Mỗi ngày tự học một giờ

Lượt xem:


TT – Sau một đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, một anh bạn công chức trẻ cho rằng: trong việc học tập và làm theo Bác thì một trong những cái khó làm theo nhất là ham học, học suốt đời, lấy tự học làm cốt.

Đúng là trong hoàn cảnh hiện nay, không ít công chức hết giờ làm việc rồi thì tìm cách “xả stress” bằng quần vợt, dẫn gia đình đi mua sắm hay nhậu lai rai với bạn bè; ít người đủ ý chí gò mình đến lớp học hay tự học vào buổi tối.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM trên 300 công chức tuổi từ 20-35 thuộc hai khối kinh tế và hành chính – sự nghiệp cho thấy: trong ba loại hình hoạt động chiếm 5-10% mức thu nhập thì tham gia loại hình giải trí có 58,3% số công chức; đi mua sắm thời trang có 52,4% và học thêm chỉ có 37,3% số công chức. Nói cách khác, việc học đứng cuối cùng trong nhu cầu tinh thần của công chức trẻ! Đây thật là một phát hiện không đáng mừng chút nào về tinh thần ham học của công chức trẻ.

Tại sao ở Việt Nam – một nước vẫn tự hào là dân tộc có truyền thống hiếu học – lại có tình trạng công chức trẻ chưa xem trọng việc học? Lý do có thể là do nhà trường của chúng ta đã làm cho người học thấy ngán học ngay từ lúc… còn đi học. Đã ngán học rồi thì có được tấm bằng của một cấp học, bậc học nào đó là đã mừng, thoát được việc học như là thoát khỏi việc… khổ sai.

Hơn nữa, việc học đến nay vẫn cứ được quan niệm một cách hạn hẹp là phải ngồi trong trường lớp, với thầy cô và sách giáo khoa, từ đó mà dân gian vẫn quen dùng từ đi học. Xã hội chưa hình thành một quan niệm về học suốt đời mà chỉ phân biệt người chưa đi học, đang đi học và thôi học mà thôi.

Trong thế giới hiện đại, quan niệm này đã trở thành lỗi thời. Học theo kiểu ngồi trong trường lớp với thầy cô và sách giáo khoa chỉ là một giai đoạn học tập ban đầu, chiếm thời gian ngắn trong đời người và được chứng minh là chỉ đem lại cho người lao động chừng 25% hiểu biết và kỹ năng cần thiết để sống và làm việc trong đời.

Giai đoạn tiếp theo mới là quan trọng hơn: học thường xuyên, học tiếp tục, học trong cuộc sống, học suốt đời; lấy tự học làm cốt lõi, tự chọn lấy những nội dung cần cho mình mà học; tự học, tự tìm kiếm lấy thời gian phù hợp mà học, tự đánh giá lấy hiệu quả của việc học. Giai đoạn này kéo dài suốt đời người và được chứng minh là cung cấp 75% hiểu biết và kỹ năng cần thiết để sống và làm việc có hiệu quả.

Nước nào biết xây dựng quan niệm học tập kiểu mới này cho dân cư, nước đó có khả năng vượt lên, đi tắt đón đầu thật sự trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thời đại của kinh tế tri thức. Đã có một số nước đang làm điều đó. Hàn Quốc từ một nước rất nghèo đầu thập niên 1950 (nghèo như Việt Nam lúc đó), hiện nay là một nước phát triển cao, có trình độ khoa học kỹ thuật và văn hóa đáng khâm phục.

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc quan niệm rằng sự hưng thịnh hay suy tàn của quốc gia luôn phụ thuộc vào thành công hay thất bại của việc đào tạo nên một dân tộc có học. Cộng hòa Singapore mới chỉ có hơn 50 năm tuổi mà đã từ một nước thuộc thế giới thứ ba thành nước thuộc thế giới thứ nhất trong vòng một thế hệ cũng là nhờ người dân ham học, chính phủ cùng nhân dân chú trọng đầu tư cho giáo dục để có đội ngũ người lao động giỏi giang, thạo việc và tận tụy.

Trong hoàn cảnh Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công, Nhà nước non trẻ còn phải đối phó với giặc xâm lược và nạn đói, Bác Hồ đã không quên nhắc nhở quy luật nghiệt ngã “dốt thì dại, dại thì hèn” và giải thích “vì không chịu dại, không chịu hèn nên thanh toán mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”.

Sau ngày tiếp quản thủ đô, Bác phê phán đảng viên mới 40 tuổi mà đã cho là mình già nên ít chịu học tập và nói rõ là mình 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm rồi kêu gọi “còn sống thì còn phải học…”. Người còn nhắc nhở cán bộ cơ quan “mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ”.

Công chức Việt Nam mỗi ngày phải học tập ít nhất một tiếng đồng hồ, bao giờ điều này trở thành thói quen của công chức, đặc biệt là công chức trẻ?

 TS HỒ THIỆU HÙNG