Những khẩu hiệu trong trường phổ thông
Lượt xem:
(GD&TĐ) – Hiện nay mỗi trường của ta đều đắp, kẻ, khắc ở cổng trường, tòa nhà chính, trong lớp học nhiều khẩu hiệu khác nhau. Các khẩu hiệu này thường nói về tầm quan trọng của giáo dục, phương hướng thi đua của nhà trường. Nhiều trường vẫn còn dùng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn. Đây là khẩu hiệu có mặt ở nhà trường của ta từ khá lâu. Không rõ câu này ở đâu ra và nó được du nhập vào Việt Nam từ khi nào. Đây là một phương châm giáo dục khá sâu sắc có lẽ đã tồn tại qua nhiều thời đại. Thế nhưng nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh chắc cũng chưa thống nhất cách hiểu và khó mà giải thích thấu đáo thế nào là “lễ” là “văn”. Học sinh lại càng hiểu lơ mơ. Như thế có thể nói khẩu hiệu này đã lỗi thời, không còn thích hợp với nhà trường ta hiện nay. Đã đến lúc cần tìm cho nhà trường Việt Nam một khẩu hiệu thích hợp, khẩu hiệu này phải đáp ứng các yêu cầu sau : 1. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. 2. Phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường Việt Nam. 3. Tiếp thu kinh nghiệm giáo dục của các nước. 4. Đủ sâu sắc để thể hiện chiến lược lâu dài và đủ cụ thể để đáp ứng đòi hỏi trước mắt của giáo dục Việt Nam. 5. Ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng tôi đi tìm khẩu hiệu đó trong những chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch cho nền giáo dục Việt Nam. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng Bác Hồ đã rất coi trọng giáo dục. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công Bác đã đặt nhiệm vụ chống giặc dốt bên cạnh nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm và chống đói nghèo. Bác phát động phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Bác khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (1). Suốt đời Bác chăm sóc nền giáo dục Việt Nam. Bác coi trọng cả nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ánh sáng soi đường cho cách mạng và văn hóa, giáo dục Việt Nam. Mối quan tâm hàng đầu của Bác Hồ là mục đích học tập của học sinh, học viên. Tháng 9 năm 1949. Người ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương : “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn đạt được mục đích thì phải: Cần, kiệm, liêm, chính Chí công vô tư” (Sđd, trang 92) Như thế Bác dạy: Học để làm người. Ngày 18 tháng 12 năm 1954 trong buổi gặp gỡ nam nữ học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương Hà Nội, Bác Hồ nói: “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà” (Sđd, trang 132) Như thế Bác dạy: Học để làm cho dân giầu nước mạnh. Tổng hợp và cô đọng lại những lời chỉ dạy trên đây của Bác Hồ ta có khẩu hiệu: “Học để làm người, làm cho dân giầu nước mạnh”. Có thể trích dẫn nhiều lời dạy của Hồ Chủ Tịch để chứng tỏ khẩu hiệu này thể hiện được điều tâm huyết nhất của Người về mục tiêu giáo dục của chúng ta. Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu này. Trong thế kỷ XX, giáo dục ở một số nước rơi vào cực đoan khi giải quyết mối quan hệ tôi – ta, riêng – chung, cá nhân – cộng đồng. Có nơi đề cao tập thể, coi nhẹ cá nhân, thậm chí biến cá nhân thành những cỗ máy biết nói, những đinh ốc rỉ, những nô lệ ngoan ngoãn được bao cấp cả về tư tưởng. Có nơi xem nhẹ cộng đồng, đề cao quá mức cá nhân khiến cho có những kẻ mặc sức làm ác, làm xấu, rơi vào chủ nghĩa trung tâm tự kỷ, cho mình là cái rốn của vũ trụ. Khẩu hiệu “Học để làm người, làm cho dân giầu nước mạnh” gồm hai vế. “Học để làm người” khẳng định cá tính sáng tạo của mỗi cá nhân. “Học để làm cho dân giầu nước mạnh” khẳng định quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Bác Hồ nói: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giầy xéo lên lợi ích cá nhân” và “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa (…) Lợi ích chung của tập thể được đảm bảo thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện được thỏa mãn” (Sđd, trang 177). Và Bác đã nhiều lần nhắc nhở: “Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ của dân tộc” (Sđd, trang 160). Thế nào là “Học để làm người?” Bác Hồ từng nói: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là : chăm lo dạy dỗ con cái của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” (Sđd, trang 132). Bác Hồ nhận xét về bản chất con người: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng…” (Sđd, trang 255). Hai câu thơ của Bác trong tập Nhật ký trong tù đã nói rõ tầm quan trọng của giáo dục : Hiền dữ phải đâu là tính sẵn Phần nhiều do giáo dục mà nên (Nửa đêm) Xưa kia khi nói về lập thân người ta nhấn mạnh lập đức, lập nghiệp, lập ngôn. Theo Bác Hồ, người tốt là người tài đức vẹn toàn : “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được cho ai” (Sđd, trang 145). Năm 1964 Bác lại nói tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân” (Sđd, trang 235). Bác Hồ đã nhiều lần nói tới đạo đức mà mỗi người cần rèn luyện. Bác đặc biệt nhấn mạnh đức tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Chí công vô tư” trong mỗi cá nhân. Bác coi trọng phẩm chất công dân: “Vì vậy cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ” (Sđd, trang 56). Đồng thời Bác không quên nhắc tới phẩm chất của con người trong cuộc sống riêng: “Các cháu phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy với bạn phải yêu kính” (Sđd, trang 39) Bác Hồ đề cao lòng nhân ái: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế (…) Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa” (Sđd, trang 251). Ý nghĩa của mục tiêu “Học để làm cho dân giầu, nước mạnh”. UNESCO luôn luôn điều chỉnh mục tiêu đào tạo: “Học để biết, Học để học cách học, Học để tự khẳng định, Học để sáng tạo”. Theo ý chúng tôi, mục tiêu sáng tạo cao nhất của học sinh là tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần làm cho dân giầu nước mạnh. Ngay từ trước năm 1945 Bác Hồ đã viết: Mong cháu ra công mà học tập Mai sau cháu giúp nước non nhà Chúng ta đều thuộc lòng những lời tâm huyết của Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. (Sđd, trang 36 – 37) Bác đòi hỏi tinh thần công dân rất cao ở mỗi học sinh: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do, nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt” (Sđd, trang 159). Thế hệ cha anh ta đã rửa được cái nhục mất nước. Nhất định các thế hệ con cháu sẽ xóa được nỗi khổ đói nghèo. Chúng ta phải “đi bằng đầu”, bằng trí tuệ, phát triển mạnh giáo dục và khoa học thì mới có thể sớm sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong một cuộc điều tra, khi được hỏi “Học để làm gì?” một số học sinh đã trả lời như sau: Học sinh Mỹ: Học để trở thành người đứng đầu. Học sinh Thái Lan: Học để không thua kém người khác. Học sinh Hàn Quốc: Học để cho thấy Người Hàn Quốc cũng có thể góp phần cải tạo thế giới. Theo ý chúng tôi, nếu được hỏi HS Việt Nam có thể trả lời: Học để làm người, làm cho dân giàu nước mạnh. GS. Nguyễn Hải Hà |