là động lực thúc đẩy hoạt động dạy học và góp phần nâng cao chất lượng dạy học, các văn bản chỉ đạo hoạt động, hướng dẫn thi đua của Bộ không chứa đựng các quy định có thể dẫn tới bệnh thành tích.

Phải có sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; sự chuyển biến nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội.

Giáo dục là quốc sách. Cuộc vận động “Hai không” xét cho cùng là cuộc vận động nhằm lành mạnh hóa môi trường giáo dục Việt Nam, từ đó đưa nền giáo dục nước nhà trở thành nền giáo dục tiên tiến hiện đại đáp ứng được nhu cầu nhân lực không ngừng tăng lên của xã hội. Minh triết của “Hai không” là không thể phủ nhận, thành tựu mà “Hai không” đạt được trong những năm qua là đáng trân trọng. Năm nay, ngành giáo dục tiến hành tổng kết “Hai không” nhưng không phải vì thế mà cuộc vận động thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân khép lại. “Hai không” vẫn đồng hành với chúng ta trong sự nghiệp phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.           

GD&TĐ